Mới đây, Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức hội nghị với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo; doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ quảng cáo; các đơn vị kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cùng đại diện một số bộ, ngành, hiệp hội có liên quan. Hoạt động này nhằm đánh giá thực trạng hoạt động quảng cáo trên mạng tại Việt Nam và phổ biến các giải pháp sẽ được triển khai thời gian tới, với vai trò của cơ quan quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng.
Theo ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, quảng cáo trên mạng hiện vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế.
Cụ thể, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài còn chưa nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam. Các đơn vị kinh doanh dịch vụ quảng cáo không thông báo thông tin liên hệ hoặc thông báo chưa đầy đủ cho cơ quan quản lý YouTube, Facebook cho người sử dụng mạng xã hội đăng tải tràn lan nội dung vi phạm pháp luật và bật tính năng năng kiếm tiền cho phép cài đặt quảng cáo trên các kênh, trang, tài khoản đó.
Đồng thời, hiện nay các công cụ kỹ thuật để kiểm soát nội dung quảng cáo, vị trí quảng cáo cũng chưa bảo đảm hiệu quả. Hơn nữa, các cơ chế quản lý nội dung, bật kiếm tiền cho kênh, tài khoản mạng xã hội lỏng lẻo, chạy theo lợi nhuận, chưa coi trọng việc bảo đảm an toàn cho thương hiệu và tuân thủ quy định pháp luật. Cơ chế xử lý và khắc phục vi phạm còn chưa triệt để.
Về các nhãn hàng, đại lý quảng cáo đang chủ quan, chạy theo lợi nhuận, có xu hướng quảng cáo tràn lan, trên các trang thông tin điện tử vi phạm, kém chất lượng. Không sử dụng hoặc không cập nhật thường xuyên danh sách loại trừ hiển thị quảng cáo khỏi vị trí vi phạm (Black List).
Ngoài ra, một số nhãn hàng nổi tiếng, các đài truyền hình bị các đối tượng xấu lợi dụng hình ảnh để quảng cáo trục lợi bất chính.
Cũng theo đại diện Bộ TT&TT, hậu quả của việc này là không gian mạng đang có thực trạng các quảng cáo của nhãn hàng, thương hiệu Việt Nam bị gắn tràn lan vào nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, sai sự thật; khiêu dâm, trái với thuần phong mỹ tục; giật gân, câu view, vi phạm bản quyền ở rất nhiều video xấu độc trên YouTube, Facebook…
Trong những quảng cáo sai sự thật trên Youtube, quảng cáo "nhà tôi ba đời chữa bệnh" gây khó chịu nhất với người dùng mạng xã hội này. Những quảng cáo này đều bị cắt ghép, lồng tiếng và sử dụng hình ảnh của những đài truyền hình, nhãn hàng nổi tiếng ở Việt Nam.
Theo số liệu mới được công bố, chỉ trong 6 tháng cuối năm 2022 đã có hơn 2.000 quảng cáo phóng đại, sai sự thật bị gỡ bỏ, nhiều hơn 3 năm trước cộng lại. Đây là kết quả của hoạt động siết chặt quảng cáo của cơ quan chức năng và sử dụng cơ chế mới trong quảng lý quảng cáo.
Cũng theo ông Lê Quang Tự Do, các quảng cáo nổi tiếng về sai sự thật và gây ức chế cho người xem như “nhà tôi ba đời chữa bệnh” hay “cam kết chữa khỏi” trên YouTube đã bị dẹp bỏ. Dạng quảng cáo này lợi dụng lòng tin của những người vốn đang bị bệnh nhằm lôi kéo họ mua các thuốc hoặc liệu trình chữa bệnh “gia truyền” không an toàn và chưa được cấp phép. Điều này khiến người bệnh tiền mất, nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm.
“Để thông tin sai sự thật lan truyền trên không gian mạng một phần do những nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội, thậm chí họ còn có thuật toán để những tin giả lan truyền nhiều hơn tin thật, bởi vì được nhiều người tương tác”, Cục trưởng PTTH&TTĐT nhấn mạnh.
Theo lãnh đại Cục PTTH&TTĐT, năm 2021, mỗi khi mở Youtuber là thấy vẫn "thần y", "nhà tôi 3 đời" và cơ quan chức năng lúng túng trong việc ngăn chặn những quảng cáo này. Nguyên nhân đến từ việc chưa có sự hợp tác giữa cơ quan phụ trách thông tin điện tử với cơ quan phụ trách cấp phép thuốc, thực phẩm chức năng, khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế, cũng như chưa có cơ chế gỡ bỏ một lượng lớn nội dung từ Google, YouTube.
Đến thời điểm hiện tại, Cục PTTH&TTĐT khi phát hiện nội dung “khả nghi” về thuốc và khám chữa bệnh, sẽ chuyển đến cơ quan y tế để thẩm định, và sau đó yêu cầu Google ngăn chặn diện rộng bằng thuật toán.
“Từ tháng 9 năm nay bắt đầu áp dụng cơ chế mới, chỉ trong vòng 1 tháng thì chúng tôi đã ngăn chặn được các quảng cáo ‘thần y’, dạng quảng cáo đó gần như không tồn tại nữa. Hiện các nền tảng mạng xã hội hỗ trợ gỡ bỏ 90% các nội dung vi phạm, tuy nhiên 10% còn lại cần nâng cao nhận thức hay ‘sức đề kháng’ của người dân trước thông tin sai sự thật”, ông Tự Do cho biết thêm.