Bên cạnh các loại mứt đa dạng sắc màu như mứt mãng cầu với màu trắng ngà, mứt khoai lang vàng rực hay mứt hạt sen màu ngà… những trái mứt chùm ruột gói trong giấy kiếng lại càng nổi bật, điểm thêm sắc xuân cho khay bánh kẹo đãi khách mấy ngày tết. Cứ mỗi lần thấy loại mứt này được chưng, bỗng dưng tôi lại nhớ đến một tuổi thơ hồn nhiên bên gia đình vào những ngày đầu Xuân tươi đẹp.
Chùm ruột (hay còn gọi là tầm duột, chùm duột, tầm ruột) vốn là loại cây thân gỗ cao, to khoảng 5-6m, sinh trưởng trong vùng khí hậu nóng, xuất hiện ở khắp nơi tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Cây chùm ruột có hai loại trái, ngọt và chua. Trái ngọt thường được bọn trẻ con tận dụng để ăn sống, chấm muối ớt, còn trái chua thường được sử dụng để làm gia vị, nấu canh chua, dùng gói nem hoặc làm mứt, ngâm rượu.
Và đối với các bà nội trợ miền Tây phải kể đến món chùm ruột nấu canh chua cá rô, chùm ruột ngâm rượu hoặc mứt chùm ruột cho con cháu ăn trong những ngày đầu Xuân.
Vào những ngày cuối năm, khi công việc đồng áng đã vơi dần, mẹ tôi thường tranh thủ hái những trái chùm ruột già, không sâu, không bị dập đem về bỏ cuống, rửa sạch rồi cho vào ngăn đá tủ lạnh một ngày. Chùm ruột khi đông đá lấy ra, mẹ thường để rã đông tự nhiên sẽ mềm nhũn ra, không cần phải cà cho giập như khi xưa bà vẫn thường làm.
Mẹ tôi sẽ tỉ mỉ hốt từng nắm chùm ruột cho vào túi vải sạch vắt cho ra bớt nước chua. Sau đó, mẹ sẽ xả lại nhiều lần với nước sạch. Mỗi khi thấy bàn tay của mẹ nhăn nheo vì nước chua tiết ra từ chùm ruột khiến chúng tôi xót xa vô cùng. Tuy thế, mẹ tôi chỉ khẽ mỉm cười, an ủi chúng tôi rằng không sao, các con thích là mẹ vui rồi. Sau khi sơ chế, mẹ tôi thường cho chùm ruột với đường và một ít muối theo tỉ lệ 1kg chùm ruột, nửa ký đường và ¼ muỗng cà phê muối rồi đem ra sân phơi nắng vài giờ.
Sên mứt là khâu đòi hỏi nhiều công sức của người chuẩn bị. Mẹ tôi thường cho chùm ruột vào chảo bắc lên bếp vặn lửa lớn rồi bắt đầu sên cho đến khi đường tan hết và bắt đầu sôi thì hạ nhỏ lửa lại. Mẹ thường dùng đũa đảo nhẹ nhàng cho đến khi mứt chuyển từ màu xanh sang màu cam rồi màu đỏ sậm thì tắt bếp, đợi mứt nguội cho vào lọ. Những trái mứt chùm ruột lấy ra xong còn lại thứ nước đường sền sệt đọng lại trong chảo. Bản tính trẻ con mê ngọt khiến chị em chúng tôi tranh thủ múc vào ly, quậy thêm nước đá thành loại nước uống chua chua ngọt ngọt, uống rất vui miệng.
Mẹ tôi nói, với cách làm này sẽ giữ nguyên mùi vị nên rất thơm ngon. Nếm thử, tôi thấy giòn giòn và có chút vị chua của chùm ruột, vị mặn nhẹ của muối chứ không ngọt gắt như nhiều loại mứt khác. Những ngày giáp Tết bây giờ, thi thoảng đi dạo chợ, tôi bắt gặp mấy chị bưng chiếc thau bán mứt chùm ruột với những trái mứt được xỏ xâu trong mấy cọng tre chẻ nhỏ. Nhìn những trái mứt đỏ sẫm, bóng mượt khiến tôi nao nao nhớ món mứt chùm ruột năm nào của mẹ. Giữa biết bao ồn ào, tất bật của phố thị, những xâu mứt chùm ruột kia nhắc nhớ biết bao hồi ức đẹp một thời tuổi thơ trong lòng người xa quê.
Không chỉ có tài làm mứt, mẹ tôi có khi còn làm rượu chùm ruột cho cả nhà uống. Cách làm tương tự như làm rượu nho, cứ thong thả cho một lớp chùm ruột, một lớp đường, đậy nắp keo thủy tinh lại, chừng nửa tháng sau có thể chắt uống được. Rượu chùm ruột cô đặc, khi rót ra, cho thêm ít nước đập thêm ít đá uống ngon như rượu vang nhưng lại có vị ngọt nhẹ khiến mấy đứa nhỏ rất mê. Còn những ai biết uống rượu thì cứ uống nguyên như vậy, nhìn nhẹ đô chứ uống nhiều cũng say quắc cần câu luôn.
Ngẫm cho cùng thì chỉ một cây chùm ruột trước sân nhà nhưng đã để lại trong lòng mỗi người dân phương Nam biết bao hồi ức đẹp về những cái Tết quê nhà. Mẹ tôi nay cũng đã già, cây chùm ruột cũng bị đốn đi khi ngõ hẻm sau nhà mở rộng ra. Tôi nghe tin thì tiếc ngẩn ngơ khi nghĩ đến những mùa Tết đến không còn trái chùm ruột chi chít, vàng rực trên cành nữa.
Mùa Xuân năm ngoái, người bạn thân thiết mang đến nhà kẹo mứt chùm ruột. Những trái chùm ruột tươm mật, đỏ sẫm khiến lòng tôi nao nao nhớ món mứt chùm ruột ngọt ngào năm nào. Khẽ khàng bỏ một trái vào miệng, hình như chút hương mùa cũ lại về theo làn gió Xuân bay…
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.