Kể chuyện làng: Bánh ít lá gai Bình Định

Nguyễn Nhan Phúc Thứ bảy, ngày 24/12/2022 08:37 AM (GMT+7)
Bánh ít lá gai Bình Định trong tiềm thức của nhiều người dân quê là món quà dân dã không thể thiếu trong đời sống hằng ngày. Bánh ít không chỉ được dùng để ăn chơi, dùng làm quà cho bạn bè, người thân mà còn là món bánh không thể thiếu trong những dịp đặc biệt như lễ Tết truyền thống.
Bình luận 0

Người quê tôi khi xưa hay có câu ca: 

 "Muốn ăn bánh ít lá gai

Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi".

Bánh ít vốn dĩ là một loại thực phẩm không xa lạ với nhiều người Việt Nam. Ở vùng nào trên đất nước ta, cũng dễ dàng bắt gặp loại bánh này. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng nơi, bánh sẽ mang hương vị đặc trưng riêng biệt của vùng đất đã sinh ra nó. Bánh ít lá gai Bình Định vì lẽ đó cũng mang trong mình biết bao hương vị đặc trưng của người dân xứ Nẫu.

Kể chuyện làng: Bánh ít lá gai Bình Định - Ảnh 1.

Chiếc bánh ít lá gai. Ảnh: Nguyễn Nhan Phúc

Khi nhắc về bánh ít lá gai Bình Định ta sẽ nhớ ngay đến vị ngọt ngọt, thanh thanh, dẻo mềm, béo béo của nếp, của lá gai, của đậu xanh và của dừa nạo. Tất cả quyện vào nhau để cùng tạo nên một hương vị ngọt ngào đầy nhớ thương.

Ở quê tôi, cho đến thời điểm hiện tại, người dân vẫn giữ nguyên truyền thống gói bánh ít lá gai vào dịp Tết. Khi những cánh đồng chín vàng đã được thu hoạch về kho cũng là lúc khắp làng vang lên tiếng giã lá khiến ai cũng nôn nao, cảm giác Tết đã về gần lắm rồi. Gia đình tôi cũng không là ngoại lệ, khi mẹ và chị đã sẵn sàng để gói bánh, bọn trẻ con như chúng tôi cũng bắt đầu lon ton theo chân người lớn để chờ sai việc vặt. 

Công việc đầu tiên chị em tôi rất thích chính là việc đi hái lá gai. Sau vườn nhà tôi có trồng một cây gai to, sum suê lá, nên chị em chúng tôi chẳng cần đi đâu xa. Gọi là "cây gai" nhưng thực ra thân, lá không hề có gai. Đây cây thân mềm, rất dễ trồng, lá na ná hình lá khoai lang; mặt trên có màu xanh, mặt dưới màu bạc, nhiều gân, sờ ráp tay. Là gai khi hái vào, chị em tôi sẽ rửa sạch, tước gân, xé nhỏ; luộc kỹ rồi cho vào cối giã, ép lấy nước. Nước ép lá gai khi trộn với mật mía cho vào nồi nấu, đánh cho cô lại như keo là được. 

Kể chuyện làng: Bánh ít lá gai Bình Định - Ảnh 2.

Bánh vừa gói xong. Ảnh: Nguyễn Nhan Phúc

Sau khi chuẩn bị xong phần nguyên liệu, mẹ tôi sẽ cho tất cả vào cối giã. Đây là công đoạn vất vả nhưng nó quyết định chất lượng của bánh gai. Thao tác này đòi hỏi sự kết hợp nhịp nhàng và đều đặn, nên giã liên tục với tốc độ không ngừng nghỉ. Bố mẹ tôi, cứ một người nện chày, người còn lại sẽ cầm đũa cả đảo; giã cho đến khi nhuyễn, đến độ vốc một nắm bột lên thấy chảy thành sợi như keo đặc với màu đen óng ánh là được. 

Riêng phần gạo nếp đã ngâm nước ấm qua đêm sẽ được cho vào cối đá để xay thành bột mịn. Nhân bánh thông thường sẽ được làm từ đậu xanh và dừa già. Đậu xanh sau khi xay, sẽ được mẹ tôi đem ngâm cho vỏ bung ra rồi đãi sạch, kết hợp thêm ít dừa khô đem nạo sợi, sau đó nấu chín cùng với đường cát. Hỗn hợp nhân bánh sau khi nấu chín sẽ được mẹ tôi tỉ mẩn đánh cho quyện vào nhau. 

Sau đó, mẹ sẽ vo lại thành những viên tròn, nhỏ nhỏ xinh xinh. Mẹ tôi thường bảo công đoạn này không tốn nhiều thời gian như bước giã nhuyễn nhưng lại đòi hỏi sự khéo tay và tinh tế của người gói. Mẹ tôi thường chia bột bánh thành từng viên nhỏ, sau đó tỉ mỉ dùng tay dàn đều thành hình tròn, đặt nhân bánh ở giữa rồi phủ bột lên cho đều. Thông thường, mẹ sẽ vê bánh thành hình chữ nhật, gói ghém cẩn thận bằng lá chuối khô. Chiếc bánh hình tháp mang phong vị của vùng đất có nhiều tháp Chăm, gợi cảm giác bền vững trường tồn, mặc cho những biến chuyển của thời gian và không gian. 

Kể chuyện làng: Bánh ít lá gai Bình Định - Ảnh 3.

Bánh ít vừa mới hấp xong. Nguyễn Nhan Phúc

Những ngày Tết, bánh ít lá gai là món ăn không thể thiếu trên bàn thờ dâng cúng Tổ tiên của người dân quê tôi. Còn gì thích hơn cảm giác được quây quần bên gia đình, cùng nhấm nháp hương vị thật dẻo kết hợp vị ngọt của đường, thơm của nếp, béo bùi của đậu, chút cay cay của gừng, tạo nên cảm giác thật đặc biệt nơi cổ họng. 

Bố tôi, vốn cực kỳ yêu thích món bánh truyền thống này đã không ngừng cảm thán vì độ ngon ngọt, đậm đà và quyến rũ khó quên của nó. Bố bảo bất kể thức ăn ngon nào khi được thưởng thức bên cạnh gia đình sẽ càng tăng thêm vị ngon gấp bội. 

Đó là lí do mà anh em chúng tôi dù có bôn ba làm ăn ở bất kỳ nơi đâu cũng thu xếp quay trở về nhà, để được nhấm nháp ngụm trà thơm, nếm thêm chút bánh ít lá đặc trưng quê hương, cùng bố mẹ hàn huyên biết bao chuyện đã qua trong năm cũ. Với tôi, đó là những giây phút bình an và đáng trân trọng nhất trong đời. 

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

 

 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem