Còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, tuy nhiên trong những ngày gần đây người dân TPHCM có dịp đi ngang qua đường Phạm Văn Đồng, Kha Vạn Cân, TP.Thủ Đức sẽ được chiêm ngưỡng hàng ngàn chậu bonsai, hoa, mai kiểng... được các nghệ nhân mang ra đây trưng bày và bán vào dịp Tết. Trong khi đó, có không ít nghệ nhân đang phải tất bật chạy ngược, chạy xuôi để tìm cho mình một chỗ bán mai Tết thích hợp nhất.
Đường Phạm Văn Đồng (TP.Thủ Đức) được mệnh danh là chợ mai của TPHCM. Mỗi dịp Tết đến, thương buôn và các nhà vườn chen nhau từng mét đất mặt tiền để trưng bày và bán mai cho người có nhu cầu. Chị Võ Thị Hồng Cẩm, một nhà vườn trồng mai ở phường Hiệp Bình Chánh cho biết, đây là thời gian mà nhà vườn đang rất bận rộn, vừa lo chăm sóc cho vườn mai, lại vừa phải đi tìm chỗ bán.
Ngay khi nghe tin phường phân lô cho các nghệ nhân buôn bán, nhiều chủ vườn đã tranh thủ bưng một số chậu mai ra trưng trước để "xí” chỗ.
Nhắc đến thú chơi mai ở Sài Gòn, người chơi mai không thể không nhắc đến làng hoa Thủ Đức. Ngay từ những năm 2006, UBND TPHCM đã ra quyết định quy hoạch thành lập Làng hoa kiểng Thủ Đức, nhằm cung cấp hoa cho người dân thành phố.
Vào những dịp Tết đến, Xuân về, nhiều người dân thành phố có thú chơi mai thường lui tới nơi đây để chiêm ngưỡng và chọn mua. Năm nay cũng là năm đầu tiên phường Hiệp Bình Chánh triển khai công tác sắp xếp tại tuyến đường Phạm Văn Đồng (từ khu vực Chùa Ưu Đàm đến ngã tư Bình Triệu) cho các hộ trồng hoa mai được phép kinh doanh, buôn bán các loại cây cảnh, mai cảnh...
Chậu mai vàng được trưng bày trên đường Phạm Văn Đồng, TP.Thủ Đức (TP HCM).Cách cầu Bình Triệu khoảng 1km, đây được xem là "lãnh địa" của làng mai TPHCM. Với lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, từ lâu các phường Linh Đông, Tam Bình, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước và Tam Phú... TP.Thủ Đức đã trở thành "thủ phủ” của làng hoa thành phố.
Theo ghi nhận của chúng tôi, vào những ngày này, làng hoa Thủ Đức đã vào mùa. Hàng chục ngàn chậu mai đã được trưng ra đường Phạm Văn Đồng để cung ứng cho thị trường hoa Tết.
Năm nay, thời tiết thuận lợi nên hầu hết các chủ vườn dự đoán, nguồn cung mai sẽ không thiếu và mai sẽ bung hoa đúng dịp Tết. Hầu hết, đất trống ở đây đều được người dân tận dụng để trồng hoa. Tùy diện tích, nhà ít cũng có vài trăm mét vuông, nhà nhiều có đến 4.000 - 5.000m².
Trong những ngày cuối năm, người trồng mai Tết phải túc trực ngày đêm, thậm chí mất ăn mất ngủ nếu thấy mai có biểu hiện bệnh hay ra nụ lớn.
Từ sáng sớm, vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Chí Công cùng gần 10 người thợ đã vội thức dậy gắn máy bơm phun nước, tỉa cành, bón phân cho vườn mai hơn 2.000 chậu để giữ ẩm, phòng mai nở sớm. Xong xuôi, anh và nhóm thợ lại tỉa cành, tạo dáng cho mai.
Theo anh Công, 1 năm có 2 thời điểm làm nên sự thành bại của người trồng mai chính là lúc bón phân, thay chậu, tỉa cành. Lúc kết thúc chính là việc ngắt lá vào cuối vụ để cây mai cho ra hoa vào đúng dịp Tết.
Việc chăm sóc mai vàng vào đầu vụ cũng không hề đơn giản, nếu làm không tốt sẽ ảnh hưởng đến cả một vụ mai. Những việc như dọn cỏ, bón phân, thay đất... thì đơn giản, ai cũng làm được. Riêng việc tỉa cành, tạo dáng thì phải là những người thâm niên, có tay nghề cao mới làm được. Công việc này đòi hỏi người thợ phải có cái nhìn thẩm mỹ, đầu óc sáng tạo và sự kiên trì.
Sau những ngày Tết, mai sẽ kiệt sức vì "khai hoa nở nhị" nên cần phải có chế độ chăm sóc hợp lý thì mới hồi phục lại được. Hơn nữa, chỉ có mùa xuân cây mới đâm chồi nẩy lộc, nên việc tỉa cành, tạo dáng cho mai vào thời điểm sau Tết là rất hợp lý.
Do đó việc bón phân, thay đất cho mai sau Tết là rất quan trọng, vì nó cung cấp dinh dưỡng cho cây mai phát triển trong suốt một năm. Sau giai đoạn này, người chơi mai vàng nên tiếp tục chế độ chăm sóc trong cả năm, nhất là việc thường xuyên tưới nước.
Anh Công tâm sự: Khi trồng mai từ bầu ươm sang chậu, phải bấm rễ cọc để cây không vươn cao mà chỉ phát triển các chi, nhánh. Muốn tạo ra những chậu mai có dáng, thế theo ý mình, thì người trồng mai phải tự ươm cây con và tạo dáng cho mai từ nhỏ, biết lai, ghép các giống mai để có được những loại mai vừa ý.
Để tạo được những thế mai "độc", không đụng hàng, các nghệ nhân thường rất tốn thời gian và công sức đầu tư. Cây mai vốn dẻo dai nên dễ uốn theo các thế khác nhau, thậm chí có thể ghép 2 loài mai vàng lại với nhau để tạo nên một chậu mai có nhiều kiểu hoa khác nhau. Việc tạo dáng cho mai nên bắt đầu ngay từ nhỏ và duy trì liên tục cho đến khi mai trưởng thành.
Về "làng mai bạc tỷ” hỏi thăm chủ vườn mai Phương Bình, Hà Ra Trận, Năm Nga, Năm Đông, Ba Sơn, Chí Công, Vũ Huyền, Tư Vân...không ai là không biết.
Trong khu vườn rộng hơn 3.000m² của Nguyễn Văn Chí Công, nghệ nhân với hơn 20 năm kinh nghiệm trồng mai tại phường Hiệp Bình Chánh có hơn 2.000 chậu mai, trong đó có hơn 700 chậu mai có độ tuổi từ 5 - 10 năm; hơn 400 chậu mai vàng từ 10 - 20 năm tuổi; 250 chậu mai vàng có tuổi đời trên 40 năm.
Nhìn vườn mai vàng với đủ loại, đủ màu sắc như: mai xanh (phước mai), mai trắng, mai hồng, mai huỳnh tỷ (24 cánh), cúc mai (100 cánh), mai vàng tai dão.... Một cây mai của anh có giá trị từ 5 đến 150 triệu đồng/cây. Cá biệt, trong vườn có những cây mai cổ thụ lên tới 1,5 tỷ đồng.
Cũng như anh Công, anh Võ Thành Vũ, nghệ nhân có 15 năm kinh nghiệm trồng mai tại phường Tam Phú, TP.Thủ Đức có 2.000m², trồng khoảng 500 chậu mai có độ tuổi từ 5 - 10 năm; 100 chậu từ 10 - 20 năm tuổi; 50 chậu từ 20 đến 40 tuổi.
Một cây mai của anh có giá trị từ 5 đến 200 triệu đồng/cây. Trong những ngày qua, anh Vũ phải huy động hết những người trong gia đình và thuê hơn 10 công nhân, luôn phải tất bật từ sáng đến tối để chăm sóc mai.
Việc ngắt lá mai vào cuối năm cũng có những quy luật riêng. Người nghệ nhân phải thông thạo với nghề thì mới làm được những chậu mai nở đúng vào dịp Tết. Theo anh Vũ, nghề trồng mai thương phẩm ở TP.Thủ Đức đã có từ lâu.
Nhưng từ năm 2006, khi UBND TPHCM ra quyết định thành lập Làng hoa kiểng TP.Thủ Đức thì nghề này mới thực sự phát triển. Trao đổi với chúng tôi, một số nghệ nhân phấn khởi cho biết, do năm nay thời tiết thuận lợi nên những cây hoa cho ra rất nhiều bông đẹp và chất lượng.
Chị Võ Thị Hồng Cẩm cho biết: Gia đình tôi trồng được khoảng 1.200 chậu mai. Năm nay do thời tiết và khí hậu ổn định nên các chậu hoa phát triển tốt. Hiện tại, nhiều người đã đến đặt mua hoa tại nhà vườn để mang về chưng Tết.
Tuy chúng tôi chỉ trồng loại mai có tuổi đời từ 5 - 10 năm, nhưng bán chạy hơn mai cổ thụ. Theo chị Cẩm, nếu thời tiết tiếp tục nắng ấm kéo dài, người trồng mai sẽ phải áp dụng các biện pháp "hãm" để hoa nở vào đúng dịp Tết Nguyên đán.
Nghề trồng mai, cây kiểng... phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Năm ngoái, do thời tiết lạnh, mai ra hoa muộn nên nhiều nghệ nhân phải chong đèn kích thích cho hoa. Nếu được mùa, được giá... mỗi nghệ nhân thu về 2 - 3 tỷ đồng/năm.
Trồng nhiều mai phải kể đến phường Hiệp Bình Chánh. Theo anh Nguyễn Văn Chí Công, nơi tập trung trồng nhiều mai nhất là các hộ dân sống ở ven sông với diện tích khoảng 25ha. Hiện toàn phường có gần 70 hộ tham gia trồng mai. Năm ngoái, thời tiết không thuận lợi, hoa nở muộn nhưng cũng cho gia đình anh Công có thu nhập gần 2 tỷ/năm.
Năm nay, anh cùng các hộ gia đình đã tăng thêm diện tích cũng như số lượng mai cũng được nhân lên. Trước đây, người dân trồng mai chủ yếu là trồng mai thường, có giá trị kinh tế thấp. Vài năm gần đây, nhiều nghệ nhân đã tập trung trồng mai ghép, mai bonsai có giá bán cao hơn từ 20 - 50 lần.
Những cây mai còi cọc, dáng xấu... được các nghệ nhân thu, mua về với giá vài trăm ngàn, vậy mà qua bàn tay anh chăm sóc, tạo dáng đã trở thành những thế mai nghệ thuật bonsai. Mỗi khi năm hết, Tết đến, các nghệ nhân bán ra thị trường với giá cả chục triệu đồng. Dẫn chúng tôi tham quan nhà vườn, anh Võ Thành Vũ say sưa nói về kỹ thuật trồng mai.
Theo anh, muốn mai tốt, ra hoa nhiều phải chăm sóc mai ngay sau Tết. Muốn mai đẹp uyển chuyển, phải dùng kẽm, tạo dáng cong từ các cành. Từ tháng 7 âm lịch, không nên tỉa cành, nếu không mai sẽ mất sức, không ra hoa.
Nếu mai trồng trong chậu, mỗi năm nên thay đất một lần. Theo anh, nghề trồng mai đang đem lại thu nhập khá cho người nông dân. Ngoài ra, việc phát triển trồng hoa, cây cảnh cũng giúp người nông dân tăng thu nhập, giải quyết được lao động nông nhàn. Thu nhập từ trồng cây kiểng, mai Tết đang cho lợi nhuận cao.
Nói trong niềm vui, anh Nguyễn Văn Chí Công cho biết, trong một ngày anh đã phải tiếp 5 đoàn khách vào vườn anh đặt mua mai. Trung bình một ngày anh cũng có 2 - 3 đoàn khách ở các tỉnh phía Bắc ghé thăm và đặt hàng.
Không dừng lại đó, hiện nay cũng có rất nhiều cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, người giàu... đến thuê mai của anh với giá từ 25 - 50 triệu đồng/cây. Theo anh Công, trung bình mỗi dịp Tết, anh tung ra thị trường cả ngàn chậu mai ghép, giá đủ loại từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng, thậm chí lên đến cả tỷ đồng.
Dịp Tết con Mèo này, anh chuẩn bị 2.000 gốc mai và dự kiến sẽ bán được chừng 1.500 gốc. Hàng năm, sau mỗi mùa Tết, tiền lời từ việc trồng mai đã mang về cho gia đình anh 3 - 4 tỷ đồng từ bán mai, cho thuê mai và dưỡng mai.