Truyền thuyết về ngôi huyệt quý "bụng đất giấu vàng" của dòng họ Trần

Thứ hai, ngày 02/01/2023 14:38 PM (GMT+7)
Dân gian truyền tụng rằng, sở dĩ họ Trần có được ngôi báu và nối nhau trị vì suốt 175 năm trời (1225–1400) là bởi có được ngôi huyệt thổ phúc tàng kim (bụng đất giấu vàng).
Bình luận 0

Chuyện truyền tụng này, về sau được Tiến sĩ Vũ Phương Đề trân trọng chép lại trong CÔNG DƯ TIỆP KÝ như sau :

"Tổ tiên họ Trần người làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc (nay thuộc tỉnh Nam Định) nối đời làm nghề chài lưới, dọc ngang suốt một dải sông dài ở Nam Đạo, đến đâu thì coi đó là nhà chứ không định cư hẳn một nơi nào.

Truyền thuyết về ngôi huyệt quý "bụng đất giấu vàng" của dòng họ Trần - Ảnh 1.

Khu Di tích đền Trần Thái Bình, thôn Tam Đường, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ảnh: internet.

Bấy giờ có thầy địa người Trung Quốc sang ta tìm mạch đất và ông đã lặn lội suốt từ đầu dãy Tam Đảo, lần theo long mạch đi qua cả vùng Thăng Long, Cổ Bi rồi đến các xã Kệ Châu, Cao Xá (Nay thuộc tỉnh Ninh Bình), thấy có nhiều gò đống liền nói đó là chỗ quân lính đóng lại nấu cơm, đi tiếp đến xã Phương Trà, huyện Nam Xương (nay thuộc tỉnh Hà Nam) thì không thấy vết tích long mạch nữa. Thầy địa dừng chân, tự nói với mình rằng:

- Nước sông chảy mạnh thế này, hẳn long mạch phải chìm dưới đáy nước.

Nói rồi, tìm đò qua sông đi đến làng Hà Liễu của huyện Ngự Thiên (nay thuộc tỉnh Thái Bình) lại thấy một gò núi lù lù hiện ra, thầy địa mừng rỡ, chỉ tay về hướng đó và nói:

- Đầu ở kia rồi, trốn ta làm sao được ?

Thấy long mạch, thầy đến xã Nhật Cảo là nơi phát xuất và đến xã Đại Đường là nơi dừng lại, xong lấy địa bàn ra coi thử, lòng những say mê, cứ quanh quẩn mãi ở đó. Đang lúc thầy địa mẩn mê suy nghĩ, có người tên là Nguyễn Cố ở xã Tây Vệ đi qua. Nguyễn Cố lại gần hỏi :

- Thầy để ý mãi chỗ này, ắt nơi đây phải có ngôi huyệt quý.

Thầy địa nghe hỏi, có ý tự phụ, ngửa mặt cả cười.

- Ôi, chẳng ai hay ngôi huyệt Đế vương nằm chỗ đất bằng này. Các thầy địa trước đây quả không có mắt.

Nghe thầy địa lý nói vậy Nguyễn Cố liền nói :

- Nếu đúng, xin thầy làm ơn để lại cho tôi, tôi xin biện lễ hậu tạ, bao nhiêu cũng được.

Thầy địa lý đáp :

- Ông thật có phước nên mới gặp tôi. Nay ông cần, tôi sẽ xin giúp. Nhưng ngay sau khi táng xong phải đưa cho tôi 100 quan tiền, sau này khi ông chiếm được nước rồi, phải chia đôi thiên hạ.

Nguyễn Cố chấp thuận ngay. Thầy địa giúp Nguyễn Cố táng mộ tổ vào huyệt nhưng lại sợ Nguyễn Cố lật lọng, nên có dặn thêm rằng:

- Đây là huyệt đại phát nên trong 100 ngày đầu, phải luôn luôn coi chừng. Nếu trời mưa gió sấm sét, mộ có gì lạ, phải hiểu ngay là điềm lành ít, điềm dữ lại nhiều, phải mau dời đi chỗ khác.

Quả đúng được ba ngày, vào lúc nửa đêm, sấm sét nổi lên ầm ầm, nhân dân vùng ấy ai cũng lo sợ. Sáng hôm sau, người ta thấy đá từ dưới đất trồi lên, trông chẳng khác đá tai mèo, rải đầy ba xã Đặng Xá, Tây Vệ và Thái Đường, tất cả vườn tược, ao hồ, ở đâu cũng có. Dấu tích còn mãi đến nay. 

Nguyễn Cố thấy vậy biết rằng mộ đã kết nên mừng rỡ vô cùng. Nhưng, người vợ lại nghĩ khác. Bà ta nói rằng:

- Ngôi mộ nhà ta dẫu nếu có đại phát, thì giờ đây lấy đâu ra 100 quan để làm lễ tạ, đó là chưa nói sau này còn phải chia đôi thiên hạ, phần mình thử hỏi được bao nhiêu?

Nguyễn Cố nghe vợ nói, tiếc của nên mới tính chuyện phản bội thầy. Khi thầy đến nhận tiền, hắn giả lả:

- Xin hẹn thầy đến ngày nọ tới chơi, vợ chồng tôi sẽ xin giao đủ số.

Đúng hẹn, thầy địa yên chí tìm đến, chẳng dè vừa vào nhà đã bị Nguyễn Cố nhét giẻ vào miệng, trói chặt lại, đợi đến đêm vác ra quăng xuống sông cái. 

Khi đã xong việc, Nguyễn Cố thong thả đi về, tưởng không ai hay biết. Nhưng, chỗ anh ta quăng thầy địa là bờ cát, nước lên thì ngập, nước xuống lại trồi lên, Nguyễn Cố ném thầy địa đang lúc nước rút mà đêm khuya nhìn không rõ, cứ tưởng thầy địa chết chìm chứ thực ra thầy địa vẫn còn nằm trên bãi. 

Bấy giờ, có thuyền chài của họ Trần đi qua, thoáng thấy liền vội cứu. Thầy địa được đưa xuống thuyền và  cởi trói. Thầy liền kể hết đầu đuôi sự việc và ngỏ lời rằng:

- Tôi được cứu thoát, ấy là ơn tái sinh, vậy xin đem ngôi đất quý đó để báo đáp.

Người họ Trần nói:

- Huyệt ấy thầy đã cho người ta rồi, làm sao lấy lại?

Thầy địa nói:

- Tôi tính kỹ, biết ngôi đất quý ấy, trời chỉ dành cho nhà ông, nên đã có cách.

Người họ Trần nghe vậy, giữ thầy địa trong thuyền cho khỏi lộ chuyện, rồi theo lời thầy, mua một ít đồng đỏ về đúc lưỡi tầm sét và mua tô mộc để nấu nước sẵn chờ dịp sẽ dùng. Đêm ấy trời nổi mưa gió, sấm sét đùng đùng, mãi đến gần sáng mới tạnh. 

Bấy giờ, thầy địa và người họ Trần mới tìm đến ngôi mộ tổ của Nguyễn Cố, cắm lưỡi tầm sét xuống đến quan tài rồi đổ nước tô mộc lên. Sáng hôm sau, Nguyễn Cố ra thăm mộ, thấy lưỡi tầm sét lởm chởm, lại thấy cả nước đỏ như máu từ dưới mộ trào lên, nghĩ là đã bị trời đánh, liền cho bốc mộ tổ chôn về chỗ khác. Thầy địa lập tức đem mộ tổ của họ Trần chôn vào mà chẳng hề có ai hay biết gì cả.

Xét ngôi đất quý này, phía trước trông ra ngã ba sông cái thuộc địa phận xã Hữu Bị, huyện Mỹ Lộc, tục gọi là cửa Tuần Vàng hay Tuần Vường, phía sau lại gối lên mình con voi phục, có lâu đài và cờ kiếm la liệt hai bên, huyệt nằm ở chỗ thổ phúc tàng kim (bụng đất giấu vàng), tọa phương càn (Ty Bắc), khán phương tốn (Đông Nam). Xong việc, thầy địa có lời đoán rằng:

- Son, phấn, khói, hoa, hiện ra phía trước, hẳn là vì sắc đẹp mà lấy được thiên hạ.

Người họ Trần nghe vậy, liền nói:

- Nếu quả đúng như lời, sau này xin chia đôi lợi lộc.

Thầy địa lý đáp:

- Chẳng cần như vậy. Nếu sau này họ nhà ông lấy được thiên hạ, xin cấp cho con cháu tôi đời đời đủ cơm ăn áo mặc là được rồi.

 Người họ Trần đồng ý. Hai bên cùng lập khoán ước để làm tin. Nhưng, thầy địa lý vốn là kẻ đa mưu và kín miệng. Ngay sau đó, thầy soạn hai bản sấm thư và dặn con cháu đem cất thật kỹ, lại dặn rằng :

- Ví thử sau này nhà Trần xử sự có hậu nên nói cho họ biết, còn như nếu họ bội ước, thì nên làm như thế này, thế này...

Trước khi ra về, thầy địa còn dặn họ Trần:

- Tôi còn có một phép có thể giúp giữ nước lâu dài, nhưng xin để sau cũng chưa muộn.

Họ Trần lấy làm hân hạnh, sắm sửa lể vật thật hậu hĩ để đưa tiễn thầy địa về Trung Quốc. Thế rồi đến đời thứ ba của họ Trần là Trần Thừa, vào năm Kiến Gia thứ 8 thì sinh được người con trai là Trần Cảnh, mũi rồng mắt phượng, sau được Lý Chiêu hoàng nhường ngôi, ấy là Trần Thái Tông. Từ ấy, con cháu thầy địa từ Trung Quốc sang, lần nào cũng được tiếp đãi rất nồng hậu.

Sau, họ Trần đối đãi bạc bẽo dần, con cháu thầy địa liền nói:

- Ông tổ của thần thuở trước có để lại một bản sấm thư, hẹn đến năm nay thì đưa sang trình. 

Vua Trần xem qua thấy nói:

- Ngôi mộ ở xã Thái Đường là nơi phát tích, nhưng từ năm nay trở đi sẽ không còn thịnh vượng nữa, cần phải khai thông đường thuỷ mới giữ được lâu dài.

Bởi quá tin thầy địa, Hoàng đế nhà Trần liền dựa vào hoạ đồ đã vẽ sẵn trong sấm thư, đào ngay một con sông từ cửa sông cái ở xã Phú Xuân chạy đến xã Thái Đường. 

Sông này nay vẫn còn dấu tích. Ngờ đâu, cũng bởi việc đào sông mà làm đứt long mạch, khiến cho nhà Trần bị suy yếu, rốt cuộc, bị Xích Chuỷ hầu (tức là Hồ Quý Ly) cướp ngôi. Song nếu xét kỹ, họ Trần hưởng phúc chừng ấy cũng là do mệnh trời chứ sức người sao mà làm nổi".

 

*   *

Lời bàn: 

Dân gian có câu :

Hòn đất mà biết nói năng.

Thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn.

Tin những điều không ai tin, mắc hoạ là phải, có gì lạ đâu. Song le, cho dẫu là tin hay không, cam tâm làm chuyện phản thầy và giết người như Nguyễn Cố chẳng đấng nhân từ nào dung tha được. Cũng may hắn sống trong thời loạn phép nước bị rẻ rúng, nếu không hẳn đã chẳng yên.

Hậu duệ của họ Trần và hậu duệ của thầy địa lý người Trung Quốc, xem ra chẳng ai tốt hơn ai. Một bên chữ tín chẳng giữ được lâu, một bên đức độ mỗi ngày một mỏng. Rốt cuộc, hậu duệ thầy địa lý thấy ăn không được nhiều nữa liền đạp đổ đi, nhân tình đen bạc thế là cùng! Tiến sĩ Vũ Phương đề chép lại chuyện này nhưng lại chẳng tin rằng ngôi huyệt thổ phúc tàng kim là có thật. Ông quy hết sự huyền diệu cho mệnh trời, thế chẳng phải là lạ lắm sao?

Đấng cao xanh lồng lộng mà sáng tỏ, mưu hiểm dẫu có giữ kín như Nguyễn Cố rốt cuộc cũng phải lộ ra. Trời đất thật bao la mà tường tận, lời ước dẫu có từ trăm năm vẫn chẳng thể quên. Chuyện nắm xương tàn dưới huyệt đất ngàn xưa thực ra là chuyện của sinh linh hiện thời. Phép răn người trị đời của người xưa vẫn thường ẩn náu trong những câu chuyện ngỡ như rất hoang đường vậy. Ngẫm mà xem! 


Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thuần (Báo Đại Đoàn kết)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem