Dân Việt

Nuôi cá ở Thái Bình, một nông dân bắt bán 100 tấn, có con cá chép giòn to nặng 7kg

Thuy Thủy 05/01/2023 05:11 GMT+7
Với 10 lồng cá trên sông và hơn 1ha ao bán nổi, bình quân mỗi năm ông Hùng, xã Vũ Bình (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) bán 100 tấn cá các loại, sau khi trừ chi phí thu lãi 1 tỷ đồng.

Những năm gần đây, xã Vũ Bình (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân đầu tư mở rộng diện tích, nâng cấp hệ thống ao nuôi, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, hiệu quả.

Ông Phan Tiến Chinh, Chủ tịch UBND xã Vũ Bình cho biết: Phát huy lợi thế là xã ven sông Hồng có nguồn nước tự nhiên và truyền thống nuôi trồng thủy sản, từ bao đời nay người dân địa phương đã sản xuất cá giống, nuôi cá thương phẩm, coi đây là nguồn thu nhập chính của gia đình. 

Cá giống được người dân lấy từ các nơi về nuôi và bán ra thị trường theo từng loại kích cỡ cá khác nhau đáp ứng nhu cầu khách hàng. 

Toàn xã hiện có 49ha ao, đầm nuôi cá, trong đó thôn Nguyệt Lâm có khoảng 300 hộ nuôi trồng thủy sản, hầu như nhà nào trong thôn cũng có ao nuôi cá giống, cá thương phẩm để bán. 

Cả thôn có hàng chục xe ô tô trọng tải từ 7 tạ đến 2 tấn hàng ngày chở cá đi các nơi bán tạo nên bức tranh quê sống động. Ngoài ra, người dân nơi đây còn nuôi cá chép đỏ để phục vụ tết ông Công, ông Táo, xuất bán mỗi năm hàng chục tấn.

Đào ao bán nổi nuôi cá ở Thái Bình, một nông dân bắt bán 100 tấn, có con cá chép giòn to nặng 7kg - Ảnh 2.

Mô hình nuôi cá trong ao bán nổi của ông Nguyễn Văn Phương, thôn Mộ Đạo 3, xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Để phát triển nuôi trồng thủy sản, Vũ Bình đã quy hoạch vùng chuyên canh và vùng chuyển đổi từ cấy lúa kém hiệu quả chuyển sang nuôi cá ao bán nổi, phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông. 

Nhờ đó không chỉ góp phần giảm diện tích ruộng bỏ hoang mà còn đưa giá trị sản xuất đạt từ 120 - 150 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với cấy lúa, nâng thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 55 triệu đồng/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 2,86%.

Là một trong những người tiên phong làm cá giống và nuôi cá trong ao bán nổi sớm nhất ở Vũ Bình, ông Phan Văn Chỉ cho biết: Trước đây tôi chuyên nuôi và bán cá giống nhưng sau khi học tập mô hình nuôi cá trong ao bán nổi ở Hải Dương năm 2013 tôi bắt đầu làm khép kín, từ cá giống đến cá thương phẩm trong ao bán nổi. 

Từ 3 mẫu ruộng trũng bị bỏ hoang tôi đã đầu tư 500 triệu đồng để bồi đắp thành 4 ao cá bán nổi. Lợi nhuận thu được từ vùng đất đó tôi nuôi 2 con học đại học, cuộc sống vợ chồng ngày càng khá giả. Cả quá trình làm như vậy nhưng chưa bao giờ tôi thua lỗ, bình quân mỗi năm tôi bán 15 tấn cá, trừ chi phí thu về hơn 200 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Phương, thôn Mộ Đạo 3 cho biết: Năm 2017 tôi bắt đầu nuôi cá trong ao bán nổi, trong đó có 1 ao cá thương phẩm, 6 ao nuôi cá giống. Tôi nhập cá bột với nhiều loại kích cỡ khác nhau về nuôi và bán tùy theo nhu cầu của khách hàng. 

Bình quân mỗi năm ông Phương bán trên 12 tấn cá thương phẩm và hơn 15 tấn cá giống, thu về 500 triệu đồng/năm. Nhiều thời điểm giá cao 7 ao cá đều được bán hết một lúc, đó chính là lúc ông thắng lợi nhất, lợi nhuận cao nhất. "Sắp tới tôi sẽ đưa ra thị trường 3 tấn cá chép đỏ để phục vụ thị trường tết ông Công, ông Táo...", ông Phương cho hay.

Đào ao bán nổi nuôi cá ở Thái Bình, một nông dân bắt bán 100 tấn, có con cá chép giòn to nặng 7kg - Ảnh 4.

Bể chứa cá chép giòn nặng hơn 7kg/con của ông Phan Tiến Hùng, xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Không chỉ thu nhập cao từ mô hình nuôi cá trong ao bán nổi mà nuôi cá lồng trên sông cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Phan Tiến Hùng, chủ mô hình nuôi cá lồng trên sông cho biết: "Năm 2015, tôi bắt đầu làm mô hình này, tuy nhiên để tạo ra sự riêng biệt tôi đã đầu tư nuôi các loại cá đặc sản như chép giòn, trắm giòn, cá lăng, rô phi...".

Với 10 lồng cá trên sông và hơn 1ha ao bán nổi, bình quân mỗi năm ông Hùng bán 100 tấn cá các loại, sau khi trừ chi phí thu lãi 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, nuôi ở trên sông gặp nhiều rủi ro, nhất là trong mùa mưa bão. Ngay năm đầu tiên thực hiện mô hình này do gặp bão lớn nên toàn bộ số lồng cá trên sông đều bị bão đánh hỏng, tài sản bị cuốn ra sông.

May mắn là từ đó tới nay ông Hùng chưa thiệt hại thêm lần nào. Để cá đạt tiêu chuẩn chất lượng tôi cho cá ăn đỗ tương nhập khẩu, bình quân mỗi năm chi phí thức ăn cho cá khoảng 5 tỷ đồng.

Vì thế càng nuôi lâu năm cá càng ngon, thịt sẽ dai, giòn, thơm hơn cá ít năm, giá bán cũng cao hơn. Hiện nay toàn bộ số cá trong lồng thấp nhất cũng đạt 3kg/con, con to nhất đạt 15kg, giá bán cá cũng đắt theo cân nặng.

Thời gian tới, xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) tiếp tục mở rộng diện tích nuôi cá trong ao bán nổi. Tuyên truyền các hộ dồn đổi diện tích trong vùng quy hoạch để liên kết trong sản xuất tạo ra vùng nuôi trồng thủy sản hàng hóa quy mô lớn; đồng thời, khuyến khích các hộ đầu tư cải tạo ao, đầm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất và nâng cao thu nhập.