"Người trần mà làm việc âm", vì sao người ta ví công việc của một nghệ nhân ưu tú ở Thái Bình như vậy?

Thứ bảy, ngày 12/11/2022 18:58 PM (GMT+7)
Đó là câu nói dí dỏm nhưng cũng đầy trăn trở với nghề múa rối nước mà Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đình Bảy mở đầu cho cuộc trò chuyện với chúng tôi ngay tại nhà thủy đình của làng rối nước Nguyên Xá (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình).
Bình luận 0
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đình Bảy bảo: Có những ao trông thấy rất bẩn nhưng để biểu diễn được rối nước, các nghệ nhân vẫn phải lội xuống nước để điều khiển con rối; nhưng chúng tôi xác định lội đấy là lội với nghề. 

Nghề rối nước vất vả, khổ nhọc như thế, nên để sống được với nghề là phải rất yêu, rất đam mê!

Người đàn ông với nước da ngăm đen, quanh khóe mắt chằng chịt những vết chân chim, đôi tay đen nhẻm, chai sạn nhưng điều gây thiện cảm ngay với người đối diện là cứ nói về rối nước thì khuôn mặt ông tức khắc lúc nào cũng rạng rỡ như trở về với tuổi đôi mươi đầy nhiệt huyết và đam mê. 

Ông kể: Trong gia đình tôi, các chú các bác đều theo nghề rối thành ra mình được học hỏi nhiều. Thế rồi đến đời tôi, tuy nghề này chẳng làm ra nhiều tiền bạc nhưng cũng cố gắng truyền dạy để các con hiểu và yêu rối nước. 

Giờ các con cũng đã là thành viên của phường rối nước Nguyên Xá, đóng góp công sức trong những buổi biểu diễn và bảo tồn nghệ thuật rối nước của làng.

50 năm gắn bó với nghề rối nước

Đi biểu diễn nhiều nơi, ông Bảy cho biết, để thuận tiện, phường rối nước Nguyên Xá đã lên sẵn một chương trình với thời gian hơn 1 giờ đồng hồ với nhiều tích, trò cổ, độc đáo của làng. 

Trong đó, điểm đặc biệt của rối nước Nguyên Xá là các trò rối bằng dây, khó và đòi hỏi sự kỳ công, kỹ thuật cao so với rối nước bằng sào, có những trò hoàn toàn sử dụng dây nên người nghệ nhân phải điều khiển con rối từ dưới nước, việc biểu diễn rất khó khăn. 

Bên cạnh đó, đối với những trò này, trước khi biểu diễn, các nghệ nhân đã phải tính toán kỹ lưỡng việc luồn dây dưới nước, trình tự sao cho khi một trò kết thúc, hệ thống dây đi theo các con rối trong trò đó cũng được rút đi hết, không tạo nên sự gián đoạn cho phần biểu diễn tiếp theo. 

"Người trần mà làm việc âm", vì sao người ta ví công việc của một nghệ nhân ưu tú ở Thái Bình như vậy? - Ảnh 2.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đình Bảy, làng nghề rối nước Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Nhiều người nói dí dỏm nhưng cũng đầy trăn trở với nghề múa rối nước mà ông theo đuổi tới 50 năm qua là "Người trần mà làm việc âm".

“Mùa nóng còn đỡ, chứ mùa lạnh, có rét buốt đến mấy, anh em chúng tôi cũng vẫn phải lội xuống ao biểu diễn. Nhưng lội xuống rồi, bao nhiêu lạnh buốt như không còn nữa bởi mình chỉ tập trung vào hoạt động của những con rối để nhịp nhàng, chân thật nhất, mang đến cho khán giả niềm hứng khởi với nét văn hóa cổ truyền. Những lúc ấy, ao có bẩn, có lạnh hay có ra sao đi nữa cũng chẳng còn quan trọng, cứ thấy khán giả vỗ tay, chăm chú theo dõi là người nghệ nhân lại nỗ lực hết mình” - ông Bảy trải lòng.

Đối với những nghệ nhân như ông Bảy, rối nước không chỉ là nghề biểu diễn mà còn là niềm đam mê. Dẫu có buổi biểu diễn hay không, các nghệ nhân của phường rối nước Nguyên Xá vẫn thường xuyên tụ họp tại nhà thủy đình của làng để kiểm tra các con rối, chỉnh sửa lại những phần hỏng hóc. 

Ít ai biết, những con rối cũng là sản phẩm từ bàn tay tài hoa của chính các nghệ nhân rối nước mà ra. Từ tìm kiếm vật liệu phù hợp đến tạo hình, tô vẽ, sơn sửa đều được các nghệ nhân tự tay thực hiện, vì thế, mỗi con rối như linh hồn của người nghệ nhân, đặt vào đó biết bao tâm tư và khát vọng. 

Ông Bảy cười bảo: Chúng tôi đều là nông dân nên hiểu tường tận về cuộc sống ở làng quê, con cá nhảy trên mặt nước ra sao, con trâu đi cày thế nào, người nông dân khó khăn gì trong cuộc sống lao động, sản xuất... chúng tôi đều tường tận cả. 

Vậy nên, biểu diễn rối nước đấy mà như kể câu chuyện làng quê của chính mình. Các trò rối có lẽ cũng bởi vậy mà chân thật và gần gũi.

Trăn trở bảo tồn nghệ thuật truyền thống

Không riêng Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đình Bảy, trăn trở lớn nhất của các nghệ nhân trong làng rối nước Nguyên Xá là việc truyền nghề, bảo tồn nghệ thuật truyền thống của làng. 

"Người trần mà làm việc âm", vì sao người ta ví công việc của một nghệ nhân ưu tú ở Thái Bình như vậy? - Ảnh 4.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đình Bảy giới thiệu về những trò rối bằng dây - nét độc đáo của phường rối nước Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.


Các nghệ nhân cho biết, khoảng năm 2000, quỹ Ford đã tài trợ giúp phường rối có kinh phí trong việc đào tạo thế hệ kế cận, từng bước hỗ trợ các nghệ nhân đã cao tuổi. 

Tuy nhiên, vì việc biểu diễn không liên tục, thường xuyên nên thu nhập từ nghề biểu diễn không có nhiều, khó giữ chân những người trẻ còn đang bộn bề nỗi lo cơm áo.

Bên cạnh đó, nghề biểu diễn rối nước đòi hỏi sức khỏe tốt bởi thường phải lội xuống nước hàng tiếng đồng hồ, chẳng quản ngại thời tiết, mọi hoạt động điều khiển con rối đều diễn ra dưới nước, thế mới nói “người trần mà làm việc âm”. 

Không như các nghề biểu diễn khác, phục trang đẹp đẽ lên sân khấu, nghệ nhân rối nước phải mặc sao cho gọn gàng, biểu diễn xong, lên đến bờ là người ướt như lột...

Khó khăn, đặc thù là vậy nên việc truyền nghề không phải dễ dàng. Nhưng những nghệ nhân của phường rối nước Nguyên Xá luôn tin tưởng tình yêu và niềm đam mê với nghệ thuật truyền thống của cha ông như mạch nguồn chảy mãi trong trái tim, tâm trí những người con của làng.

 Để rồi, khi cuộc sống bớt bộn bề hơn, những người trẻ sẽ lại tìm đến rối nước, nối dài tình yêu với một nét văn hóa cổ truyền của quê hương.

"Người trần mà làm việc âm", vì sao người ta ví công việc của một nghệ nhân ưu tú ở Thái Bình như vậy? - Ảnh 6.
Thanh Hằng (Báo Thái Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem