Ngày 5/1, nguồn tin riêng của phóng viên Báo Dân Việt cho biết, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh đã phê bình UBND huyện Vân Canh vì thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, để xảy ra tình trạng công trình cấp nước thị trấn Vân Canh không đưa vào sử dụng cung cấp nước sạch cho nhân dân trong thời gian dài, không có báo cáo xử lý khắc phục các tồn tại của công trình; gây bức xúc trong dư luận.
"Yêu cầu UBND huyện Vân Canh tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan, báo cáo kết quả cho UBND tỉnh trong quý I/2023", ông Thanh lưu ý.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao Sở NNPT tiếp nhận toàn bộ công trình cấp nước sinh hoạt thị trấn Vân Canh, tổ chức quản lý, vận hành cấp nước cho nhân dân bảo đảm chất lượng. Tổ chức đầu tư nâng cấp, sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt huyện Vân Canh khi có kế hoạch đầu tư công được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
"Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xác định chi phí thực tế quản lý, vận hành trong thời gian công trình chưa được đầu tư nâng cấp, sửa chữa; trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét giải quyết. Tham mưu chính sách hỗ trợ giá nước sạch bảo đảm người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ chính sách xã hội, người dân có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tiếp cận với nước sạch, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh", ông Thanh yêu cầu.
Theo Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc, Sở này được UBND tỉnh giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư một hạng mục của công trình nước sạch Vân Canh là nhà máy xử lý nước sạch, với công suất 1.400 m3/ngày, cấp nước ra mạng đường ống bằng máy bơm; còn lại hai hạng mục công trình đầu mối Suối Phướng, gồm hai đập dâng nước, một cụm xử lý nước công suất 1.400 m3/ngày, cấp nước ra mạng đường ống bằng tự chảy; hạng mục hệ thống mạng đường ống dẫn nước thô, ống dẫn nước sạch và phân phối nước sạch do UBND huyện Vân Canh quản lý.
Năm 2013, sau khi hạng mục nhà máy xử lý nước hoàn thành, chất lượng nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn chất lượng nước sạch. UBND huyện Vân Canh không thống nhất được phương án xây dựng giá nước sạch (thời điểm 2013 giá nước sạch khoảng 4.500 đồng/m3), chỉ thống nhất ngang bằng với mức giá nước sinh hoạt mà huyện đang thu là 750 đồng/m3.
Các bên liên quan đã thống nhất báo cáo UBND tỉnh Bình Định giao hạng mục nhà máy xử lý nước cho UBND huyện Vân Canh tổ chức vận hành cấp nước sạch từ tháng 12/2013; đến tháng 4/2014 thì nhà máy xử lý nước sạch dừng hoạt động; chỉ thực hiện cấp nước sinh hoạt cho đến nay.
Sở NNPTNT tỉnh Bình Định đã đề xuất tiếp nhận lại toàn bộ Hệ thống cấp nước sạch Vân Canh từ UBND huyện Vân Canh và giao Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý, vận hành. Lập dự án đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống công trình, xây dựng giá nước theo quy định trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
"Sở Nông nghiệp cam kết làm hết trách nhiệm của mình, phối hợp cùng với UBND huyện Vân Canh làm sống lại Hệ thống nước sạch Vân Canh", ông Trần Văn Phúc khẳng định.
Được đầu tư kinh phí xây dựng hơn 7 tỷ đồng, nhà máy nước sạch ở huyện miền núi Vân Canh hoạt động cầm chừng rồi bỏ hoang gần 10 năm nay. Hiện tại, nhà máy Nước sạch Vân Canh hoang phế và xuống cấp, máy móc, thiết bị gỉ sét, hư hỏng nghiêm trọng.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Bình Định, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho rằng, phải có giải pháp hợp lý, giá cả phù hợp để đưa nhà máy đi vào hoạt động hiệu quả.
"Công trình xong Sở giao UBND huyện vận hành, huyện vận hành không được lại giao về Sở. Nếu hiện tại Sở nhận lại mà tiếp tục vận hành không được thì chẳng lẽ lại bàn giao lại cho huyện. Vì vậy, cần giải pháp rốt ráo vấn để, đảm bảo đưa nhà máy đi vào hoạt động", ông Dũng lưu ý.