Đi dọc tuyến đường chính dẫn vào thôn Tua Tem (xã Đăk Long, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) không khó để bắt gặp hàng nghìn cây cà phê trụi lá trơ cành.
Ông Phạm Hồng Âu- một trong những người trồng cà phê lâu năm ở thôn Tua Tem cho biết, có thể nguyên nhân khiến lá cà phê rụng lá là do gió lớn. Tình trạng này những năm trước cũng xảy ra nhưng không đáng kể. Năm nay là nặng nhất và khó có thể khắc phục.
Vườn cà phê của gia đình anh Phạm Hồng Âu ở thôn Tua Tem, xã Đăk Long, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum xơ xác sau ảnh hưởng của gió. Ảnh: Thu Hiền
Việc hàng loạt cây cà phê bị rụng lá khiến người trồng cà phê không khỏi lo lắng về năng suất của vụ mùa năm sau.
Đưa tay chỉ về vườn cà phê rộng hơn 1ha trơ trọi chỉ sau một đêm trời trở gió, ông Âu buồn rầu cho biết, gia đình ông hiện có 1.000 gốc cà phê trên diện tích hơn 1ha. Năm nay, gia đình ông thu hoạch được 18 tấn cà phê tươi, nhưng với tình trạng này thì sản lượng cà phê vụ sau chắc sẽ giảm nhiều.
Tương tự, vườn cà phê của gia đình anh Trần Đình Tiến ở thôn 2 (xã Đăk Mar) cũng rụng lá hàng loạt. Với diện tích hơn 5ha, gia đình anh Tiến trồng 6.000 gốc cà phê. Có thâm niên lâu năm trong việc chăm sóc cà phê nên anh Tiến đã xen canh các loại cây ăn quả để chắn gió. Tuy nhiên, vườn cà phê nhà anh vẫn có hơn 2.000 cây bị rụng lá.
“Cây cà phê bị rụng lá cách đây gần 1 tuần, mỗi cây rụng khoảng 80% lá. Giờ tôi chẳng biết làm sao để khắc phục, chỉ còn biết mong trời bớt gió chứ tình trạng này kéo dài thì có tưới bao nhiêu nước, bón bao phân bón cho cây trồng cũng chẳng ăn thua”- anh Tiến thở dài nói.
Tại thôn 11, xã Đăk Hring, vườn cà phê của gia đình ông Lữ Văn Chương cũng gặp tình trạng trên. Hộ gia đình ông Chương có hơn 1.300 cây cà phê, thì cũng có hơn 400 cây rụng toàn bộ lá.
Có kinh nghiệm hơn 15 năm chăm sóc cà phê, ông Chương cho biết: “Những năm về trước vẫn có tình trạng cây gãy rụng lá do gió mùa nhưng không nhiều bằng năm nay. Gia đình tôi vẫn trồng các loại cây ăn quả làm rào chắn gió nhưng mấy ngày nay không chỉ cây cà phê bị rụng lá mà đến nhà chòi cũng bay nóc. Chúng tôi sống dựa vào vườn cà phê nên nếu vườn cà phê giảm sản lượng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống”- ông Chương chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Hồng Hưng- Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) cho biết, tình trạng lá cà phê gãy rụng diễn ra hàng năm khi có gió mùa Đông Bắc. Những vườn cà phê ở hướng gió thường chịu tổn thất nhiều hơn so với những vùng khác. Tuy nhiên, năm nay, gió nhiều và mạnh nên diện tích bị ảnh hưởng cũng nhiều hơn.
“Chúng tôi đã khuyến cáo người dân trồng cà phê đã đưa vào sản xuất nên trồng xen canh cây ăn quả. Cách này vừa để chắn gió vừa có thêm nguồn thu nhập. Riêng với cà phê tái canh khi đã bị rung lắc do ảnh hưởng của gió mùa, người dân tạm thời không dựng dậy và cố định cây để tránh ảnh hưởng đến bộ rễ. Thay vào đó nên cung cấp nước, giữ ẩm để cây dần phục hồi và phát triển”- ông Hưng cho biết thêm.