Kon Tum: Hái lan rừng quý hiếm-nghề nguy hiểm, vắt hút máu bám vào ống chân nhờn nhợt, phải dùng dao cạo mới rơi ra

Thứ sáu, ngày 01/01/2021 06:45 AM (GMT+7)
Lan rừng, nhất là các loài hoa lan rừng quý hiếm với vẻ đẹp tự nhiên, hương thơm quyến rũ đã trở thành thú vui của nhiều người, nhiều gia đình. Để mang những cành lan đến với người chơi, người hái lan rừng ở tỉnh Kon Tum phải đánh đổi nhiều thứ, đối mặt với nhiều mối nguy hiểm khó lường.
Bình luận 0

A Nghĩa và A Hữu ở xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) chuyên mưu sinh bằng nghề hái lan rừng từ nhiều năm nay. 

Để ghi lại việc mưu sinh bằng nghề lấy phong lan rừng, tôi có một ngày cùng các anh len lỏi trong rừng.

Kon Tum: Hái lan rừng-nghề nguy hiểm, vắt hút máu bám vào ống chân nhờn nhợt, phải dùng dao cạo mới rơi ra - Ảnh 2.

Phát bụi rậm mở đường đi vào rừng hái lan rừng, trong đó có các loài lan rừng quý hiếm ở huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum). Ảnh: VT

Thức dậy từ 5h sáng, tôi cùng các anh chuẩn bị cơm, nước và các dụng cụ cần thiết để vào rừng hái lan rừng. Làm theo lời các anh dặn, tôi mặc quần, áo dài, mang giày để dễ leo dốc, vượt suối và hạn chế rắn, rết hay vắt chui trong ống quần.

Từ nhà, chúng tôi đi bằng xe máy hơn 10km đường gập ghềnh đất đá, nhiều chỗ sình lầy trơn trượt, hai bên đường có những gốc cổ thụ cao, to, bao quanh bởi bụi rậm.

“Để xe ở đây, chúng ta đi bộ vào rừng. Rừng này đường khá dốc, nhiều rắn, rết nên anh em cẩn thận” – anh Nghĩa đưa tôi cây rựa và nói.

Vừa đặt chân vào rừng, tôi đã nghe thấy tiếng muỗi vo ve bên tai không dứt. Bầy muỗi đói ngửi thấy hơi người bu đến, càng xua đuổi, chúng càng bủa vây. 

Thấy tôi liên tục đuổi muỗi, anh Hữu cười, dí dỏm: “Anh đuổi không hết đâu, chắc tại thịt anh “thơm” nên bị muỗi bu nhiều. Hồi trước, có mấy người mới đi cũng bị muỗi chích dẫn đến sốt, phải ra trạm y tế xã truyền nước mới khỏi”.

Là người sinh ra và lớn lên ở đây, nhưng khi đi rừng các anh cũng ngán nhất ba loại là ruồi vàng, muỗi và vắt. 

“Vào mùa mưa, có lần đi vào rừng về, thay quần ra thấy vắt bám vào ống chân nhờn nhợt, không thể dùng tay bắt từng con mà phải dùng dao cạo chúng xuống. Sau mỗi lần như thế, những vết vắt cắn đều thâm đen, rất lâu mới khỏi”- nghe anh Hữu kể mà tôi nổi da gà.

Kon Tum: Hái lan rừng-nghề nguy hiểm, vắt hút máu bám vào ống chân nhờn nhợt, phải dùng dao cạo mới rơi ra - Ảnh 4.

Đường đi hái lan rừng phải lội qua suối với những tảng đá gập ghềnh, trơn trượt. Ảnh: VT

Vừa đi vừa kể chuyện, chúng tôi men theo con đường hẹp giữa các bụi rậm trong rừng, rồi lội qua con suối nước ngang đầu gối chảy ầm ầm. Tôi nắm chặt tay anh Nghĩa, chân run run lội qua suối.

Dìu tôi đi, anh Nghĩa lại tâm sự: Tôi có hai con trai. Hai đứa cũng hay theo vào rừng. Có lần, cháu nhỏ lội qua suối, bước phải tảng đá rêu phủ trơn trượt, gặp nước chảy xiết, cuốn đập vào đá, gãy tay trái, phải đưa xuống huyện để băng bột. 

Chưa hết, lúc thay đồ ướt cho cháu, 3 con vắt no máu từ người rơi ra đất, nhìn thấy mà rợn người. Tiền đi hái lan rừng cả tháng không đủ để chữa bệnh cho con.

Lội qua con suối, chúng tôi tiếp tục leo lên con dốc lổm nhổm đá, trời bắt đầu hửng nắng. Nắng xuyên qua các tán lá cổ thụ, xua tan đi cái lạnh lẽo âm u trong khu rừng.

 “Người đi rừng hái lan, mùa mưa thì gặp vắt, nắng ruồi vàng cắn. Ruồi vàng thấy hơi người “thích” lắm, chỗ nào không che cắn sưng chỗ đấy. Lúc bị cắn đau rát như quẹt phải thân cây gai xấu hổ, vết ruồi cắn thường sưng thâm, nhiều ngày sau vẫn không khỏi. Nghề hái lan rừng này vất vả lắm!”- anh Nghĩa giãi bày để tôi cùng thấu hiểu và quên đi cái mệt đường rừng. 

Kon Tum: Hái lan rừng-nghề nguy hiểm, vắt hút máu bám vào ống chân nhờn nhợt, phải dùng dao cạo mới rơi ra - Ảnh 6.

Để hái được lan rừng, nhất là các loài lan rừng quý hiếm một số người dân huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) phải đối mặt với đầy nguy hiểm trong rừng. Ảnh: VT

Sau hơn 3 tiếng đi bộ, chỉ tay lên cây cao gần đó, anh Nghĩa mừng rỡ, kêu lên: Lan trên cây kia kìa, thấy không anh em, hình như là tam bảo sắc.

Kon Tum: Hái lan rừng-nghề nguy hiểm, vắt hút máu bám vào ống chân nhờn nhợt, phải dùng dao cạo mới rơi ra - Ảnh 8.

Anh Hữu thoăn thoắt trèo lên cây cao hơn 20m để hái lan. Ảnh: VT

Anh dứt lời, mọi người mừng quá, hì hục chạy lại vây quanh gốc cây. Anh Hữu  lôi đồ nghề ra. Đồ nghề của anh là cuộn dây thừng dài hơn 50 mét. Anh dùng kĩ năng quăng thả một đầu cuộn dây lên cành cây to gần nhất. Khi dây luồng qua cành, anh kéo buộc dây cố định sát với thân cây.

Mang cây rựa sau lưng, bỏ trong túi vài chiếc đinh 10cm, anh Hữu thoăn thoắt leo lên cây.

Kon Tum: Hái lan rừng-nghề nguy hiểm, vắt hút máu bám vào ống chân nhờn nhợt, phải dùng dao cạo mới rơi ra - Ảnh 10.

Anh Hữu qua các cành cây như diễn viên xiếc chuyên nghiệp. Ảnh: V.T

 Đứng ở dưới với tôi, anh Nghĩa giơ bàn tay có vết thẹo lớn vừa lành, da non còn đỏ hồng ra và kể: Lần gần đây nhất, tôi hái lan trèo lên dẫm phải cành cây khô ngã xuống không may bị con rựa đeo sau lưng cắt phải ra trạm y tế khâu 12 mũi. Phải ở nhà nửa tháng mới lấy chỉ ra nên giờ còn cảm giác “nhợn” lắm, chưa dám trèo cây lại được!

Nhìn anh Hữu đu dây, leo cây lơ lửng như những vận động viên leo núi. Đu lên hết đoạn dây, anh tiếp tục trèo thêm hơn 10 mét qua các cành cây, chuyền trên cây như diễn viên xiếc chuyên nghiệp. Đến nơi, anh lôi đinh trong túi, dùng rựa đóng đinh vào thân, cành cây để có điểm tựa, chỗ bám víu. Anh cẩn thận cắt từng mảng lan sao cho đẹp nhất có thể. Lan cắt ra, một phần bỏ vào túi, một phần thả xuống cho chúng tôi đỡ lấy.

Sau khi hái toàn bộ số lan, anh Hữu cũng thấm mệt. Mồ hôi nhễ nhại, chảy dài trên gò má đen sạm, chân bước run run, cẩn thận đu dây xuống. 

“Hạ cánh” an toàn, anh Hữu thở phào: Trèo lên đó căng thẳng lắm, phải có cái đầu “lạnh” thì mới làm được. Nghề này “hên xui” lắm, tai họa ập đến lúc nào không hay. Số lan này hơn 4kg, nếu bán cho vườn lan thì được tầm 500 nghìn đồng.  Tuy nhiên, nếu chịu khó ghép lan vào các thân gỗ, bán cho khách qua đường sẽ được giá hơn. Do thất nghiệp, anh em tôi mới làm nghề này, chứ nguy hiểm lắm! Chết lúc nào không hay! 

Kon Tum: Hái lan rừng-nghề nguy hiểm, vắt hút máu bám vào ống chân nhờn nhợt, phải dùng dao cạo mới rơi ra - Ảnh 12.

Tranh thủ rửa lan sau khi hái xuống. Ảnh: VT

 Đem những nhành lan xuống suối gần đó rửa, chúng tôi tranh thủ lót dạ bằng những gói cơm chuẩn bị từ sáng. Thấy tôi mồ hôi đầm đìa trên trán, ướt sũng cả lưng áo, anh Hữu tâm lý: “Thấy anh có vẻ mệt rồi, ăn hết chỗ cơm này rồi cùng về nhà thôi. Bình thường, chúng tôi đi là ngủ qua đêm. Ở lại đêm trong rừng mưa gió, sợ anh không quen, không chịu được đâu”.

Trở về nhà, chị Y Thoa - vợ anh A Nghĩa vui mừng ra đón: “Các anh về nhà an toàn là tốt rồi, mưa mà đi rừng nên tôi lo cho các anh lắm”.

Cầm bàn tay có vết thương vừa lành của chồng, chị Thoa nhìn tôi ngậm ngùi: Cũng vì miếng cơm, manh áo nên mới làm cái nghề nguy hiểm này. Sắp tới, vợ chồng tôi tính vào huyện tìm việc làm chứ không đi hái lan nữa, vừa nguy hiểm mà thu nhập cũng không cao như người ta nói.

Kon Tum: Hái lan rừng-nghề nguy hiểm, vắt hút máu bám vào ống chân nhờn nhợt, phải dùng dao cạo mới rơi ra - Ảnh 14.

Các anh bỏ lan mới hái được vào bao. Ảnh: VT

Hái lan rừng là vậy, bao nhiêu nguy hiểm luôn rình rập, tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào. Đã có nhiều câu chuyện buồn về những người thợ hái lan rừng, họ phải đánh đổi cả mạng sống ở nơi núi rừng hoang vu.

Dù còn gặp may, nhưng chuyện anh A Nghĩa và A Hữu đánh đu mạng sống mình với lan rừng như là những lời nhắn gửi cho những người “nuôi mộng” làm giàu từ việc hái lan rừng.

Đừng nên ham của rừng để rồi có ngày rưng rưng nước mắt!

Văn Tùng (Báo Kon Tum)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem