Sáng sớm cuối tuần khi chỉ chưa đầy nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, gia đình ông Dương Đức Minh (70 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội) cùng nhau vượt hàng chục km về Công viên Tâm linh Lạc Hồng Viên (TP Hoà Bình) để tạ mộ, mời gia tiên về đón Tết.
Gia đình ông Minh với nhiều thế hệ từ con, cháu đến các chắt. Mọi người cùng tề tựu về bên khuôn viên phần mộ gia tiên ai nấy đều bồi hồi, xúc động. Theo phong tục của người Việt khi chuẩn bị đón xuân mới nhớ về những người đã sinh ra mình con cháu tập hợp về đây tạ mộ, mời tổ tiên về cùng con cháu đón xuân mới để thấy tấm lòng của con cháu đối với bậc tiền nhân.
"Gia đình tụ tập nhiều thế hệ trong thời tiết đẹp thế này để tưởng nhớ, mời tổ tiên về đón Tết. Khi năm mới sắp đến chúng tôi hy vọng rằng các thành viên trong gia đình sẽ đạt được kết quả như mong muốn và cùng hy vọng rằng đất nước ngày một tiến bộ, phát triển hơn", ông Minh chia sẻ với PV Dân Việt.
Cách phần mộ của gia đình ông Minh không xa rất nhiều gia đình cũng nhân dịp cuối tuần tụ tập về đây dọn dẹp, mời gia tiên về đón Tết. Cẩn thận cắm từng cành đào vào lọ hoa đặt trước mộ người thân, bà Hoàng Thu Hồng (56 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, để đến được nghĩa trang sớm từ ngày hôm trước bà đã đi chợ chọn mua đồ lễ, hoa, quả…
"Tạ mộ trước Tết Nguyên đán là nét đẹp văn hoá của mỗi gia đình người Việt, là cách để con cháu nhớ về tổ tiên, để gia tiên phù hộ cho con cháu sức khỏe, tài lộc. Vì thế gia đình tôi các con cháu có bận đến mấy cũng thu xếp thời gian tạ mộ cuối năm. Qua đây tôi mong muốn gửi gắm năm cũ sắp khép lại, lên thắp hương mời ông bà tổ tiên về đón Tết. Mong mọi điều tốt đẹp nhất luôn đến với các thành viên trong gia đình", bà Hồng chia sẻ.
Ngồi bên cạnh mộ vợ đã khuất cách đây 5 năm, ông Đinh Tùng Bách (52 tuổi, ở huyện Lương Sơn, Hoà Bình) không khỏi xúc động. Cuối năm ông lên thắp hương cho vợ rồi ngồi đánh đàn với mong ước vợ sẽ luôn phù hộ cho cả gia đình.
"Vợ tôi cũng từng là diễn viên biên đạo múa nhưng không may mắc bạo bệnh qua đời. Tôi lên gảy những khúc nhạc vợ thích và mong năm mới luôn bình an, sức khoẻ và tài lộc với tất cả mọi người", ông Bách chia sẻ.
Trao đổi với PV Dân Việt, đại đức Thích Trí Thịnh, Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, Trụ trì của Kim Sơn Lạc Hồng cho biết, tục tạ mộ đối với người Việt đã có từ rất lâu. Hàng năm khi Tết đến xuân về các gia đình về nơi mộ phần dòng tộc của mình ở quê hoặc ở nơi nào đó có người thân đã được an táng để thực hiện việc này.
"Tại đây con cháu sẽ dọn dẹp, sửa sang lại mộ phần, quét dọn, phát cỏ cây, sơn sửa lại sau thời gian dài không lên thăm. Tục tạ mộ thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu khi trở về quê hương hay các nơi an táng sau thời gian dài đi làm ăn hoặc không về được.
Nhân dịp đó mọi người quây quần, sum họp để thực hiện nghi thức, nghi lễ tạ mộ. Nghi thức đó để mời tổ tiên ông bà, những người đã khuất về với con cháu vui xuân đón Tết, đó là ý nghĩa của ngày đi tạ mộ mà người dân Việt đã có phong tục này rất lâu", đại đức Thích Trí Thịnh chia sẻ.