Lễ tảo mộ của người Mông ở Lào Cai, vì sao người lớn ai cũng cắp nách theo một con gà?
Lễ tảo mộ của người Mông ở Lào Cai, họ hàng, làng xóm ai "ra đồng" thì đều cắp nách một con gà
Tuệ Linh - Mùa Xuân
Thứ tư, ngày 18/05/2022 07:01 AM (GMT+7)
Đồng bào Mông ở thôn Làng Có 2, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai thường tổ chức nghi thức tảo mộ cho ông bà, tổ tiên vào những ngày đầu tháng 3 âm lịch hằng năm. Đây là phong tục đẹp, thể hiện lòng hiếu kính, sự biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên.
Clip: Lễ tảo mộ của người Mông ở thôn Làng Có 2, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Theo truyền thống, những ai đi ra khu mộ dù là anh em, hàng xóm thì phần lớn đều mang theo một con gà để giúp gia chủ làm lễ cúng đầy đủ hơn....
Tưởng nhớ về tổ tiên, cội nguồn
Ngay từ sáng sớm những ngày đầu tháng 3 âm lịch, khi những lớp sương mù còn bảng lảng trên các mái nhà, đỉnh núi, chúng tôi có dịp cùng gia đình ông Ly Seo Cú, ở thôn Làng Có 2, xã Phong Niên, mang theo lễ vật và dụng cụ, gồm: Cuốc, xẻng, bó hương, giấy trắng, rượu, gà… đi tảo mộ cho cụ Sùng Thị Dua.
Đi cùng gia đình ông Cú làm lễ tảo mộ còn có hàng chục người dân trong thôn Làng Có 2. Để thể hiện tình làng nghĩa xóm, mỗi người mang theo một con gà để giúp gia đình ông Cú làm lễ đầy đủ hơn. Trước khi làm lễ tảo mộ, thầy cúng Giàng Chỉnh Mìn thắp nén hương, xin phép thần thổ địa, tổ tiên rằng hôm nay là ngày lành tháng tốt, con cháu đến sửa mộ cho cụ.
Sau đó, hàng chục người quây quần bên phần mộ của cụ Dua để làm cỏ, phát cây, dọn dẹp sạch sẽ và đắp đất lên khu mộ. Việc làm này nhằm tránh không cho các loài động vật hoang dã làm tổ, thân cây to cắm rễ xâm phạm tới linh hồn của người đã khuất.
Trò chuyện với PV Dân Việt, ông Ly Seo Cú chia sẻ: Mẹ tôi là bà Sùng Thị Dua mất từ năm 2005. Hôm nay, gia đình và anh em trong thôn đến làm lễ tảo mộ cho mẹ. Lễ vật và dụng cụ đã được gia đình chuẩn bị từ mấy ngày trước.
"Ngày tảo mộ cho mẹ là dịp để con cháu trong gia đình tri ân, tưởng nhớ về tổ tiên, cội nguồn. Bên cạnh đó, thông qua việc sửa sang lại mộ cho mẹ, mong mẹ sẽ phù hộ cho con cháu nhiều sức khoẻ, may mắn, làm ăn phát đạt", ông Cú nói.
Tảo mộ - nét đẹp văn hoá truyền thống của đồng bào Mông
Trong ngày tảo mộ, khu mộ của mẹ ông Cú trở nên đông đúc và nhộn nhịp. Người lớn lo công việc sửa sang, khấn vái ông bà nơi phần mộ. Trẻ em cũng được bố mẹ dẫn đi theo với mục đích biết những ngôi mộ của ông bà, tổ tiên, sau là để tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua lễ tảo mộ.
Ngoài ra, trong dịp này, những người thân, con cháu đi làm, đi học xa cũng trở về nhà để sum họp với gia đình và giúp bố mẹ làm lễ tảo mộ cho ông bà, tổ tiên; qua đó nắm được những phong tục, nghi lễ tốt đẹp về đạo lý "uống nước nhớ nguồn".
Theo ông Giàng Chỉnh Mìn (thầy cúng), lễ vật dâng cúng trong lễ tảo mộ tuỳ thuộc vào hoàn cảnh của gia chủ. Nhà có điều kiện thì mổ con lợn to, nhà nào không có điều kiện thì mổ gà, chủ yếu là tấm lòng thành của con cháu với ông bà, tổ tiên đều phải xuất từ tâm.
Vào ngày lễ quan trọng này, tất cả con cháu trong gia đình đều có mặt đầy đủ đi tảo mộ cùng nhau. Ngoài ra còn có thêm bà con trong thôn đi cùng để tạo không khí đoàn kết, thân ái giữa anh em, gia đình và hàng xóm.
"Sau khi đắp đất xong cho mộ, sẽ tiến hành thắp hương quanh mộ, đặt một đôi gà và đốt giấy để tưởng nhớ về công ơn của người đã khuất; tiếp đó thầy cúng và con cháu tiến hành quỳ lạy để tỏ lòng báo hiếu, đền đáp ơn sinh thành bố mẹ, ông bà, tổ tiên; nhớ về quê hương, cội nguồn của mình", ông Mìn chia sẻ.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Giàng Trăng Hoà, Trưởng thôn Làng Có 2, cho biết: Lễ tảo mộ (hay còn gọi là tết Thanh minh) là bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của người Mông nơi đây; được các cụ giữ gìn và phát huy từ ngày xửa ngày xưa cho đến nay và đã đi sâu vào tiềm thức của mỗi người. Vào ngày tảo mộ, con cháu tiến hành đi sửa mộ (sửa nhà) cho ông bà, tổ tiên để tưởng nhớ công ơn của những người đã khuất.
"Đây là nét văn hoá đậm đà bản sắc của dân tộc Mông, vì vậy Ban Quản lý thôn sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động con cháu giữ gìn và phát huy phong tục tốt đẹp này. Ngoài ra, giáo dục con cháu, thế hệ trẻ tiếp tục duy trì và phát huy các phong tục tập quán tốt đẹp khác của các cụ để lại".
Lễ tảo mộ là một phong tục, tín ngưỡng dân gian của người Mông. Đây là nét đẹp văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc và được đồng bào Mông ở Làng Có 2 duy trì và phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Ý nghĩa của lễ tảo mộ không chỉ dừng lại ở việc con cháu tưởng nhớ đến bố mẹ, ông bà, tổ tiên; mà sâu xa hơn là cầu nguyện cho người thân trong gia đình, anh em, họ hàng dồi dào sức khoẻ, sống đoàn kết, yêu thương, bảo ban nhau tích cực lao động sản xuất, xây dựng đời sống ngày một ấm no.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.