Tại Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình), nhiều người dân thủ đô đã mang theo đào quất đi tảo mộ, mời gia tiên về đón Tết. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhiều gia đình tranh thủ đi từ sớm. Với người dân Việt Nam, Tảo mộ trước Tết nguyên đán là nét đẹp văn hoá không thể thiếu. Đây là cách để con cháu nhớ về tổ tiên, để gia tiên phù hộ cho con cháu sức khỏe, tài lộc. Vì thế gia đình nào bận mấy cũng cố gắng thu xếp thời gian tảo mộ cuối năm.
Nó đã thành phong tục, trước mồ mả tổ tiên, con người ta luôn phải thành kính để tổ tiên chứng giám. Tại đây, con cháu sẽ báo cáo kết quả một năm qua của gia đình và mời tổ tiên, ông bà về ăn Tết.
7h30 ngày 16/1, bốn người trong gia đình nhà ông Hà Tiến Lương (ở phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội), sắp xếp đồ lễ, hoa đào, bánh chưng và một chậu quất nhỏ lên xe, di chuyển lên Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên.
Sau hơn một giờ ngồi xe, gia đình ông Lương có mặt tại phần mộ của bố mẹ ông. Hơn một năm mới lên thăm mộ do dịch bệnh, ông Bảo cùng anh trai và chị dâu lau dọn lại mộ phần cho cha mẹ. Người đàn ông 70 tuổi khẽ thì thầm xin lỗi bố mẹ vì đã lâu mới lên thăm ông bà.
Vừa sắp đồ lễ lên bàn ông Lương nói, chuyến thăm mộ gần nhất là cuối năm ngoái lúc lên mời ông bà về ăn Tết. Bình thường hằng năm, gia đình ông Bảo cùng con cháu lên thăm mộ bố mẹ 4 lần, vào đầu năm, Lễ Vu Lan, giỗ ông bà và dịp cuối năm.
"Hơn một năm nay dịch bùng phát, cứ cách ly suốt, chúng tôi không thể lên thăm bố mẹ được", ông Lương nói và cho biết cuối năm, khi gia đình đã tiêm đủ vaccine, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và mọi người ông sắp xếp lên sớm mời bố mẹ về ăn Tết.
Mọi năm gia đình ông Bảo lên lên mời bố mẹ về ăn Tết vào ngày 25, 26, nay để tránh cận ngày đông người, ông nhờ cháu trai đưa đi sớm.
"Hôm nay mới là ngày 14/12 âm lịch thôi nhưng mình mời các cụ về sớm cho yên tâm. Cả năm giỗ bố mẹ đã không thể lên thăm, nếu Tết cũng không lên nữa, bố mẹ sẽ rất buồn", ông Lương nói.
Cùng đến mời bố mẹ về ăn Tết sau gần một năm không lên viếng mộ, bà Đặng Kim Loan (86 tuổi, nhà ở Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, dịch bệnh một năm qua đã chia cắt chị em bà mỗi người một nơi.
Ngày lễ, giỗ đều không thể lên thăm bố mẹ, giáp Tết khi Hà Nội nới lỏng, bà Loan tranh thủ gọi các em lên thăm bố mẹ, mời ông bà về ăn Tết, đồng thời báo cáo với ông bà một năm vừa qua đã làm được những gì. Tuổi đã cao bà Loan không thể tự chuẩn bị đồ nên nhờ các con, cháu trong nhà sắm quần áo, quất đào và một số hoa quả bố mẹ thích ăn mang lên mộ.
"Năm nào tôi cũng chuẩn bị một bài cúng, trong đấy ghi lại toàn bộ hoạt động của gia đình để báo cáo bố mẹ. Năm nay Covid-19 mọi công việc trong nhà bị đình trệ. Nhưng may mắn anh chị em chúng tôi đã ngoài 70, 80 vẫn khỏe mạnh", bà Loan chia sẻ.
Sắp xong đồ lễ, 8 người trong gia đình bà Loan xếp hàng trước mộ ông bà thắp nén nhang, cùng kể lại chuyện cũ. Mời ông bà về ăn Tết, mong đại dịch qua để có thể thường xuyên lên thăm ông bà.
Trao đổi với PV Dân Việt, đại đức Thích Trí Thịnh, Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, Trụ trì của Kim Sơn Lạc Hồng cho biết, tục tảo mộ đối với người Việt đã có từ rất lâu. Hàng năm khi Tết đến xuân về các gia đình về nơi mộ phần dòng tộc của mình ở quê hoặc ở nơi nào đó có người thân đã được an táng để thực hiện việc này.
"Tại đây con cháu sẽ dọn dẹp, sửa sang lại mộ phần, quét dọn, phát cỏ cây, sơn sửa lại sau thời gian dài không lên thăm. Tục tảo mộ thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu khi trở về quê hương hay các nơi an táng sau thời gian dài đi làm ăn hoặc không về được.
Nhân dịp đó mọi người quây quần, sum họp để thực hiện nghi thức, nghi lễ tảo mộ. Nghi thức đó để mời tổ tiên ông bà, những người đã khuất về với con cháu vui xuân đón Tết, đó là ý nghĩa của ngày đi tảo mộ mà người dân Việt đã có phong tục này rất lâu", đại đức Thích Trí Thịnh chia sẻ.
Theo đại đức, năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên các địa điểm công cộng hạn chế đông người. Người thân, thân nhân đến nơi công cộng, đông người thực hiện khuyến cáo 5K để đảm bảo an toàn cho bản thân, cộng đồng, đó cũng là phần việc, trách nhiệm của mỗi người, góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Khi làm việc đó, bản thân cũng được an lành.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.