Các tin tặc Nga được cho là đã nhắm mục tiêu vào 3 phòng thí nghiệm nghiên cứu hạt nhân ở Mỹ, theo Express. Nhóm hack có tên là Cold River, được cho là đã thực hiện các cuộc tấn công từ tháng 8 đến tháng 9, nhắm vào các phòng thí nghiệm quốc gia Brookhaven (BNL), Argonne (ANL) và Lawrence Livermore (LLNL).
Hồ sơ cho thấy tin tặc đã tạo các trang đăng nhập giả và gửi email cho các nhà khoa học hạt nhân để cố gắng khiến họ tiết lộ mật khẩu. Tin tặc thường sử dụng các tài khoản email và tên miền có vẻ giống với các nhà cung cấp dịch vụ hợp pháp, chẳng hạn như "goo-link.online" và "online365-office.com", trông giống như địa chỉ của các công ty như Google hoặc Microsoft.
Động thái mới xảy ra trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo đã đặt các đơn vị hạt nhân của mình trong tình trạng "báo động cao" khi căng thẳng với phương Tây gia tăng do xung đột ở Ukraine.
Các nhà nghiên cứu an ninh mạng và các quan chức chính phủ phương Tây cảnh báo Cold River cũng đã tăng cường chiến dịch tấn công mạng của mình đối với phương Tây trong thời gian xung đột diễn ra.
Nhóm tin tặc lần đầu tiên thu hút sự chú ý của các chuyên gia tình báo sau khi nhắm mục tiêu vào Bộ Ngoại giao Anh năm 2016. Kể từ đó, nhóm đã tham gia vào nhiều cuộc tấn công mạng khác trong suốt vài năm, theo các cuộc phỏng vấn với 9 công ty an ninh mạng.
Theo công ty an ninh mạng CrowdStrike, nhóm này được cho là "tham gia trực tiếp hỗ trợ các hoạt động thông tin của Điện Kremlin. Năm ngoái, nhóm đã làm rò rỉ email từ cựu giám đốc MI6.
Trở lại tháng 10/2022, một nhóm tin tặc Nga khác đã bị cáo buộc thực hiện một cuộc tấn công mạng vào nhiều sân bay của Mỹ, bao gồm LaGuardia của New York và Chicago O'Hare.
Theo CNN, nhóm hack Pro-Kremlin Killnet đã nhắm mục tiêu vào nhiều sân bay của Mỹ. Nhóm tin tặc cũng tuyên bố họ chịu trách nhiệm tấn công các trang web của chính phủ Mỹ một tuần trước đó và bị buộc tội đánh sập một trang web của Quốc hội Mỹ vào tháng 7/2022.
Tháng trước, nhóm tuyên bố đã thâm nhập vào FBI trong một cuộc tấn công mạng quy mô lớn vào cơ quan an ninh Mỹ. Tổ chức thân Kremlin tuyên bố đã đánh cắp dữ liệu cá nhân của hơn 10.000 đặc vụ liên bang Mỹ.
Tháng trước, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nói với truyền thông Nga rằng khả năng xảy ra đụng độ giữa Washington và Moscow là "rất cao". Điện Kremlin cũng cáo buộc Mỹ tiến hành cuộc chiến ủy nhiệm chống lại Nga bằng cách cung cấp cho Ukraine gói vũ khí hạng nặng khổng lồ. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng gói hỗ trợ của Mỹ, bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, đang làm tình hình trở nên "khó khăn hơn".