Những năm gần đây, nguồn vốn FDI đổ bộ vào thị trường bất động sản TP.HCM chủ yếu thông qua phân khúc bất động sản công nghiệp, đầu tư nhà xưởng. Đây là ưu điểm giúp phân khúc này giữ vững tiềm năng phát triển trong bối cảnh toàn thị trường "tê liệt".
Theo đánh giá của các chuyên gia, từ cuối năm 2021, bất động sản công nghiệp đã được dự đoán sẽ có nhiều triển vọng trong suốt năm 2022. Trên thực tế, những chỉ số mà phân khúc này đạt được trong bối cảnh thị trường địa ốc có nhiều biến động đã chứng minh điều đó.
Tuy nhiên, cuối năm 2022, tỷ lệ lấp đầy của thị trường nhà xưởng công nghiệp tại TP.HCM có dấu hiệu sụt giảm sau thời gian dài tăng trưởng nóng. Giá thuê điều chỉnh trong bối cảnh nguồn cung tăng lên nhưng nhu cầu thuê có dấu hiệu chững lại.
Theo chuyên gia Cushman & Wakefield, giá thuê trung bình của phân khúc nhà xưởng xây sẵn tại khu vực TP.HCM nói riêng và phía Nam nói chung trong quý 4/2022 ghi nhận đạt 4,6 USD mỗi m2 một tháng, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường kho xưởng xây sẵn ghi nhận hơn 300.000 m2 nguồn cung mới, chủ yếu tại các tỉnh giáp ranh TP.HCM. Tỷ lệ lấp đầy kho xưởng giảm mạnh do nhu cầu chững lại ở nhóm các ngành hàng xuất khẩu.
Cushman & Wakefield dự báo, với lượng lớn nhà xưởng, kho xưởng công nghiệp xây sẵn đổ bộ thị trường ước đạt khoảng 4,1 triệu m2 và nhà kho xây sẵn khoảng 2,8 triệu m2, giai đoạn 2023 trở đi, nguồn cung mới sẽ đặt áp lực lên giá thuê kho xưởng. Giá thuê tương lai có thể đi ngang hoặc thậm chí đi xuống do áp lực cạnh tranh mạnh dần.
Trong khi đó, báo cáo công nghiệp gần đây của Savills Việt Nam khẳng định những biến động trong chuỗi sản xuất thế giới sẽ còn tiếp diễn với lượng đơn đặt hàng sụt giảm có thể ảnh hưởng đến nhu cầu thuê kho xưởng công nghiệp. Đơn vị này cho rằng tình trạng nhu cầu thuê nhà xưởng công nghiệp giảm chỉ là biểu hiện biến động trong ngắn hạn và có thể kỳ vọng sẽ được khắc phục dần vào nửa cuối năm 2023.
Ông Chí Vũ - Trưởng phòng Cấp cao Dịch vụ Khu công nghiệp Colliers Việt Nam cũng nhận định việc giảm quy mô, hoãn hay hủy đơn hàng từ các thị trường phát triển chắc chắn ảnh hưởng ít nhiều đến thị trường Việt Nam trong ngắn hạn.
Tuy vậy, Việt Nam vẫn được xem là lựa chọn chiến lược cho quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Thách thức tiếp theo là làm thế nào để thu hút và giữ chân nguồn vốn đầu tư chất lượng cao. Một ví dụ là bài toán chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang mô hình bền vững hơn trong những năm tới.
Trong khi đó, dự báo về diễn biến phân khúc bất động sản công nghiệp trong năm 2023, ông Lưu Quang Tiến - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services (FERI) cho biết đây luôn là phân khúc được đánh giá cao về tiềm năng phát triển. Bởi vì, bất động sản công nghiệp giữ vai trò chủ lực của ngành sản xuất trong nền kinh tế, được hưởng lợi bởi các hiệp định thương mại, từ cơ chế, chính sách linh hoạt để thu hút đầu tư và từ việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng.