Ông Kristersson nói: "Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận rằng chúng tôi đã làm theo cam kết, nhưng họ cũng yêu cầu những điều mà chúng tôi không thể hoặc không muốn thực hiện". Tuy nhiên, ông dự đoán "Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa ra quyết định, chỉ là không biết khi nào".
Vào tháng 5/2022, Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO nhưng vấp phải sự phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara nhiều lần cáo buộc quốc gia Bắc Âu chứa chấp nhóm chiến binh người Kurd mà nước này xem là "phần tử khủng bố".
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức hủy bỏ phản đối trong một thỏa thuận được công bố vào tháng 6, Ankara tuyên bố vào thời điểm đó rằng họ đã "có được những gì mình muốn", bao gồm cả "sự hợp tác đầy đủ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố từ cả Thụy Điển và Phần Lan".
Mặc dù vậy, chỉ vài ngày sau khi Tòa án Tối cao Thụy Điển ra phán quyết ngăn chặn việc dẫn độ cựu biên tập viên Bulent Kenes vào tháng trước, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã chỉ trích Stockholm.
Ông Kenes được tị nạn chính trị ở Thụy Điển vào năm 2016 sau cuộc đảo chính thất bại chống lại Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ankara cáo buộc ông biết trước về âm mưu đảo chính và là thành viên của một tổ chức khủng bố.
Người Thụy Điển kêu gọi chính phủ của họ giữ vững lập trường độc lập tư pháp ngay cả khi điều đó có thể trì hoãn việc gia nhập NATO. Một cuộc thăm dò được tiến hành vào đầu tháng này cho thấy 79% số người được hỏi muốn Stockholm "bảo vệ luật pháp Thụy Điển" trước các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi chỉ 10% cho rằng nước này nên ưu tiên gia nhập khối càng sớm càng tốt.
Cũng trong hôm 8/1, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto nói rằng nước này muốn gia nhập NATO cùng với quốc gia láng giềng. Ông nói: "Phần Lan không vội vàng gia nhập NATO đến mức không thể đợi Thụy Điển được bật đèn xanh".