Dân Việt

Món phở hai tô đang "làm mưa làm gió" ở đất Cao Bằng có nguồn gốc từ đâu?

Khánh Việt 10/01/2023 13:40 GMT+7
Mới xuất hiện ở Cao Bằng thời gian gần đây, tuy nhiên món "phở hai tô" hiện đang được lòng khá nhiều thực khách.

Kho tàng văn hóa ẩm thực Việt có nhiều món ăn, cách ăn khác nhau, chắc hẳn người Việt Nam nào cũng dễ dàng nhận biết các món phở dù được chế biến theo nhiều kiểu. 

Tuy nhiên, khi lần đầu thưởng thức "phở hai tô", nhiều thực khách sẽ không khỏi ngạc nhiên và hoài nghi rằng liệu đây có phải là phở.

    Món phở hai tô đang "làm mưa làm gió" ở đất Cao Bằng có nguồn gốc từ đâu? - Ảnh 1.

    "Phở hai tô" - món ăn lạ miệng thu hút người dân địa phương ở Cao Bằng và dần trở thành một món ăn được nhiều người ưa thích.

    Mới xuất hiện ở Cao Bằng thời gian gần đây, tuy nhiên món "phở hai tô" hiện đang được lòng khá nhiều thực khách. Nổi bật là quán "Phở hai tô" tại số 143 Kim Đồng, phường Hợp Giang (Thành phố) đang là địa điểm "hot" được nhiều thực khách quan tâm bởi sự mới lạ đến từ món phở này.

    Nguồn gốc của món "phở hai tô" bắt nguồn từ món "phở khô Gia Lai". Món ăn này nổi tiếng là "quốc hồn, quốc túy" của người Gia Lai và được người dân ở đây đặt cho một cái tên dân dã khác là "phở hai tô". 

    Món ăn này có nguồn gốc từ lâu đời, tuy nhiên chỉ trở nên nổi tiếng và được biết đến rộng rãi vào năm 2015 khi trở thành một trong 10 món ngon châu Á và 50 món ngon Việt Nam, đánh dấu cột mốc quan trọng khẳng định thương hiệu của "phở khô Gia Lai" hay "phở hai tô".

    Hình thức của phở hai tô khác với các món phở quen thuộc như phở nước, phở xào, phở chiên hay phở cuốn…

    Phở hai tô độc đáo từ chính cách ăn "hai tô". Không như các loại phở thông thường có phở và nước dùng cùng chung một tô, "phở hai tô" được phục vụ với hai tô riêng, một tô đựng phở, một tô là nước dùng. 

    Người ăn sẽ thưởng thức phở riêng, rồi húp một ngụm nhỏ nước dùng, ăn kèm rau sống và một chút tương đặc biệt, được chế biến theo phương thức gia truyền của mỗi quán.

    Phở được làm hoàn toàn từ gạo nên khi chần, trộn lên vẫn dai, thơm chứ không dính như sợi hủ tiếu cũng không nhũn, nát hay vón cục như nhiều loại mì khô, phở khô khác. 

    Tô phở khô ngoài phở có thêm giá đỗ chần, một ít thịt nạc bằm, rắc chút hành phi thơm vàng, điểm xuyết vài thìa ớt đỏ, tùy khẩu vị mỗi người có thể chế thêm tương nâu, xì dầu, tương ớt, chanh, giấm cho vừa ăn. 

    Quan trọng nhất là món tương đặc biệt để trộn phở là loại tương hột giã nhuyễn, có vị bùi bùi, mằn mặn, bên cạnh vị mặn có một chút ngọt thanh pha với hương vị riêng biệt.

    Ngoài phở thì yếu tố "ngon" của phở hai tô còn đặt rất nhiều vào tô thứ hai, nghĩa là tô nước dùng. Nước dùng phở được nấu khá cầu kỳ, cho thứ nước thanh trong, ngọt ngào mà không kém phần đậm đà. 

    Trong tô nước dùng là các nguyên liệu còn lại để hoàn thiện món phở như: thịt bò tái, thịt gà, thịt xá xíu…, tùy vào từng vùng, miền sẽ có nhiều nguyên liệu khác nhau.

    Anh Trương Khánh Duy, tổ 2, phường Hợp Giang (Thành phố) cho biết: Lần đầu ăn thử món này, tôi cho bánh phở vào bát nước dùng để ăn như phở thường. Tuy nhiên sau khi được chủ quán hướng dẫn cách ăn tôi mới biết mình đã ăn sai cách. Khi thưởng thức đúng cách thì tôi rất mê món này, mỗi tuần tôi có thể ăn từ 4 - 5 lần.

    Cô Hằng, chủ quán "Phở hai tô" chia sẻ: Với những khách hàng lần đầu ăn món này không nên vội vàng, đầu tiên là gia giảm rau thơm, gia vị như một chút tương, một chút ngò tàu, vài lá húng quế, dùng đũa trộn thật kỹ, thật đều đến khi phở từ màu trắng chuyển sang màu nâu của tương là được.

    Gắp một miếng bánh phở đã trộn đều với tương đậu cho vào miệng, cảm nhận vị béo của bánh, vị bùi bùi, mằn mặn của tương đậu, thêm một ít xà lách, húng quế để thấy vị the the tan nơi đầu lưỡi. 

    Sì sụp húp một muỗng nước dùng nóng hổi, thơm phức và tận hưởng vị ngọt của miếng thịt bò non vừa chín tới ngon không còn gì bằng. Tuy nhiên, với giá từ 45.000 đồng/suất vẫn đang là trăn trở của nhiều người bởi mức giá này cao hơn giá của một bát phở trên địa bàn.