Những ngày cuối tháng 10/2022, thông tin về việc hãng đấu giá Millon (Pháp) đưa ra đấu giá hai cổ vật liên quan vương triều Nguyễn của Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước. Đó là kim ấn "Hoàng đế chi bảo" được chế tác dưới triều Hoàng đế Minh Mạng với giá khởi điểm từ 2 - 3 triệu euro và bát vàng của Vua Khải Định với giá khởi điểm 20.000 - 25.000 euro.
Kim ấn "Hoàng đế chi bảo" được đúc bằng vàng ròng vào ngày 15/3/1823 và được truyền từ Hoàng đế Minh Mạng cho đến các đời vua Nguyễn sau này, cuối cùng là Vua Bảo Đại. Đây là chiếc ấn vàng mà vị vua cuối cùng của triều Nguyễn trao cho đại diện chính quyền cách mạng Việt Nam cùng với thanh bảo kiếm vào chiều 30/8/1945 tại Ngọ Môn Huế.
Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946), kim ấn "Hoàng đế chi bảo" cùng với thanh bảo kiếm rơi vào tay người Pháp. Đến ngày 8/3/1952, người Pháp tổ chức lễ trao lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại, rồi được đưa sang Pháp vào năm 1953. Trước khi qua đời (năm 1997), Bảo Đại đã di chúc để lại toàn bộ tài sản ở Pháp - trong đó có kim ấn "Hoàng đế chi bảo", cho vợ là bà Monique Baudot (người Pháp). Bà Monique Baudot qua đời năm 2021, các tài sản trên thuộc về những người thừa kế và được mang ra bán đấu giá.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế - ông Nguyễn Văn Phương bày tỏ hy vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều nhà sưu tập, các tập thể, cá nhân sẽ chung tay đưa các cổ vật triều Nguyễn về với vùng đất cố đô.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa- lịch sử, dưới triều Nguyễn có hơn 100 chiếc ấn được đúc nhưng ấn "Hoàng đế chi bảo" được coi là chiếc ấn lớn nhất, đẹp nhất và quan trọng nhất, là biểu tượng quyền lực của các vua nhà Nguyễn. Ấn này được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của nhà Nguyễn trong suốt một giai đoạn lịch sử nên rất có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa.
Sau thông tin kim ấn "Hoàng đế chi bảo" được đưa ra đấu giá tại Pháp, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO đã phối hợp các bộ, ngành liên quan trao đổi với Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa Pháp, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, lãnh đạo UNESCO và đơn vị tổ chức đấu giá để triển khai các biện pháp cần thiết nhằm có thể đưa cổ vật về nước… Tin rất mừng là việc đàm phán với hãng Millon để hồi hương ấn "Hoàng đế chi bảo" đã diễn ra thuận lợi, và ngày ấn vàng trở về Việt Nam không còn xa.
"Để ngày càng có nhiều cổ vật được hồi hương cần tạo cơ chế, chính sách phù hợp để cổ vũ các doanh nhân, doanh nghiệp, cộng đồng tham gia mạnh mẽ hơn vào hoạt động này".
TS Phạm Quốc Quân - nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Chiến tranh, loạn lạc trước đây đã khiến rất nhiều cổ vật quý của Việt Nam, nhất là cổ vật triều Nguyễn"chảy máu", được đưa ra nước ngoài bằng nhiều con đường khác nhau. Hàng loạt cổ vật quý như: Thái A kiếm (bảo kiếm của Vua Gia Long), chậu quán tẩy bằng vàng (chậu rửa tay của vua trước khi cử hành những đại lễ trong tông miếu triều Nguyễn), sách phong bằng bạc mạ vàng đời Thiệu Trị, trấn phong bằng vàng đời Khải Định, trấn phong bằng vàng đời Khải Định, tượng con giải trãi bằng vàng đời Minh Mạng, cành vàng lá ngọc chưng trong chậu pháp lam, những kim bài, kim khánh, kim bội, ngọc khánh của triều Nguyễn… đang lưu lạc ở châu Âu.
Những năm qua, nhiều cổ vật triều Nguyễn được đưa ra đấu giá ở Pháp, Tây Ban Nha…, và chỉ số rất ít cổ vật trong số này được hồi hương, về Việt Nam. Năm 2010, tỉnh Thừa Thiên - Huế ủy quyền cho một số Việt kiều tại Pháp tham gia phiên đấu giá bức tranh sơn dầu "Chiều tà" của Vua Hàm Nghi. Khởi điểm 1.000 euro, giá bức tranh được đẩy lên rất cao. Những người được phía tỉnh Thừa Thiên - Huế ủy quyền tham gia đấu giá đã phải dừng bước khi giá bức tranh được đẩy lên 8.600 euro (giá trúng sau đó là 8.800 euro).
TS Phạm Quốc Quân - nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, để mang được một cổ vật Việt Nam lưu lạc ở nước ngoài về nước thì cần rất nhiều công sức và tiền của, và quan trọng nhất là phải có cơ chế chính sách phù hợp: "Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện xã hội hóa đối với công tác hồi hương cổ vật và đem lại hiệu quả rất tốt. Các nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều có những chiến lược hồi hương các di sản văn hóa. Họ có những quỹ được gây dựng từ các nguồn lực trong cộng đồng, kiều bào, các tập đoàn kinh tế. Đằng sau các bảo tàng đều có sự giúp đỡ của các tập đoàn, có sự chuẩn bị tiềm lực".
TS Phạm Quốc Quân khẳng định, cổ vật của mỗi quốc gia cần phải trở về nơi nó sinh ra thì mới có điều kiện để tỏa sáng. Việt Nam là một quốc gia được thế giới ngợi ca về bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa thì việc đưa cổ vật hồi hương có vai trò vô cùng quan trọng, là một động lực để phát triển.
Chuyện ít biết về 3 cổ vật triều Nguyễn về lại cố cung
Những năm qua, trong số những cổ vật triều Nguyễn trưng bày tại khu vực cung Diên Thọ (Đại nội Huế), du khách đặc biệt chú ý đến chiếc xe kéo được làm bằng gỗ khảm trai quý phái, sang trọng. Đây là chiếc xe do Vua Thành Thái đặt làm tặng mẹ là Hoàng thái hậu Từ Minh vào đầu thế kỷ trước. Đây là một trong số rất ít cổ vật triều Nguyễn được đưa hồi hương sau khi trúng đấu giá ở nước ngoài.
Giữa năm 2014, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế nhận được thông tin về việc chiếc xe kéo trên cùng với chiếc long sàng thuộc Hoàng cung triều Nguyễn sắp được tổ chức đấu giá tại Pháp. Trên cơ sở đề xuất của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế duyệt chi 50.000 USD (tương đương 33.000 euro) để tham gia đấu giá hai cổ vật. Đại diện cho tỉnh Thừa Thiên - Huế trực tiếp tham gia đấu giá là cán bộ Đại sứ quán Việt Nam và một số Việt kiều tại Pháp.
Tại phiên đấu giá, chiếc long sàng được đẩy từ giá khởi điểm 1.000 euro lên tới 124.000 euro gồm cả chi phí nên phía Thừa Thiên - Huế đành phải… buông. Còn chiếc xe kéo có giá khởi điểm 2.000 euro được đẩy lên 44.000 euro, phía Thừa Thiên - Huế trả 45.000 euro và trúng. Tỉnh quyết mua bằng được cổ vật này là do đây là hiện vật độc bản, rất có giá trị về lịch sử văn hóa. Kinh phí được duyệt chi cho đấu giá không đủ nên tỉnh đã nhờ đến sự hỗ trợ của Việt kiều ở Pháp và các nhà hảo tâm trong nước.
Mặc dù đã đấu giá thành công nhưng việc đưa cổ vật về nước gặp khó khăn do bị Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Guimet của Pháp tranh chấp. Phía bảo tàng này tuyên bố rằng nhà nước Pháp đã đề nghị mua chiếc xe này với mức giá trên bằng "quyền ưu tiên". Cuối cùng, phải nhờ đến sự can thiệp của Bộ Ngoại giao, Bộ VHTTDL, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp thì tỉnh Thừa Thiên - Huế mới thắng trong cuộc này. Ngày 25/4/2015, chiếc xe kéo được đưa về Hoàng cung Huế sau hơn 100 năm lưu lạc ở trời tây.
Cuối năm 2021, hai cổ vật triều Nguyễn được đưa ra đấu giá tại Tây Ban Nha là mũ quan thời Nguyễn được chế tác trong khoảng cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX và áo Nhật Bình chất liệu lụa thêu được chế tác trong khoảng thế kỷ 19. Chiếc mũ quan có giá gõ búa hơn 600.000 euro, gấp 1.000 lần giá khởi điểm, và chiếc áo dài Nhật Bình có giá hơn 160.000 euro. Mức giá của hai cổ vật này chưa kể 25% thuế và các loại phí khác.
Khi dư luận đang băn khoăn vì cho rằng Thừa Thiên - Huế bỏ lỡ cơ hội đưa hai cổ vật quý hồi hương thì bất ngờ vào tháng 4/2022 xuất hiện thông tin Công ty CP Tập đoàn Sunshine xin hiến tặng hai cổ vật này cho tỉnh. Ông Đinh Chí Hiếu - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Sunshine kể rằng, sau khi nhận được thông tin về hai món cổ vật nói trên được bán đấu giá tại Tây Ban Nha, công ty đã thành lập một nhóm nhân sự tập trung tham gia đấu giá hai món cổ vật. "Với sự quyết tâm cao, công ty đã đấu giá thành công hai cổ vật và đưa về nước, tặng lại cho UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế với mục đích bảo quản, lưu giữ và trưng bày. Qua hoạt động này, công ty mong muốn tạo ra những tác động tích cực về văn hóa - lịch sử, đóng góp một phần vào sự phát triển của Thừa Thiên - Huế" - ông Hiếu nói.