Dân Việt

10 bức tranh Việt có giá trị cao nhất trên thị trường đấu giá

Yến Linh 12/01/2023 14:00 GMT+7
Có tới 7 bức tranh của danh họa Lê Phổ lọt vào danh sách những bức tranh Việt đạt mức triệu đô, góp phần khẳng định vị thế của dòng tranh Đông Dương.

Mới đây, giám tuyển Ace Lê - thành viên ban cố vấn của kho dữ liệu nghệ thuật Việt Nam (ViAA) đã đưa ra bảng tổng kết về những giao dịch có giá trị cao nhất trên thị trường đấu giá tranh Việt Nam. Chia sẻ với Dân Việt, anh cho biết, những thông tin này được lấy trực tiếp từ các sàn đấu giá, vốn là trung tâm khám phá giá nghệ thuật công khai duy nhất, cho cả thị trường sơ và thứ cấp.

10 bức tranh Việt Nam có giá trị cao nhất trên thị trường đấu giá - Ảnh 1.

Giám tuyển Ace Lê. (Ảnh: FBNV)

Giám tuyển Ace Lê cho biết: "Năm 2022 là một năm thành công ở mức vừa cho thị trường tranh Việt, bổ sung được thêm 3 tác phẩm vào danh sách các bức tranh vượt mức triệu đô, nâng tổng số lên 19 tranh. 3 tác phẩm bao gồm: "Dáng hình trong vườn" của Lê Phổ (vị trí số 2), "Trà và Đồng điệu" của Lê Phổ (vị trí số 6) và một điều bất ngờ cuối năm, đó là "Dân làng rặng chuối" của Nguyễn Gia Trí (vị trí số 13). Thanh khoản giao dịch giá trị lớn vẫn dồn toàn bộ vào phân khúc tranh Đông Dương, vượt xa các phân khúc nghệ thuật cổ, kháng chiến hay đương đại".

10 bức tranh Việt Nam có giá trị cao nhất trên thị trường đấu giá - Ảnh 2.

"Portrait de Mademoiselle Phuong" (Chân dung cô Phượng) của Mai Trung Thứ. (Ảnh: Sotheby's)

10 bức tranh Việt Nam có giá trị cao nhất trên thị trường đấu giá - Ảnh 3.

Bức "Les Couturières (Seamstresses at Work)" - "Những cô thợ may" của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh. (Ảnh: CR)

Trong số 19 bức tranh Việt đã được giao dịch với mức giá triệu đô những năm vừa qua, danh họa Lê Phổ đứng đầu với 7 tranh, kế đến là danh họa Mai Trung Thứ (3) và danh họa Phạm Hậu (3). Các họa sĩ: Nguyễn Phan Chánh, Lê Quốc Lộc, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Vũ Cao Đàm và Nguyễn Văn Tỵ mỗi người đóng góp một tác phẩm.

Giám tuyển Ace Lê cũng nhận định: Thị trường đang tạm chững lại sau một khoảng thời gian tăng phi mã. Năm 2021, có tới 9 tác phẩm được bán với mức giá triệu đô, kế đến là 2020 (4), 2022 (3), 2019 (2) và 2017 (1).

Về chủ đề, sự xuất hiện chủ đạo/bán chủ đạo của nhân vật nữ có trong 13 tác phẩm, kế đến là phong cảnh (6), trẻ em (3) và chân dung tự họa (1). Điều này cho thấy sự chênh lệch nhất định về cả gu sáng tác lẫn gu sưu tập trong một thế giới vẫn còn chịu sự chi phối của nam giới.

Giám tuyển Ace Lê là thành viên chương trình Lãnh đạo nghệ thuật quốc tế 2022 của Hội đồng nghệ thuật Australia; thành viên ban cố vấn của kho dữ liệu nghệ thuật Việt Nam (ViAA). Năm 2022, anh là giám tuyển của triển lãm phi thương mại Timeless Souls: Beyond The Voyage - Hồn xưa bến lạ do Sotheby's tổ chức, giới thiệu 56 tác phẩm của "bộ tứ Paris" gồm Mai Trung Thứ (1906-1980), Lê Phổ (1907-2001), Vũ Cao Đàm (1908-2000), Lê Thị Lựu (1911-1988). Họ cùng học tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sau đó sang Pháp định cư. Trên thị trường quốc tế, tranh của họ đều có mức giá cao kỷ lục.

Danh sách 10 bức tranh Việt có mức giá cao nhất hiện nay (xếp từ cao tới thấp):
1. 3.11 triệu USD (24.3 triệu HKD) [1]
"Portrait de Mademoiselle Phuong" ("Chân dung cô Phượng"), Mai Trung Thứ
Vẽ 1930, sơn dầu trên toan, 135.5 x 80cm
Đấu tại Sotheby's ngày 18.04.2021
Tác phẩm từng thuộc bộ sưu tập của bà Dothi Dumonteil (Đỗ Thị Tuyết) và xuất hiện trong phim "Mùi Đu Đủ Xanh" (1993) của đạo diễn Trần Anh Hùng.
2. 2.29 triệu USD (17.9 triệu HKD) [2]
"Figures in a garden" ("Dáng hình trong vườn"), Lê Phổ
Vẽ khoảng 1973, sơn dầu trên toan bồi trên gỗ, 175 x 209.5cm
Đấu tại Sotheby's ngày 27.04.2022
Tác phẩm là một bình phong 3 tấm, được phòng tranh Wally Findlay bán lần đầu tiên năm 1973 tại Palm Beach.
3. 1.57 triệu USD (12.2 triệu HKD) [3]
"Femme au chapeau conique le long de la rivière" ("Thiếu nữ đội nón lá bên sông"), Mai Trung Thứ
Vẽ 1937, sơn dầu trên toan, 98 x 71cm
Đấu tại Sotheby's 14.12.2021
Tác phẩm được chứng nhận bởi bà Mai Lan Phương và Hội đồng Mai Thứ.
4. 1.39 triệu USD (10.9 triệu HKD) [4]
"Les Couturières (Seamstresses at Work)" ("Những cô thợ may"), Nguyễn Phan Chánh
Vẽ 1930, mực và bột màu trên lụa, 65.5 x 88cm
Đấu tại Christie's 02.12.2020
Tác phẩm được triển lãm tại Hội chợ Thuộc địa Paris 1931, và từng thuộc bộ sưu tập của Jean-Marc Lefèvre, Paris, Pháp.
5. 1.39 triệu USD (10.9 triệu HKD) [5]
"Nue (Nude)" ("Khỏa thân"), Lê Phổ
Vẽ 1931, sơn dầu trên toan, 90.5 x 180.5cm
Đấu tại Christi'é 25.05.2019
Tác phẩm từng nằm trong bộ sưu tập của ông Tuấn H Phạm ở California, USA.
6. 1.36 triệu USD (10.6 triệu HKD) [6]
"The et Sympathie" ("Trà và Đồng điệu"), Lê Phổ
Vẽ thập niên 1960-1970, sơn dầu trên toan, 131 x 191cm
Đấu tại Sotheby's 07.10.2022
Tác phẩm được chứng nhận bởi ông Alain Le Kim.
7. 1.36 triệu USD (1.16 triệu EUR) [7]
"Jeune fille aux pivoines" ("Thiếu nữ bên hoa mẫu đơn"), Lê Phổ
Vẽ khoảng 1945, mực và màu trên lụa, 91 x 71cm
Đấu tại Aguttes 06.10.2020
Tác phẩm được lưu trong danh mục Galerie Romanet, Paris năm 1950.
8. 1.31 triệu USD (1.22 triệu EUR) [8]
"Paysage de Phnom Penh" ("Phong cảnh Phnom Penh"), Lê Quốc Lộc
Vẽ 1943, sơn mài, 199 x 400cm
Đấu tại Millon Asium 21.10.2021
Tác phẩm là bình phong 8 tấm, từng thuộc về bộ sưu tập của gia đình Henri Kraemer và Nguyễn Thị Lai.
9. 1.25 triệu USD (9.7 triệu HKD) [9]
"Golden sunset over Halong bay" ("Hoàng hôn vàng trên vịnh Hạ Long"), Phạm Hậu
Vẽ khoảng 1938-1945, sơn mài, 100 x 198cm
Đấu tại Bonhams 27.11.2021
Tác phẩm là bình phong 6 tấm, từng thuộc bộ sưu tập của cựu hoàng Bảo Đại, sau ban tặng cho Edgar Ansel Mowrer năm 1951.
10. 1.16 triệu USD (9.1 triệu HKD) [10]
"Les désabusées (Disillusionment)" ("Vỡ mộng"), Tô Ngọc Vân
Vẽ 1932, mực và bột màu trên lụa, 92.5 x 57cm
Đấu tại Christie's 25.09.2019
Tác phẩm từng thuộc sở hữu của Đông Dương Kinh tế Cục (AGINDO) tại Paris, và sau này nằm trong bộ sưu tập của ông Tuấn H Phạm ở California, USA.