Vì sao tranh khoả thân của hoạ sĩ Lê Phổ lại bán được hơn 44 tỷ đồng?

Thứ sáu, ngày 31/05/2019 13:15 PM (GMT+7)
Tranh Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế, nhất là tranh của các hoạ sĩ thời kỳ Đông Dương. Mới đây, với mức đấu giá 44 tỷ đồng cho hai tác phẩm của hoạ sĩ Lê Phổ đang nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Bình luận 0

Tranh khoả thân Lê Phổ được đánh giá cao

Mới đây, hai bức tranh mang tên “Khỏa thân” và “Tắm biển” của danh hoạ Lê Phổ được bán đấu giá hơn 44 tỷ tại phiên đấu giá “Thế kỷ 20 và nghệ thuật đương đại” diễn ra ở Christie Hong Kong đã khiến giới mỹ thuật trong nước hết sức xôn xao.

img

Bức tranh mang tên "Khoả thân" của cố họa sĩ Lê Phổ vừa đấu giá thành công với mức 32,3 tỷ đồng.

Xôn xao không hẳn vì lần đầu tiên một tác phẩm mỹ thuật của Việt Nam được đấu giá với số tiền lớn mà xôn xao bởi tranh khoả thân của hoạ sĩ thời kỳ Đông Dương đang ngày càng được đánh giá cao trên thị trường quốc tế.

Theo đó, cả hai bức tranh kể trên được hoạ sĩ Lê Phổ hoàn thành vào trước những năm 1940, thời kỳ mà bối cảnh xã hội Việt Nam chưa cho phép tồn tại những bức vẽ khỏa thân. Bức “Khoả thân” được cố hoạ sĩ lấy cảm hứng từ phương Tây bán với giá 32,3 tỷ đồng.

Bức “Tắm biển” được lấy cảm hứng từ truyền thuyết về nàng Tiên Dung táo bạo, sẵn sàng vượt qua những rào cản xã hội – văn hóa và sự ràng buộc của lễ giáo để “tắm tiên” được bán với giá hơn 11,7 tỷ đồng.

Những bức tranh này được giới mỹ thuật đánh giá là có những nét vẽ táo bạo nhưng mang đậm phong cách của hội hoạ Đông Dương và đậm nét văn hoá Việt.

Hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn – Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, thế hệ hoạ sĩ thời kỳ Đông Dương có một vị trí không thể thay thế được trong nền mỹ thuật đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam. Lúc đó ánh sáng văn hoá của Âu Châu dọi về giúp các hoạ sĩ thoát được bóng tối của nghìn năm Bắc thuộc. Và họ đã không phải vô danh nữa mà chính danh bước ra bên ngoài.

“Lê Phổ là một hoạ sĩ tài năng và có dấu ấn cá nhân rất riêng. Ông có thể vẽ thiếu nữ, vườn xuân, cảnh sinh hoạt… như nhiều hoạ sĩ khác. Nhưng nét chân xác của ông khi vẽ vẻ đẹp khoả thân của người phụ nữ vẫn mang một cái gì đó rất dung dị và đầy rung động cảm xúc của người hoạ sĩ.

Nhìn tác phẩm của ông người ta thấy sự hoan hỷ khi tái hiện lại nét đẹp mà tạo hoá đã ban cho người phụ nữ. Nét vẽ mang tính ca tụng vẻ đẹp tối thượng của người phụ nữ mà càng xem người ta càng thấy rung cảm.

Những hình sắc xử lý như vậy chắc cũng chỉ có riêng ông Lê Phổ mới có được. Đó là một sự mới mẻ và độc đáo khiến tác phẩm của ông càng về sau càng được đánh giá cao”, hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn nói.

Theo hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn thì do hoạ sĩ Lê Phổ sống ở Pháp lâu nên ảnh hưởng của nghệ thuật cổ điển là không thể chối cãi được. Vì thế mà hai bức tranh “Khỏa thân” và “Tắm biển” được nhiều người nhìn nhận là mang hơi hướng phương Tây. Tuy nhiên, trong đó vẫn ẩn chứa những nét duyên riêng của tác giả.

Hoạ sĩ Trần Khánh Chương – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng bày tỏ, tranh của các hoạ sĩ thời Đông Dương đều được đánh giá cao không chỉ trong mà cả ngoài nước. Lí do là vì các cụ đều đã “khuất bóng” nên tranh của họ chỉ dừng ở một số lượng nhất định.

Ngoài ra, tranh của hoạ sĩ thời Đông Dương đánh giá một giai đoạn của mỹ thuật Việt Nam. Đi theo lối hiện thực nhưng lại lãng mạn. Bởi lẽ đó mà tranh của hoạ sĩ Lê Phổ vừa qua đấu giá được tới hơn 44 tỷ cũng là điều dễ hiểu.

“Điều này chứng tỏ tranh Việt Nam ngày càng được quốc tế quan tâm và đánh giá cao. Đó là điều rất đáng mừng”, hoạ sĩ Trần Khánh Chương nhấn mạnh.

Canh cánh nỗi lo tranh nhái, tranh giả

Hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ, việc đấu giá các tác phẩm của các hoạ sĩ Đông Dương đã dần dần khẳng định những đóng góp và cống hiến của họ đối với nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

img

Bức tranh "Tắm biển" của hoạ sĩ Lê Phổ được đấu giá 11,7 tỷ đồng.

“Trước đây, hình tượng thiếu nữ áo dài gắn bó với mỹ thuật Đông Dương nhưng qua những tác phẩm này của Lê Phổ chúng ta lại phải thay đổi cách nhìn.

Chắc chắn sẽ có những bí ẩn khác trong thế giới sáng tạo mỹ thuật của các hoạ sĩ Đông Dương, nhất là mảng tranh khoả thân. Và thông qua những bức tranh trước đây chưa hề được xuất hiện nhiều, người ta có thể hình dung rõ hơn về chặng đường hoạt động mỹ thuật của các nghệ sĩ.

Việc đưa các tác phẩm chưa từng được công bố của các hoạ sĩ Đông Dương là một khám phá mới về các tác giả cũ. Tôi cho đây là tín hiệu vui vì nếu không khẳng định được các giá trị của thế hệ vàng mỹ thuật Đông Dương thì sẽ khó lòng tiếp nhận những giá trị mới của các thế hệ tiếp theo.

Từ khoá kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ rồi đầu đổi mới và hậu đổi mới. Đời sống mỹ thuật hiện đại Việt Nam liên tiếp thay đổi để tìm kiếm một khuôn mặt mới nữa trong thế kỷ mới”, hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn nói thêm.

Hoạ sĩ Trần Khánh Chương thừa nhận, trước đây, ông toàn nghĩ các hoạ sĩ Đông Dương chủ yếu tập trung vào sáng tác tranh sơn dầu, sơn mài, lụa… Đề tài nặng về thiếu nữ, đi chùa, phong cảnh… Nhưng nay ông phát hiện ra các hoạ sĩ thời kỳ này vẽ rất nhiều về đề tài gia đình.

“Trước đây ít người được biết tranh Lê Phổ và cũng ít người biết cụ vẽ bằng chất liệu gì. Ngoài ra, ít ai biết cụ vẽ bao nhiêu bức tranh khoả thân.

Tôi tin rằng, thời Đông Dương các cụ vẽ khoả thân không nhiều nhưng có vẽ. Chỉ có điều không có ai chuyên như cụ Tạ Tỵ. Bởi lẽ đó mà các bức tranh đó bây giờ rất quý. Cái giỏi của các hoạ sĩ thời kỳ này đó là học hỏi lối vẽ của Châu Âu nhưng vẫn có nét riêng”, hoạ sĩ Trần Khánh Chương nói.

Theo Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, ngày nay, mỹ thuật phát triển mạnh mẽ và đa dạng nhưng không phát hiện được bản sắc riêng nếu không có bút ký. Tính quốc tế hoá trong mỹ thuật cao nhưng tính bản sắc bị giảm bớt.

“Cái tôi lo nhất hiện nay là tranh giả. Vì không được tiếp xúc trực tiếp với tác phẩm nên mỗi khi nghe có tác phẩm được đáu giá cao lại gợn lên một lo lắng “Có phải tranh thật hay không?”.

Một bức tranh phố của danh hoạ Bùi Xuân Phái mà có tới mấy phiên bản thì chắc chắn chỉ duy nhất một tranh thật mà thôi. Vừa rồi một triển lãm về tranh Tạ Tỵ đã phải dừng lại vì không biết tranh nào thật, tranh nào giả… nếu công bố ra mà không phải tranh thật thì nguy hiểm lắm”, hoạ sĩ Trần Khánh Chương trăn trở.

Hà Tùng Long (Dân trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem