Nhà nghiên cứu hội họa lý giải nguyên ngân vì sao tranh của Mai Trung Thứ, Lê Phổ đạt giá triệu đô

Ngô Hương Thảo Thứ sáu, ngày 23/04/2021 15:53 PM (GMT+7)
"Khi nhắc tới mỹ thuật Việt Nam, nhiều chuyên gia hội họa nước ngoài chỉ biết tới Mỹ thuật Đông Dương. Mặc dù không phải bức tranh nào thuộc dòng tranh này cũng đẹp nhưng chúng vẫn luôn "có giá" trên thị trường" – nhà nghiên cứu hội họa Ngô Kim Khôi khẳng định.
Bình luận 0

Mới đây, bức tranh "Chân dung cô Phượng" (Portrait de Mademoiselle Phuong) của danh họa Mai Trung Thứ đã đạt mức giá kỉ lục 3,1 triệu USD (72,1 tỷ đồng) trong phiên đấu giá Beyond Legends: Modern Art Evening Sale do nhà đấu giá Sotheby's Hong Kong tổ chức. Đây là tác phẩm có giá công khai cao nhất của nền mỹ thuật Việt Nam tính tới thời điểm hiện tại.

Nhà nghiên cứu hội họa lý giải nguyên ngân vì sao tranh của Mai Trung Thứ, Lê Phổ đạt giá triệu đô - Ảnh 1.

Nhà nghiên cứu hội họa Ngô Kim Khôi. Ảnh: Trí Bùi

PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu hội họa Ngô Kim Khôi nhân sự kiện này:

Bức họa "Portrait de Mademoiselle Phuong" của họa sĩ Mai Trung Thứ đang gây xôn xao dư luận khi đạt mức giá kỷ lục là 3,1 triệu USD. Là một người nghiên cứu và thẩm định hội họa lâu năm, ông có bất ngờ trước thông tin này?

- Tôi không bất ngờ vì luôn biết việc này sẽ sớm đến. Nhưng tôi thấy hân hoan và sung sướng, bởi qua sự kiện này, giá trị của ngành hội họa Việt Nam thêm một lần nữa được khẳng định. Đương nhiên, chúng ta không thể đánh giá chất lượng nghệ thuật qua kinh tế, nhưng giá trị bức tranh cũng phần nào phản ánh sự phát triển của một nền mỹ thuật, cách đánh giá của khán giả đối với thị trường mỹ thuật đó.

Mặt khác, việc dư luận xôn xao khi bức tranh "Chân dung cô Phượng" được mua với giá kỷ lục cũng là một tín hiệu tích cực đối với nền hội họa nước nhà. Câu chuyện bức tranh đạt giá 3,1 triệu đô thu hút sự chú ý của cả những người không hề quan tâm tới lĩnh vực này. Tôi nghĩ, nhờ vậy mà các họa sĩ cũng được tiếp thêm năng lượng, nghệ thuật hội họa sẽ được quan tâm, lan tỏa rộng rãi hơn tại Việt Nam.

Nhà nghiên cứu hội họa Ngô Kim Khôi đang sinh sống và làm việc tại Pháp, ông có hơn 30 năm làm nghiên cứu về mỹ thuật Đông Dương và được sự công nhận của giới mỹ thuật Pháp và toàn thế giới.

Ông được mời làm đối tác nhiều bảo tàng lớn trong vai trò nhà nghiên cứu chuyên sâu mỹ thuật Đông Dương và được mời thẩm định tranh cho các cuộc đấu giá uy tín tại Pháp, châu Âu và Hồng Kông (Trung Quốc) …

Theo ông, đâu là lý do bức tranh "Portrait de Mademoiselle Phuong" đạt mức giá cao?

- Trước hết tôi phải nói lại rằng bức tranh này mang tên "Chân dung cô Phượng", chứ không phải "Chân dung cô Phương" như nhiều tờ báo nhầm lẫn. 

Tôi chắc chắn điều này vì đã từng được xem tranh tại Paris, khi là hàng xóm thân thiết của gia đình bà Đỗ Thị (bà tên đầy đủ là Đỗ Thị Tuyết, hiện đã qua đời, cũng không phải Đỗ Thị Lan như một số thông tin đăng tải).

Bức tranh này hội đủ các điều kiện về lịch sử, nghệ thuật để được định ở một mức giá cao. Trước hết, tranh sáng tác vào khoảng năm 1930 bởi ông Mai Trung Thứ - một trong những họa sĩ tại trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 1. Trường Mỹ thuật Đông Dương là trường hội họa được đánh giá cao nhất khu vực Đông Nam Á, thậm chí được xếp hàng đầu tại Châu Á khi ấy do sự đào tạo quy mô, tỉ mỉ từ các họa sĩ tên tuổi người Pháp. Mỗi khóa học chỉ nhận vỏn vẹn vài chục sinh viên tiêu biểu.

Nhà nghiên cứu hội họa lý giải nguyên ngân vì sao tranh của Mai Trung Thứ, Lê Phổ đạt giá triệu đô - Ảnh 3.

Bức tranh "Chân dung cô Phượng" của họa sĩ Mai Trung Thứ.

Trong một cuộc nói chuyện với họa sĩ Lê Phổ tại Paris (tác giả bức tranh khỏa thân có mức giá 1,4 triệu đô la, kỉ lục cũ của tranh Việt), ông từng chia sẻ với tôi rằng, trong mắt ông, Mai Trung Thứ là họa sĩ xuất sắc nhất trong số những người cùng khóa.

Bức tranh "Chân dung cô Phượng" còn có nhiều ưu thế như sở hữu kích thước lớn (135,5x80cm), tranh dùng kĩ thuật tranh sơn dầu, nhưng phảng phất mang màu sắc lụa. Nó tinh khiết, thuần túy và dịu ngọt. Hình bóng cô Phượng trong tranh hiện lên vừa sang trọng, vừa thanh lịch, quý phái, mang đâm nét Hà Nội xưa. Nhìn bức tranh này, tôi cứ nhớ tới hai câu trong bài hát "Mộng dưới hoa" nổi tiếng: "Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại/ Âu yếm nhìn tôi không nói năng"…

Ngoài "Chân dung cô Phượng", nhiều bức tranh khác của họa sĩ Mai Trung Thứ cũng như các họa sĩ thuộc khóa I trường Mỹ thuật Đông Dương đều được định giá cao. Theo ông, đâu là nguyên nhân của thực tế này?

- Đúng vậy. Dòng tranh Đông Dương luôn được các nhà sưu tầm yêu thích, hay nói cách khác, khi nhắc tới Mỹ thuật Việt Nam, nhiều chuyên gia hội họa nước ngoài chỉ biết tới Mỹ thuật Đông Dương. Mặc dù không phải bức tranh nào thuộc dòng tranh này cũng đẹp, cũng độc đáo nhưng chúng vẫn luôn "có giá" trên thị trường.

Trước hết, tranh Đông Dương có ý nghĩa về mặt lịch sử, văn hóa đặc biệt, thêm nữa, các họa sĩ thuộc trường Mỹ thuật Đông Dương được đào tạo một cách vô cùng bài bản, những nét vẽ của họ đều ưu tú. Tranh của các họa sĩ này thường tới tay những nhà sưu tập tranh nước ngoài thông qua các triển lãm thuộc địa, bởi khi đó, thị trường hội họa trong nước vẫn còn vô cùng sơ khai. Cũng do được bảo quản tại phương Tây, các tác phẩm này vẫn còn nguyên giá trị về mặt thẩm mỹ. Chúng không bị ảnh hưởng, giảm chất lượng hoặc mai một đi do thời tiết, chiến tranh, hay các  điều kiện khách quan khác…

Còn có một nguyên nhân sâu xa khác là các tác giả tiêu biểu thuộc trường Mỹ thuật Đông Dương như Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu… đều sinh sống tại nước ngoài. Họ có điều kiện thuận lợi về chất liệu, dụng cụ để sáng tác, mức độ sáng tác cũng rất cao.

Việc bức tranh "Chân dung cô Phương" đạt mức giá 3,1 triệu đô gây xôn xao dư luận tại Việt Nam, tuy nhiên, tại một số nước Đông Nam khác như Indonesia, Singapore, nhiều bức tranh từ lâu đã vượt qua mức giá này. Theo ông, lý do là bởi nền hội họa Việt chưa thực sự phát triển, hay các họa sĩ Việt còn chưa có nhiều cơ hội giới thiệu tác phẩm của mình đối với công chúng?

- Nền mỹ thuật Việt Nam từ lâu bị hại bởi sự trục lợi, với sự xuất hiện tràn lan và ồ ạt của tranh giả. Còn nhớ, khi tranh của danh họa Bùi Xuân Phái đạt mức giá cao, hàng loạt tác phẩm của ông đã bị chép lại và rao bán trên khắp các thị trường. Việc này nổi tiếng ở phương Tây tới nỗi nhiều chuyên gia nước ngoài nói với tôi: "Chúa ơi, ông Bùi Xuân Phái bây giờ vẽ nhiều hơn cả khi ông ấy còn sống!".

Chính bởi nguyên nhân đó mà tranh cụ Bùi Xuân Phái hiện tại không thể đẩy được lên một mức giá cao hơn. Và cách nhìn của nhiều chuyên gia về nền hội họa Việt Nam cũng có chút định kiến.  Chỉ có việc bài trừ vấn nạn này, cùng với việc các họa sĩ tự thân tìm tòi, sáng tạo một hướng đi mới so với hội họa thời kỳ Đông Dương, thị trường tranh Việt Nam mới có thể tiến lên được.

Tuy thế, tôi tin rằng, nhu cầu thẩm mỹ của con người ngày càng lên cao, cùng với việc đào tạo hội họa từ sớm ngay trong nhà trường phổ thông, nền hội họa Việt Nam sẽ sớm thay đổi. Nhiều tác phẩm sẽ còn được nâng giá trị trong thời gian tới.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem