"Hiệu quả sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản không ngừng tăng lên qua các năm; quá trình tái cơ cấu đạt được nhiều kết quả tích cực" - Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn báo Dân Việt xung quanh những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp năm 2022, cũng như những thách thức, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2023.
Thưa Thứ trưởng, vượt lên những khó khăn về dịch bệnh Covid-19, tình hình thế giới phức tạp, ngành nông nghiệp trong năm 2022 đã đạt được những con số ấn tượng, ông có thể cho biết đâu là những điểm nhấn của ngành?
- Những chỉ tiêu quan trọng của ngành nông nghiệp đều đã đạt được, đặc biệt là xuất khẩu nông sản đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Điều đáng nói là thặng dư thương mại đạt 8,5 tỷ USD, tăng 29,9% so với năm 2021, tương ứng với xuất siêu của cả nền kinh tế.
Sản lượng thuỷ sản đạt hơn 9 triệu tấn, xuất khẩu đạt hơn 10,92 tỷ USD; trong lĩnh vực lâm nghiệp, độ che phủ rừng đạt 40,02%, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 16,93 tỷ USD; Chương trình OCOP đã có hơn 80.000 sản phẩm được phân loại xếp hạng; ngô và rau quả đạt 24,5 triệu tấn, đảm bảo đủ nguyên liệu cho các nhà máy xuất khẩu...
Hàng nông sản của Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của gần 100 triệu dân, mà đã được xuất khẩu ra gần 200 thị trường trên thế giới, và đó chính là những giá trị đích thực, kết quả nổi bật của ngành trong năm 2022.
Để đạt được những kết quả đó, chúng ta đã có những bài học kinh nghiệm gì trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, thưa Thứ trưởng?
- Phải khẳng định những kết quả đáng ghi nhận đó là nhờ chúng ta có Nghị quyết của Trung ương toàn khoá 2021 – 2025; các nghị quyết về chỉ tiêu kinh tế xã hội của Quốc hội; sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Chính phủ và đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Thủ tướng Chính phủ.
Bất cứ diễn đàn nào, Thủ tướng Chính phủ cũng nói một phần về an ninh lương thực thực phẩm, nói về kinh nghiệm của Việt Nam về vấn đề an ninh lương thực. Thủ tướng còn thường xuyên gọi điện trao đổi, chỉ đạo trực tiếp, ví dụ như trong tháng 12/2022, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ chỉ đạo tất cả các địa phương tập trung đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Chỉ trong 1 tháng, xuất khẩu sầu riêng tăng hơn 4.000%; kí nhiều nghị định thư quan trọng với thị trường Trung Quốc.
Cuối năm 2022, khi tổng kết ngành, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo rất cụ thể, đặc biệt là Bộ trưởng Lê Minh Hoan, theo đó Bộ đã phân công cho các Thứ trưởng các nhiệm vụ cụ thể, bám rất sát và sáng tạo các vấn đề Thủ tướng đặt ra, nhờ đó nhiều nhiệm vụ hoàn thành nhanh, hiệu quả.
Thứ nữa là việc xúc tiến thương mại của chúng ta rất toàn diện ở các thị trường, dù trong bối cảnh dịch bệnh, đứt gãy các chuỗi cung ứng, tiêu thụ, logictics gặp nhiều khó khăn. Ví dụ trong cơ cấu xuất khẩu nông sản, thị trường Trung Quốc chiếm 19,2%, thị trường Mỹ hơn 24%; Nhật Bản 8%; Hàn Quốc gần 5%; Châu Âu hơn 40%...
Đồng thời với việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thì từ trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp đều xoay quanh trục chiến lược nông nghiệp.
Từ việc bám sát chiến lược, giải pháp về hạ tầng, giải ngân đầu tư công cũng được chú trọng chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm; Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo được xác định là động lực phát triển ngành.
Bên cạnh đó, ngành cũng xác định được chế biến và chế biến sâu là điểm yếu của nông sản Việt Nam, vì vậy chúng ta đã có những chính sách nhằm tạo thuận lợi nhất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến. Nhờ đó chúng ta đã khai thác được dần dần các giá trị gia tăng của nông sản.
Năm 2023, nhiều chuyên gia dự báo bên cạnh những khó khăn, thách thức chúng ta tiếp tục phải đối mặt như biến đổi khí hậu, thì sẽ có những biến động về thị trường do lạm phát tăng cao. Để hoàn thành những mục tiêu trong năm 2023, theo Thứ trưởng chúng ta cần thực hiện những giải pháp gì?
- Trước hết, nói về biến đổi khí hậu, năm 2021 thiệt hại chỉ có hơn 4.900 tỷ đồng; nhưng sang năm 2022 thiệt hại ngày càng lớn. Trong bối cảnh khó khăn đó, thì tất cả những giải pháp đã đưa đến những kết quả trong năm 2022 sẽ được Bộ NNPTNT phân tích, tổng hợp, đưa ra đánh giá để đề ra hệ thống giải pháp chung và riêng cho từng ngành trong năm 2023. Bộ sẽ tổ chức thực hiện ngay từ đầu năm nhằm đảm bảo các mục tiêu đặt ra.
Tin tưởng một cách chắc chắn, với sự năng động sáng tạo, linh hoạt và hiệu quả trong điều hành, cộng với những kinh nghiệm trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp những năm vừa qua, chúng ta đã va đập rất nhiều, sẽ đảm bảo thắng lợi những mục tiêu đề ra.
Ngành nông nghiệp sẽ cần trang bị những gì trong hành trình sắp tới, thưa ông?
Chúng ta đang thực hiện 17 EVFTA thế hệ mới, như các vụ ví von rằng "ra biển khắc biết bơi", vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì chúng ta phải hiểu các yêu cầu của từng thị trường về tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hoá.
Do vậy, đối với nông nghiệp Việt Nam, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc để đảm bảo an toàn thực phẩm là yếu tố vô cùng quan trọng, mã vùng trồng, cơ sở chế biến, ao nuôi đều phải được xác nhận; quy trình VietGAP, GlobalGAP đều phải được triển khai, để từ cây – con giống đều được truy xuất nguồn gốc.
Mọi quy trình canh tác, chăm sóc nuôi dưỡng, sử dụng thuốc thú y, bảo vệ thực vật đều phải rõ ràng thì chúng ta mới có thể mang các sản phẩm đó ra thị trường, và được cả thị trường trong nước và thế giới chấp nhận.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 12 năm 2022 ước đạt 4,16 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu năm 2022 đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021.
Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản ước đạt 22,59 tỷ USD, tăng 4,8%; Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 10,92 tỷ USD, tăng 22,9%; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản ước đạt 16,93 tỷ USD, tăng 6,1%; Giá trị xuất khẩu đầu vào sản xuất ước đạt 2,38 tỷ USD, tăng 26,7%; Giá trị xuất khẩu muối ước đạt 4,8 triệu USD, tăng 55,7%...