Mới đây, vụ lộ đề thi ở Thừa Thiên Huế gây xôn xao dư luận khi một nữ cán bộ trong quá trình quản lý đề in sao đã tìm cách lấy phần tự luận (các môn trong nhóm tổ hợp xã hội: Sử, Địa, GDCD) được kiểm tra vào sáng 7/1/2023 sau đó chuyển về cho người cháu.
Trước đó một vụ lộ đề thi khác xảy ra tại tỉnh Bình Dương. Theo lãnh đạo Phòng GDĐT TP.Thuận An, Bình Dương, ngày 16/5/2022, Trường THCS Phú Long tổ chức thi hết học kỳ 2 cho hơn 400 học sinh khối lớp 8. Sau khi thi xong, một số học sinh bàn tán về việc đề thi môn Văn và Giáo dục công dân trùng khớp với hình ảnh chụp đề thi của một số học sinh đã gửi cho nhau trước đó. Qua xác minh nhanh, Trường THCS Phú Long xác định hình ảnh chụp đề thi xuất phát từ một học sinh là con của hiệu trưởng đang học lớp 8 tại trường này.
Trước đó, vào tháng 4, cô giáo Nguyễn Thị Then, Tổ trưởng tổ Ngữ văn và Giáo dục công dân, Trường THCS Nguyễn Trung Trực, Gia Lai đã làm lộ đề kiểm tra môn Giáo dục công dân lớp 9 khiến toàn bộ học sinh phải làm lại bài kiểm tra. Lý do là cô nhờ con trai trông coi máy tính giúp để đi ăn cơm, vô tình đề kiểm tra hiển thị lên màn hình và học sinh chụp được.
Trao đổi với PV báo Dân Việt, thạc sĩ Phương pháp giảng dạy Ngữ văn Diệp Thảo nêu quan điểm: "Theo tôi, pháp luật có quy định rõ ràng rồi thì cứ xử lý theo quy định của pháp luật. Nhà nước cần có chế tài xử phạt mạnh hơn nữa để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra gây hoang mang dư luận. Đặc biệt là với bối cảnh hiện nay khi ngành giáo dục xảy ra quá nhiều trường hợp bê bối".
Anh Bùi Ngọc Phúc, đồng tác giả sách "Đồng hành cùng con vượt qua các kỳ thi" chia sẻ: "Nhiều năm qua ngành giáo dục đã xây dựng quy trình làm đề thi một cách bài bản. Tuy nhiên vẫn có những vụ lộ đề thì dù cố tình hay sơ ý đều để lại nhiều hệ luỵ. Thậm chí nhiều khi phải huỷ kết quả và tổ chức thi lại, đó là điều đáng tiếc vì ảnh hưởng đến uy tín của ngành.
Hầu hết các giáo viên đều được tập huấn trong công tác bảo quản trước trong và sau kỳ thi, do vậy chính yếu tố con người quyết định tất cả. Để không còn tái diễn những vụ lộ đề thi ảnh hưởng đến những thí sinh học và thi nghiêm túc, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần siết chặt khâu bảo quản đề thi. Thậm chí việc thi hành kỷ luật cho ra khỏi ngành những người mắc sai phạm dù vô tình, với những trường hợp cố ý sẽ chuyển sang bên cơ quan công an điều tra và khởi tố, có như vậy mới hạn chế được tình trạng lộ đề thi".
Thầy giáo Đinh Đức Hiền, giáo viên Sinh học ở Hà Nội cho biết: "Sự việc lộ đề thi là vô cùng nghiêm trọng. Dù nguyên nhân có là gì, tính công bằng, minh bạch, niềm tin vào kỳ thi đương nhiên bị ảnh hưởng rất lớn.
Ở đây lỗi trước tiên ở những người làm đề, bảo quản đề, làm công tác thi, làm sai quy định bảo mật đề thi. Nếu đây là hành vi cố tình thì hành động này đã vi phạm nghiêm trọng tư cách đạo đức, lương tâm của người làm giáo dục.
Sự việc không đơn giản chỉ là lộ đề mà ở đây đã hủy hoại tương lai học sinh bằng hành vi gian lận. Những học sinh biết vụ việc mà vẫn cố tình sử dụng đề thi, phát tán nội dung đề thi thì đây cũng là hành vi gian lận thi cử, cần có hình thức giáo dục phù hợp để các em hiểu được sự sai trái, hậu quả việc làm.
Nếu sự minh bạch, công bằng không được duy trì từ những kỳ thi nhỏ nhất, nếu để cho gian lận len lỏi từ trong chính mỗi lớp học, đến lúc học sinh coi đó là nghiễm nhiên, bình thường, vậy thì nền giáo dục sẽ đi về đâu?".
Thầy Đinh Đức Hiền chính là thầy giáo có tâm thư gửi Bộ GDĐT đề nghị xác minh làm rõ việc đề thi chính thức môn Sinh tốt nghiệp THPT 2021 có sự trùng lắp với phần hướng dẫn ôn tập của thầy Phan Khắc Nghệ (Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Tĩnh). Thầy Hiền chia sẻ: "Đến nay, điều trăn trở không phải vì vụ án chưa kết thúc, hay hậu quả của nó, mà là làm sao để những sự việc tương tự như vậy không còn xảy ra, làm sao để những người làm giáo dục không thờ ờ trước những cái sai. Mọi quy định của pháp luật sẽ mang tính răn đe nhưng để phòng trừ thì tốt nhất nó phải đến từ lương tâm mỗi nhà giáo".