Chiến thắng của lương tri
Ngày 27 tháng Giêng năm 1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, tạo ra bước ngoặt mới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris, sáng nay 13/1 tại Hà Nội đã diễn ra cuộc gặp gỡ hữu nghị "Hiệp định Paris 1973 – ôn lại quá khứ, hướng tới tương lai" do Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam tổ chức sáng nay với sự tham dự của 26 đại biểu quốc tế từ 15 nước trên thế giới - những người đã trực tiếp hoặc gián tiếp ủng hộ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Đó là những nhân vật rất quen thuộc và gắn bó với Việt Nam suốt nhiều thập kỷ qua. Trong số họ có thể kể đến bà Helen Luc - nguyên Thượng nghị sỹ, nguyên Chủ tịch nhóm nghị sỹ hữu nghị Đảng Cộng sản Pháp tại Thượng viện Pháp, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp – Việt; một trong những người bạn lớn của Việt Nam nói chung và của đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris nói riêng.
Từ Italia là ông Renato Darsie - Đảng viên Đảng Những người Cộng sản Italia, nguyên Chủ tịch Hội hữu nghị Italia – Việt Nam vùng Veneto, một trong những người lãnh đạo phong trào ủng hộ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ nói chung và Hiệp định Paris nói riêng.
Từ Mỹ có ông John McAuliff - nhà hoạt động chính trị - xã hội Mỹ, tích cực tham gia phong trào chống chiến tranh, ủng hộ nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia. Một người Mỹ nữa cũng rất gắn bó với Việt Nam là cựu chiến binh Hải quân Mỹ John Terzano, người đã hai lần chiến đấu ở Việt Nam, người sau này cùng với John Kerry và Bobby Muller là thành viên tích cực của tổ chức "Cựu binh Mỹ phản đối chiến tranh Việt Nam" (Vietnam Veterans agains the War (VVAW), đồng sáng lập tổ chức "Cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam" (VVA-1978) và Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF-năm 1982).
Từ Ấn Độ có ông Rabin Deb thuộc Tổ chức Đoàn kết Nhân dân toàn Ấn Độ, Đảng viên Đảng Cộng sản Ấn Độ, người đã tham gia nhiều hoạt động đoàn kết với Việt Nam… Ngoài ra, còn rất nhiều những người bạn nước ngoài khác đã và đang sát cánh với Việt Nam trong những thời khắc quan trọng của đất nước.
Phát biểu tại cuộc gặp, nhiều đại biểu quốc tế đã nêu bật ý nghĩa của Hiệp định Paris. Việc ký kết Hiệp định đã dẫn tới sự rút quân vô điều kiện của quân đội Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng tiến công Mùa Xuân và thống nhất hoàn toàn đất nước ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Đây được coi là chiến thắng vĩ đại không chỉ của nhân dân Việt Nam mà của cả nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Chiến thắng trong Hiệp định Paris nói riêng cũng như chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa là chiến thắng của nhân dân Việt Nam, cũng là chiến thắng vĩ đại của phong trào giải phóng dân tộc và của tất cả các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới, chiến thắng của "lương tri", của niềm tin vào chính nghĩa.
Tri ân những người bạn của hòa bình và đoàn kết
Một nhân chứng của Hiệp định Paris, bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, người rất được bạn bè quốc tế yêu quý và ngưỡng mộ, đã gửi thông điệp video đến cuộc gặp gỡ hữu nghị. Trong thông điệp, bà dành những lời tri ân và chào đón những người bạn nước ngoài mà bà gọi là "những người bạn của hòa bình và đoàn kết quốc tế".
Thắng lợi của Hiệp định Paris đã dẫn tới thắng lợi chính trị, quân sự, ngoại giao Việt Nam, thắng lợi của nhân dân Thế giới ủng hộ Việt Nam - bà Nguyễn Thị Bình nói. Cuộc chiến đấu anh dũng kiên cường của nhân dân Việt nam được sự ủng hộ rộng rãi to lớn chưa từng có của thế giới, buộc Mỹ đi vào đàm phán ký kết Hiệp định Paris với Việt Nam.
"Tôi nhớ những người bạn Mỹ tự thiêu phản đối chiến tranh. Tôi không bao giờ quên hàng triệu người khắp nơi trên thế giới bất chấp tù đày biểu tình chấm dứt chiến tranh. Sự ủng hộ của các bạn là sức mạnh giúp chúng tôi trên chiến trường và trên bàn hội nghị trong những ngày đấu tranh gay go khốc liệt".
(Bà Nguyễn Thị Bình)
Là một trong 4 người ký tên vào Hiệp định Paris, bà Nguyễn Thị Bình đã gửi lời cảm ơn "những người bạn, những chiến sĩ hòa bình và công lý trên thế giới đã tham gia ủng hộ Việt Nam". Bà mong bạn bè quốc tế duy trì tình cảm đó và tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong giai đoạn mới bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước phát triển".
Nhắc đến tiến trình dẫn tới Hiệp định Paris, ông Phan Anh Sơn, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Liên hiệp Các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam, tri ân công lao của các chiến sĩ, đồng bào, những người đã chiến đấu và hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Ông Phan Anh Sơn nói: "Những chiến công oanh liệt của chiến sĩ, đồng bào ta trong Tết Mậu Thân 1968, 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị, 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không và các chiến dịch khác là điều kiện quan trọng để Mỹ chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán, chấp nhận các "giải pháp" mà ta đưa ra và cuối cùng là chấp nhận ký vào Hiệp định Paris và rút quân khỏi miền Nam Việt Nam".
Trong phát biểu tại hội thảo, ông Sơn cũng nhắc tới sự giúp đỡ của nhân dân thế giới: "Chúng ta luôn khắc ghi trong tim tình đoàn kết quốc tế cao cả, sự ủng hộ chí nghĩa, chí tình của hàng triệu người, không kể màu da, tôn giáo ở các nước có chế độ chính trị-xã hội khác nhau trên khắp năm châu, từ người dân lao động bình thường đến các nhà hoạt động chính trị, nghị sĩ, nghệ sĩ, trí thức, nhà báo,… những người đã cùng nhau hình thành một mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn chưa từng có ủng hộ Việt Nam. Chúng ta ghi nhớ hình ảnh của Norman Morrison và rất nhiều người khác đã tự thiêu, đã tự hy sinh bản thân để phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam; ghi nhớ rất nhiều phong trào nhân dân quốc tế trên toàn thế giới hướng về nhân dân Việt Nam, ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, tự do.
Ông Phan Anh Sơn bày tỏ sự tiếc nuối khi giờ đây, các nhân chứng lịch sử, bạn bè quốc tế, những người đã tham gia ủng hộ Việt Nam đã dần dần đi xa do tuổi cao, sức yếu. Gần đây nhất, chúng ta vừa phải chia tay bà Raymond Dien, người Pháp, người đã từng nằm trên đường ray tàu hỏa để chặn một đoàn tàu chở vũ khí sang Đông Dương; chia tay nhà báo Mỹ Don Luce, người đã đưa ra ánh sáng những tội ác tại "chuồng cọp" Côn Đảo, gây chấn động lương tri loài người, thổi bùng lên ngọn lửa phong trào phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam lan rộng trên chính nước Mỹ và trên toàn thế giới.
Ông Phan Anh Sơn nhấn mạnh: "Những hình ảnh của họ, tình đoàn kết, sự ủng hộ của họ với nhân dân Việt Nam sẽ mãi là ngọn lửa soi sáng con đường chúng ta đi, mãi là tấm gương sáng để thế hệ trẻ của Việt Nam noi theo".