Dân Việt

Làm gì để tránh ngộ độc thực phẩm dịp Tết?

Bạch Dương 20/01/2023 13:17 GMT+7
Nhu cầu mua sắm, sử dụng thực phẩm tăng cao trong dịp Tết, kéo theo đó là nguy cơ ngộ độc thực phẩm nếu người dân chủ quan.
Làm gì để tránh ngộ độc thực phẩm dịp Tết? - Ảnh 1.

Nhu cầu mua sắm tăng cao dịp Tết. Ảnh: P.V

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết sau nhiều năm xuất hiện Covid-19, tình hình sản xuất kinh doanh tiêu dùng "chìm lắng", năm nay dịch được kiểm soát, vì vậy việc sản xuất, tiêu dùng tăng hơn so với các năm vừa qua. Vào dịp Tết, nhu cầu tiêu dùng tăng cao so với ngày thường, đặc biệt các sản phẩm thịt, cá, trứng, sữa, bánh kẹo, mứt...

Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm đã ban hành kế hoạch tuyên truyền pháp luật để người sản xuất kinh doanh nhận thức về trách nhiệm từ khâu đăng ký, đến giám sát nguồn nguyên liệu, sử dụng phụ gia… Đồng thời, phổ biến, tuyên truyền nhận thức của người tiêu dùng trong việc mua, sử dụng thực phẩm đúng hướng dẫn nhà sản xuất, bảo quản thực phẩm đúng cách.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm ngày Tết, PGS.TS Phong khuyến cáo đầu tiên, người tiêu dùng phải chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ.

Thứ 2, người tiêu dùng phải thực hiện việc sử dụng, bảo quản sản phẩm theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Rất nhiều trường hợp còn hạn sử dụng nhưng bảo quản sai dẫn đến sản phẩm hư, hỏng.

Mùa Tết, lễ hội ở miền Bắc thời tiết thường có mưa xuân, ẩm nên mặt hàng có dầu như hướng dương, hạt đậu phộng, hạt dẻ… dễ bị nấm mốc, có độc tố ảnh hưởng sức khỏe.

Trong khi đó, phía Nam vào dịp Tết nhiệt độ cao, thời tiết nóng dẫn đến các sản phẩm giàu đạm như thịt, cá bảo quản không tốt dễ bị thiu, mốc, hỏng…

Đặc biệt, người dân không nên biến tủ lạnh thành kho lưu trữ thực phẩm lâu dài. Hiện nay, thị trường rất đa dạng, phong phú vào ngày mùng 1-2 Tết các cơ sở kinh doanh đã có thực phẩm tươi sống để bán nên không nhất thiết tích trữ thực phẩm.