Trời lạnh thế này mà được ăn những món quê!
Thèm món môn xào. Nhưng nên nhớ phải là môn ngọt.
Ở Huế hầu như chợ nào cũng có bán dưa môn. Mua chừng 5.000 đồng là đã ngất ngây.
Dưa môn - dân dã nhưng dễ gây “thương nhớ”. Ở Huế hầu như chợ nào cũng có bán dưa môn. Mua chừng 5.000 đồng là đã ngất ngây. Ảnh: MC
Tôi đoan chắc rằng, đây là món của người dân quê. Cho nên nó là món của người nghèo! Bẹ môn được cắt ra từng khúc, tước nhỏ rồi muối qua. Mua loại dưa môn lụa còn xanh, chưa ngả màu mà xào với mỡ, rắc thêm tí ớt bột.
Đĩa môn xào còn nóng ăn với cơm nóng thì thuộc vào hàng… ngon bổ rẻ. Nói là nói vậy chứ bổ thì chưa hẳn. Nhưng ngon và lạ miệng thì có. Và biết đâu nó cũng là một chất xơ giúp cho tiêu hóa tốt hơn.
Hôm qua thấy thèm thèm, mà cũng thử nấu là lạ xem nó thế nào, tôi nói với em gái trưa nay nấu canh dưa môn. Tôi ra chợ gần nhà lựa loại dưa chín hơn, đã ngả màu vàng.
Tôm gân giã nhuyễn, thêm tí nước ruốc. Không vội, cứ để cho thị giác khứu giác thưởng thức trước đi, cứ để cho những sợi khói mỏng từ bát bay lên…Và nó mách bảo rằng… đừng có nên kiềm chế.
Ở Huế ít thấy nhưng ở quê tôi, mỗi khi nấu lẩu cá, đặc biệt là cá lóc, có hai loại rau không thể thiếu trong gia vị ấy là rau ngổ đồng và rau môn. Bẹ môn ngọt cắt về, tước lớp lụa bên ngoài. Không cần dùng đến dao mà bẻ ra từng khúc.
Bẹ môn có màu trắng đục. Cứ thế nhúng vào nước lẩu. Rau ngổ đồng cho vị thơm, còn bẹ môn thì hút cái vị thơm ấy và chất ngọt của cá. Cho nên có khi ăn rau môn còn… ngon hơn cá.
Ở Huế có lẽ rau môn được sử dụng nhiều nhất là với món cơm hến. Trước đây có lẽ mỗi khi ai muốn bán cơm hến thì phải tự mình làm rau. Giờ thì đã được chuyên môn hóa. Một số người làm rau để cung cấp cho các quán cơm hến.
Ở Cồn Hến (Vỹ Dạ, Huế) có nhiều gia đình chuyên sản xuất rau môn. Có nhà tập trung đến năm bảy người làm. Về đây mới thấy sức tiêu thụ cơm hến của thành phố này là không ít. Cơm hến cũng là một món quê. Giờ lên ngôi thành đặc sản, đã là một phần của ẩm thực Huế phục vụ khách du lịch rồi!
Thế mới biết, đã là ẩm thực thì chớ nên nói chuyện sang hèn. Ăn là để cho no, cho ngon, cho sang… Nhưng chuyện ăn có khi không đơn thuần chỉ có vậy. Có người ăn là để nhớ về quá khứ.
Có nhiều cách nhiều kiểu nhớ về ngày xưa, cái thời còn quần đùi xà lỏn; cái thời ăn thiếu mặt kém nhưng nhiều vị nó bám riết con người ta đến cả cuộc đời. Tôi có một anh bạn là kiến trúc sư, dạy Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, là người Huế.
Anh kể rằng mỗi lần về quê là cứ nằng nặc ăn cho được món cá nục kho khô, mà cái loại cá chỉ bằng ngón tay cái. Anh thèm cái vị ớt xanh kho. Thèm cả vị ngọt, vị béo của cá nục. Rõ là thèm cái vị hồi xưa của những ngày đông giá rét mà mẹ nấu cho rồi còn gì! Đã khá giả giàu sang, đã bạc tóc rồi mà những hình ảnh hồi xưa mới như ngày hôm qua ...
Tôi ngồi cắt nghĩa vì cớ làm sao mà nhiều người nhớ chuyện hồi xưa đến vậy. Hồi xưa tức là rặt quê, mấy nơi có thị. Những người càng xa quê, nơi chôn rau cắt rốn của mình lại càng nhớ.
Nhưng có mấy ai toại nguyện được về quê !? Nếu không nhớ xưa thì có lẽ không có những khuôn hình, cứ đến tết, là nhiều bà con người Việt, dù ở “bên Tây bên Tàu” thì cũng nấu nồi bánh chưng bánh tét, dưa kiệu củ hành.
Ở Vinh Hiền (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) có cả một cơ sở chuyên làm bánh thuẫn. Mỗi lần tết đến chở cả xe tải bánh vào cung cấp cho thị trường TP. Hồ Chí Minh. Thế mà bảo không nhớ làm sao?
Đó là lý do dù có thừa thãi đến đâu, các loại thứ ăn dân dã vẫn nghiễm nhiên tồn tại. Thử một lần đi chợ, chúng ta sẽ thấy rằng, không thiếu bất kỳ những nguyên liệu nào cho các món ngày xưa. Mà chắc chắn rằng, ấy là những món gắn với người dân quê, gắn với người nghèo.