Rút và đáo hạn thẻ tín dụng với mức phí thấp, rút thẻ tín dụng qua app, rút thẻ tín dụng nhanh chóng – bảo mật,... những lời mời gọi này xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang mạng xã hội trong các dịp cận Tết khi nhu cầu sử dụng tiền mặt của người dân gia tăng.
Không chỉ mời gọi khách hàng qua mạng xã hội như Facebook, zalo,... nhiều khách hàng cho biết, mỗi tuần họ nhận được từ 2 – 3 cuộc gọi từ những cá nhân tự nhận là người của "trung tâm thẻ tín dụng của ngân hàng", đề nghị hỗ trợ rút tiền từ thẻ tín dụng để chi tiêu.
Theo chia sẻ của chị Thanh Thủy (Hà Nội), người tư vấn rút tiền từ thẻ tín dụng sử dụng số điện thoại cá nhân để liên hệ với chị. Điều đáng nói, các thông tin về họ tên và ngân hàng chị Thủy mở thẻ đều được những người tư vấn này nắm rõ và kể lại "vanh vách".
Chị Thủy cho biết, vốn không có thói quen rút tiền từ thẻ tín dụng để chi tiêu, nhưng đôi lúc khó khăn vẫn phải dùng đến lựa chọn này. Ngặt nỗi, nếu rút tiền mặt ngân hàng thường tính phí và lãi suất cao.
"Vì vậy khi thấy lời giới thiệu chi phí hấp dẫn, tôi đã đồng ý. Tuy nhiên, người này đề nghị cung cấp số thẻ và mã bảo mật CVV. Nghi ngờ lừa đảo nên tôi không cung cấp", chị Thủy nói.
Những trường hợp như chị Thủy không hiếm. Vừa qua, trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) cho biết thời gian qua đã ghi nhận nhiều phản ánh liên quan tới việc giả mạo hệ thống các ngân hàng gọi điện khách hàng hỗ trợ rút tiền qua thẻ tín dụng với lãi suất 0%. Mục đích của chúng là lừa đảo, đánh cắp thông tin người dùng nhằm chiếm đoạt tài sản.
Thực tế, hầu hết các website thương mại điện tử hiện nay đều chấp nhận cho khách hàng sử dụng mã CVV/CVC khi thanh toán online thay cho mã pin. Chỉ cần nhập đủ bốn thông tin là số thẻ tín dụng, thời hạn hết hiệu lực của thẻ, họ tên chủ thẻ và mã CVV/CVC là có thể thực hiện giao dịch. Vì vậy nếu để lộ dãy số này, nguy cơ bị mất tiền rất cao.
"Để lộ số CVV/CVC còn là 'cơ hội vàng' để tin tặc tiếp cận và thực hiện chiếm đoạt toàn bộ hạn mức thẻ qua các giao dịch thanh toán trực tuyến hoặc lợi dụng thông tin thẻ vào mục đích bất hợp pháp mà khách hàng không hay biết", trung tâm cho hay.
Riêng đối với với những lời dụ vay vốn với các gói vay hấp dẫn, sau khi tiếp cận được khách hàng có nhu cầu vay vốn, kẻ lừa đảo giả mạo văn bản xác nhận có chữ ký lãnh đạo ngân hàng gửi cho khách hàng được giải ngân khoản vay. Kèm theo đó là yêu cầu khách nộp trước một khoản tiền, phí hoặc yêu cầu khách đóng một khoản tiền để xóa nợ xấu, phí hồ sơ hoàn tất thủ tục. Sau khi nhận được tiền, đối tượng lừa đảo chặn toàn bộ liên lạc với khách hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.
Theo Agribank, quy trình vay vốn, cấp tín dụng tại ngân hàng hiện minh bạch, khách hàng liên hệ trực tiếp ngân hàng để vay vốn. Vì vậy, khách hàng tuyệt đối nâng cao cảnh giác trước bất kỳ lời mời chào vay vốn từ các số điện thoại cá nhân, yêu cầu kết bạn Facebook, Zalo; yêu cầu chuyển trước các khoản tiền phí, đặt cọc…
Ngoài ra, nhà băng này cũng khuyến nghị khách hàng tránh làm cộng tác viên đặt đơn hàng ảo. Công việc yêu cầu đặt mua các đơn hàng ảo nhưng chuyển khoản thanh toán thật, sau đó sẽ được nhận lại tiền gốc cộng hoa hồng từ 10% đến 20%.
Các đơn hàng đầu tiên thường trị giá nhỏ từ 1 đến 2 triệu đồng. Cộng tác viên sau khi chuyển khoản đều được đối tượng báo nhiệm vụ thành công và chuyển trả đầy đủ tiền gốc, cộng thêm hoa hồng như cam kết để lấy lòng tin. Tiếp đó, đối tượng sẽ gửi nhiệm vụ lớn hơn có giá trị lên đến hàng chục triệu đồng, rồi báo lỗi, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ khác, đủ điều kiện mới được hoàn lại tất cả các đơn bị lỗi trước đó.
Ngoài ra, các ngân hàng còn khuyến cáo khách hàng về thủ đoạn lừa đảo giả mạo tin nhắn của khách hàng. Thủ đoạn khá tinh vi mà kẻ gian sử dụng công nghệ chèn tin nhắn giả mạo vào thư mục tin nhắn mang thương hiệu ngân hàng. Kèm theo nội dung tin nhắn là đường link giả mạo để khách hàng đăng nhập nhằm lấy thông tin tài khoản, OTP của khách hàng. Những tin nhắn có đường link yêu cầu khách hàng đăng nhập là giả mạo. Chính vì vậy, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng không đăng nhập vào những đường link có sẵn nhận được, kể cả tin nhắn nằm trong thư mục ngân hàng nhằm tránh mất tiền trong tài khoản.
Mới nhất, TPBank cũng khuyến cáo khách hàng nâng cao cảnh giác khi giao dịch với ngân hàng, đặc biệt là các giao dịch Online (liên quan tới thẻ tín dụng, tài khoản) và bảo vệ thông tin, tài sản cá nhân.
TPBank đặc biệt lưu ý khách hàng không thực hiện các hành vi cấm như mua, bán, thuê, cho thuê, cho mượn, mở hộ tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng hoặc thông tin thẻ, …. tránh tạo điều kiện cho kẻ gian lợi dụng thông tin, tài khoản, thẻ ngân hàng trong các mục đích giao dịch bất hợp pháp.