Dân Việt

Việt Nam tham vọng trở thành "công xưởng nuôi tôm thế giới"

Thiên Hương 30/01/2023 16:12 GMT+7
Thế mạnh về điều kiện tự nhiên vùng nuôi, năng lực chế biến và xuất khẩu tôm của nước ta đã được nhận diện. Thế nhưng, để thật sự trở thành “công xưởng nuôi tôm thế giới”, ngành tôm còn rất nhiều việc phải làm, bởi phía sau những thành tích, con số kỷ lục, còn đó những “mảng tối” tồn tại…

Mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD vào năm 2025 vẫn còn rất xa vời khi kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2022 mới thu về trên 4 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021.

Những nông dân tỷ phú nuôi tôm

Ở ĐBSCL hay một số vùng ven biển từ miền Bắc cho tới miền Trung, sẽ chẳng khó để gặp được những tấm gương làm giàu nhờ con tôm. "Vua tôm", "tỷ phú tôm" hay "siêu lợi nhuận" là những gì mà người nông dân nói đến khi nhắc về con tôm họ đang nuôi.

Về xã Điền Hải, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, người ta dễ dàng bắt gặp những ao tôm áp dụng công nghệ cao của tỷ phú tôm, nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022 Nguyễn Thanh Thủy. 

Trước đây, bà chuyên đi thu mua tôm nhỏ lẻ trên địa bàn, sau thời gian dài phấn đấu, sản xuất bà đã có cơ ngơi hơn 100 ao nuôi tôm, gồm ao công nghệ cao của gia đình và hợp tác với nông dân trong vùng. Mỗi ao rộng từ 1.000 – 1.500m2; ao nuôi đều được lót bạt, có mái che, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất trong nuôi tôm hiện nay.

tat/Ngành tôm và giấc mơ số 1 thế giới - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thanh Thủy, xã Điền Hải, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu luôn theo sát các hoạt động chế biến, sản xuất tại cơ sở. Ảnh: Chúc Ly

Đại diện VASEP cho biết thêm, hiện tôm có tiêu chuẩn ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản) đang có nhu cầu cao ở thị trường EU và có giá cao hơn hàng thường. Đây cũng là mặt hàng mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai trong các năm qua. Vì vậy, doanh nghiệp và người nuôi tôm Việt Nam cần giữ vững tiêu chuẩn này.

Theo bà Thủy, trước đây gia đình bà cũng như hầu hết nông dân trong vùng áp dụng nuôi tôm trong ao đất tự nhiên, tuy nhiên hiệu quả mang lại không cao. 

"Khoảng 5 năm gần đây, tôi phát triển nuôi tôm trong nhà kính công nghệ cao. Giờ nuôi công nghệ cao có con giống, có kỹ sư, có trang thiết bị nên thành công đến 80-90%"- bà Thủy cho hay.

Không chỉ đầu tư nuôi tôm công nghệ cao, bà Thủy còn liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu, đứng ra thu mua thủy sản cho bà con trong vùng. Doanh nghiệp của bà đang thu mua tôm với giá tốt cho khoảng 1.000 ao tôm của bà con, với sản lượng từ 200-400 tấn/tháng. Bên cạnh đó, bà còn tạo việc làm cho khoảng 100 lao động, với mức lương từ 10 - 15 triệu đồng/người/tháng.

Tương tự, nhờ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao mà nhiều nông dân ở xã Phong Hải (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã gặt hái thành công với mô hình nuôi tôm trên cát, thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.

Bắt đầu nuôi tôm từ năm 2007, anh Trương Đình Trung (trú thôn Hải Thành, xã Phong Hải) là một trong những người tiên phong phát triển nuôi tôm ở xã Phong Hải, với 4 hồ tôm trên diện tích hơn 10.000m2. 

"Vụ tôm đầu tiên, tôi thu được gần 2 tỷ đồng tiền lãi. Thời gian từ lúc xử lý môi trường, lắp đặt thiết bị và thả nuôi đến khi thu hoạch tôm trong vòng 6 tháng" - anh Trung kể.

Theo anh Trung, nuôi tôm là "nuôi nước", tức người nuôi phải tạo môi trường nước trong hồ nuôi với các chỉ số sinh hóa tốt nhất, phù hợp với con tôm. Việc này hết sức quan trọng, ảnh hưởng lớn đến năng suất mỗi vụ nuôi.

tat/Ngành tôm và giấc mơ số 1 thế giới - Ảnh 3.

Anh Trương Đình Trung sửa chữa thiết bị quạt nước tại mô hình nuôi tôm trên cát của gia đình. Ảnh: Văn Hòa

Để nuôi tôm hiệu quả cần có sự đầu tư cần thiết về kỹ thuậ̣t và trang thiết bị. Mỗi vụ anh Trung phải bỏ ra số vốn hơn 500 triệu đồng đầu tư thiết bị và con giống.

Theo thông tin từ Bộ NNPTNT, tôm nước lợ đang được nuôi tại 30 tỉnh thành, gồm 2 loài: Tôm sú (loài bản địa) và tôm thẻ chân trắng. Tôm sú bắt đầu được sản xuất giống nhân tạo và nuôi tại Việt Nam từ những năm đầu của thập kỷ 80 (thế kỷ XX). Từ năm 1998, tôm chân trắng bắt đầu được du nhập Việt Nam với hình thức nuôi công nghiệp.

Sau hành trình gần 40 năm phát triển, đến nay diện tích nuôi tôm đã đạt trên 720.000ha, sản lượng đạt gần 690.000 tấn, trở thành sản phẩm hàng hóa lớn ở nước ta. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt hơn 4 tỷ USD, xuất khẩu đi 90 nước trên thế giới. 

Trong đó, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành tôm như: Tập đoàn Minh Phú, Tập đoàn Việt Úc, Công ty CP Trung Sơn, Công ty Đắc Lộc,... đã đưa con tôm Việt vào được những thị trường cực kỳ khó tính là Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Mỹ,... hay các nước châu Âu.

Đi kèm với nó là những vùng nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính, nuôi tôm sinh thái, tôm siêu sạch,... rồi những khu nhà máy chế biến hiện đại bậc nhất thế giới. Theo đó, Việt Nam đã có nhãn hiệu tôm sú sinh thái Việt Nam được thế giới ưa thích và nhu cầu rất lớn trong khi khả năng cung cấp của ta còn hạn chế.

Việc tôm Việt Nam đạt các chứng chỉ chứng nhận quốc tế như GlobalGAP, ASC, BAP,... và VietGAP đã minh chứng cho các nhà nhập khẩu, người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm tôm của nước ta, được khách hàng đánh giá cao với một ngành sản xuất có trách nhiệm.

Nỗi ám ảnh dịch bệnh, lạm dụng kháng sinh

"Nghề nuôi tôm sợ nhất trời lạnh quá, mà nóng quá lại càng sợ. Thời tiết nắng nóng ảnh hưởng rất lớn tới quá trình sinh trưởng của tôm. Nhiệt độ cao làm bùng phát các vi khuẩn cơ hội, gây tổn thương một số bộ phận của tôm như mang, gan, tủy, chân... Khi thời tiết lạnh thì tôm hay lột, bỏ ăn, ăn chậm khiến tôm chậm lớn, dễ thua lỗ. Với tôm thì thời tiết ấm áp, mức nhiệt vào khoảng 24 - 28 độ là thích hợp nhất" - anh Trung kể với PV.

Nỗi ám ảnh lớn nhất của người nuôi tôm là dịch bệnh. Mỗi năm, mỗi vụ tôm sẽ có những loại bệnh khác nhau mà người nuôi không thể lường trước được. Bệnh có thể xuất hiện do virus hoặc do thời tiết cực đoan. Theo anh Trung, sự bùng phát dịch bệnh do thời tiết cực đoan thường mang tính khu vực, vùng nuôi nên rất khó khắc chế.

Bắt đầu nuôi tôm từ năm 2010 đến nay, ông Võ Như Kháng (thôn Hải Thế, xã Phong Hải) là một trong những người nuôi tôm hiệu quả có tiếng ở vùng cát trắng Phong Điền. "Nếu thời tiết thuận lợi, mỗi năm có thể nuôi được 3 vụ, lợi nhuận từ 1,9 – 2 tỷ đồng. Nhưng nếu gặp thời tiết thất thường hoặc dịch bệnh thì chỉ có thể nuôi từ 1 - 2 vụ không cẩn thận còn lỗ" - ông Kháng chia sẻ.

Ông Kháng cho biết thêm, sai lầm mà ông thấy nhiều người nuôi tôm mắc phải đó là việc cho tôm ăn. Theo ông, có những giai đoạn tôm ăn được rất ít và có giai đoạn tôm ăn nhưng không lớn, vì vậy cần phải tính kỹ lượng thức ăn dùng mỗi giai đoạn cho tôm. Theo cách cho tôm ăn của ông Kháng, với hồ nuôi 1 triệu con tôm thì lượng thức ăn cần bỏ ra là 3 tấn. Giai đoạn tôm ít sinh trưởng mỗi lần ăn chỉ cần thả khoảng 25-30kg thức ăn.

Các chuyên gia thủy sản cũng chỉ rõ, hiện nhiều người nuôi vẫn còn lạm dụng kháng sinh trong phòng trị bệnh cho tôm. Điều này khiến con tôm chậm lớn, hệ vi khuẩn đường ruột kém, làm tăng hệ số thức ăn, khiến giá thành nuôi tôm tăng lên. Lạm dụng kháng sinh cũng là lý do thương lái thường ép giá tôm, nhất là tôm nhiễm kháng sinh sẽ không thểxuất khẩu, khiến giá trị tôm đầu ra giảm, thu nhập giảm đi…