Bạc Liêu: Phấn đấu đến năm 2025 xuất khẩu tôm đạt 1,3 tỷ USD

Chúc Ly Thứ năm, ngày 19/05/2022 06:00 AM (GMT+7)
Tỉnh Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2025 xuất khẩu tôm đạt 1,3 tỷ USD, nâng cao giá trị sản phẩm tôm của tỉnh.
Bình luận 0

Chiều 18/5, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước (gọi chung Đề án).

Sau khi có chủ chương của Thủ tướng Chính phủ quy hoạch Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu và định hướng xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, ngày 28/7/2020, UBND tỉnh Bạc Liêu phê duyệt Đề án tại quyết định số 214/QĐ-UBND.

Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, sau 2 năm thực hiện Đề án, toàn tỉnh có 349 cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống, công suất từ 32- 35 tỷ post/năm; sản lượng nuôi trồng trên 295.800 tấn.

Bạc Liêu đang đẩy mạnh phát triển nuôi tôm với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững như: Nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, tôm - rừng, tôm - lúa. Riêng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao đã có sự phát triển nhanh so với năm 2019.

Bạc Liêu: Phấn đấu đến năm 2025 xuất khẩu tôm đạt 1,3 tỷ USD - Ảnh 2.

Ông Lữ Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu phát biểu tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Ảnh: TT.

"Hiện nay, đã đầu tư xây dựng hoàn thành giai đoạn 1 và thực hiện xong các hồ sơ, thủ tục triển khai giai đoạn 2 Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Tính đến nay tuyển chọn được 9 doanh nghiệp đầu tư vào khu. Năm 2021, sản phẩm thủy sản xuất khẩu 73.290 tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 776 triệu USD", ông Ly thông tin.

Thời gian gần đây, tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư trong lĩnh vực nuôi trồng, sản xuất giống, chế biến thủy sản…

Dù vậy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc triển khai đề án còn chậm; nhu cầu vốn đầu tư cho đề án tương đối lớn, trong khi nguồn lực đầu tư của tỉnh có giới hạn. Tiến độ đầu tư hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm, chính sách đầu tư tín dụng phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn khó khăn, nhất là nguồn vốn tín dụng đầu tư cho nông dân.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nuôi trồng thủy sản còn thiếu và chưa đồng bộ. Nguy cơ ô nhiễm môi trường vùng nuôi thủy sản là rất cao. Một số cơ chế, chính sách do thiếu kinh phí và thủ tục thực hiện còn bất cập.

Tại hội nghị, các đại biểu và doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu đề nghị cần mở rộng thêm nhà máy, nâng cao công suất, hệ thống kho lạnh các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu. Bởi sản lượng tôm Bạc Liêu cao nhưng kim ngạch xuất khẩu còn thấp so với các tỉnh lân cận.

Bạc Liêu: Phấn đấu đến năm 2025 xuất khẩu tôm đạt 1,3 tỷ USD - Ảnh 3.

Nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kính ở Bạc Liêu. Ảnh: Chúc Ly.

Về giải pháp thực hiện đề án đến năm 2025, ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu cho biết, tập trung đẩy mạnh phát triển nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh ứng dụng công nghệ cao để gia tăng sản lượng và chất lượng. Ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến sản phẩm ăn liền để năng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2025 xuất khẩu tôm 1,3 tỷ USD…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Lữ Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết, thời gian còn lại của đề án không còn nhiều. Vì vậy, tỉnh cần tập trung giải quyết các vướng mắc.

"Ngành điện phải đảm bảo phục vụ cho người nuôi tôm. Ngân hàng có cơ chế, chính sách để người nuôi tôm dễ tiếp cận vốn hơn; tăng sản lượng, chất lượng và giá. Đặc biệt, chú ý đảm bảo nguồn nước, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi tôm. Trong quy hoạch tới cần có khu, cụm công nghiệp dành cho các nhà máy chế biến thủy sản", Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu nhấn mạnh.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem