Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, những năm qua, người dân xã Yên Kỳ đã chủ động áp dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất, thay thế diện tích chè đã già cỗi bằng những giống chè cho năng suất cao như LDP1, LDP2…
Trong quá trình canh tác, ngành nông nghiệp xã luôn chủ động hỗ trợ các hộ sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo thống kê, toàn xã Yên Kỳ (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) hiện có trên 800 hộ dân trồng chè với tổng diện tích hơn 600ha, năng suất bình quân đạt 10 tấn/ha. Cây chè trở thành cây trồng mũi nhọn trong xóa đói, giảm nghèo, giúp người dân Yên Kỳ có thu nhập ổn định, nhiều hộ dân vươn lên khá giả.
Sở hữu gần 1ha chè LDP1, chi Lê Thị Mỹ - thành viên Tổ hợp tác chè hữu cơ xã Yên Kỳ (huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ) cho hay, để tạo ra sản phẩm sạch, việc sử dụng phân bón, các loại phân vô cơ (đạm, lân, kali…) được tính toán chuẩn về lượng và chỉ sử dụng vào thời điểm đầu sinh trưởng của vườn cây.
Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất sạch, thân thiện môi trường, năng suất, chất lượng sản phẩm chè búp tươi và chè sau chế biến của Tổ hợp tác chè xã Yên Kỳ nói riêng và trên toàn địa bàn xã nói chung đều tăng mạnh, thị trường ổn định, giá trị kinh tế bình quân đạt 150 - 200 triệu đồng/ha/năm.
Giống như ở Yên Kỳ, cây chè cũng đang là cây trồng mũi nhọn trong xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân ở xã Phú Đô (Phú Lương, Thái Nguyên). Hiện hầu như gia đình nào cũng cố gắng cải tạo đất và sở hữu ít nhất 2 - 3 sào đất trồng chè hữu cơ, VietGAP.
HTX là "đầu kéo" sản xuất
Xóm Phú Nam 1 là một trong những vùng trồng chè lớn nhất ở xã Phú Đô hiện tại. 5 năm qua, Phú Nam 1 đã được đầu tư 14 tỷ đồng phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng diện tích trồng chè, xây dựng giàn phun nước tưới, hệ thống cân, máy hút chân không...
Chị Nguyễn Thị Hoàng - Giám đốc HTX, cho hay bên cạnh việc tăng diện tích trồng chè mới, HTX luôn tập trung vận động và hướng dẫn các thành viên, hộ liên kết lựa chọn giống chè chất lượng cao, mở rộng diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, từng bước sản xuất chè theo chuẩn hữu cơ, GlobalGAP.
Đặc biệt, xã còn thành lập HTX Nông nghiệp - Thương Mại - Dịch vụ Saemaul Phú Nam 1 nhằm liên kết, nâng cao năng lực sản xuất cho các hộ trồng chè, hình thành liên kết với các doanh nghiệp, đối tác tiêu thụ, hướng tới hình thành chuỗi giá trị gia tăng, nâng tầm thương hiệu sản phẩm.
Theo lãnh đạo UBND xã Phú Đô, cây chè đã và đang giúp 95% số hộ dân trong xã ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận việc sản xuất chè của người dân vẫn còn manh mún, việc ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất, chế biến chè chưa thật nhiều. Trong giai đoạn tiếp theo, xã sẽ tiếp tục nâng cao vai trò của HTX, chủ động tuyên truyền, tập huấn cho người dân nâng cao kỹ thuật trồng và chế biến chè theo hướng an toàn sinh thái.
Một điển hình khác cũng đang làm giàu với cây chè là HTX chè Phìn Hồ (xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang). HTX Phìn Hồ hiện có 46 thành viên đều là dân tộc Dao đỏ. Để bảo đảm quy trình chế biến, đáp ứng các đơn hàng lớn, HTX đã liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè shan tuyết với 1.000 hộ dân. Đến nay, HTX có vùng nguyên liệu đạt trên 500ha và được công nhận tiêu chuẩn Hữu cơ (organic), trong đó trên 160ha đạt tiêu chuẩn organic của châu Âu.
Để nâng cao giá trị và thích ứng với nhu cầu thị trường, HTX Phìn Hồ đã bước đầu phát triển mô hình "Cây chè shan tuyết nhà tôi". Với mô hình này, người mua và HTX sẽ thống nhất thời gian và giá bán cây chè trong một hoặc nhiều năm.
Sau đó, HTX và người dân sẽ chăm sóc, thu hái sản phẩm từ cây chè theo tiêu chuẩn tốt nhất rồi chế biến, đóng gói sản phẩm mang thương hiệu riêng, trước khi chuyển gửi trả người mua sử dụng hoặc làm quà biếu. Tất cả các gốc chè được mua đều đánh dấu trên Google Maps nên sản phẩm luôn truy xuất được nguồn gốc một cách dễ dàng.