Cùng với sắc thắm của hoa đào, sắc vàng của hoa cúc, hoa mai… thì sắc đỏ rực rỡ của những bao lì xì cũng là một niềm vui của ngày Tết. Lì xì hay mừng tuổi đầu năm là một phong tục đã có từ lâu đời tại Việt Nam và nhiều nước châu Á. Tiền lì xì thường được để trong một phong bao đỏ hoặc màu sắc tươi tắn. Ngoài việc thể hiện sự trang trọng và đẹp mắt thì cũng hàm ý sự tinh tế, kín đáo, tránh so bì ít nhiều, thiệt hơn.
Chính vì vậy, giá trị vật chất không phải là thứ mà lì xì hướng tới, mà là giá trị tinh thần, thay cho lời chúc về sức khoẻ, may mắn, bình an và những điều tốt đẹp nhất trong năm mới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, phong tục này đã phần nào bị biến tướng, gây ra những câu chuyện dở khóc dở cười như chúng ta thỉnh thoảng vẫn bắt gặp.
Chị Nguyễn Thu Hà, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội vẫn chưa quên "sự cố" mình gặp phải: "Mình vừa lì xì cho khoảng gần 10 đứa trẻ của nhóm gia đình đến nhà chơi thì lập tức các bé bóc ngay tại chỗ rồi chê tiền ít. Có bé vứt ngay lì xì ra bàn, có bé bảo mẹ :"Có 20.000 đồng à. Tiền lẻ con không lấy đâu"... Mình chỉ biết cười trừ".
Đó cũng không phải là câu chuyện hiếm gặp của mọi người trong dịp Tết. Một bà mẹ đơn thân có con nhỏ thở dài chia sẻ vì từng bị cháu bĩu môi: "Sao năm nào cũng lì xì có bao nhiêu đây vậy?" khi mừng 50.000 đồng. "Dù số tiền không nhiều nhưng đông con cháu thì loáng qua một ngày tôi đã mất 2-3 triệu đồng rồi", chị nói.
Anh Trần Văn Tuấn kể lại vào đúng mùng 1 Tết năm ngoái, anh lì xì cho mấy em và cháu trong nhà 10.000 đồng thì... họ không thèm lấy, kèm theo câu hỏi: "Sao anh không lì xì cho em 50.000-100.000 đồng. Anh ki bo, kẹt xỉ thế". Anh Tuấn quát cho mấy bé khóc ré lên thì bố mẹ quay sang bảo: "Chúng nó biết gì đâu".
Trao đổi với PV báo Dân Việt, chuyên gia Giáo dục Tống Liên Anh chia sẻ: "Nói về chuyện lì xì thì ngay Tết năm trước, cô em họ tôi than thở: "Vợ chồng em vừa mừng tuổi mỗi cháu một tờ 50.000 đồng, thì cậu em liền rút từ ví ra phát cho mỗi cháu một tờ 500.000 đồng. Cậu bảo, Tết này cậu làm ăn được nên "thưởng nóng" cho các cháu. Thế là các cháu bắt đầu xì xào so sánh ít nhiều, rồi họ hàng thì xúm vào xuýt xoa khen cậu "sộp" và hào phóng. Em biết cậu cũng vô ý thôi nhưng tự dưng em thấy ngại và mất mặt quá, đâm ra buổi gặp mặt đầu xuân mất cả vui". Một cô em khác thì tâm sự: "Em mới đi làm, cứ băn khoăn không biết Tết này mừng tuổi con sếp bao nhiêu là phải phép".
Những câu chuyện như trên chắc không phải là hãn hữu. Nhiều lúc vô tình, đôi khi cố ý, người mừng tuổi bị đặt vào "thế khó" và rất bối rối khó xử khi giá trị tiền lì xì được mang xem như một thước đo về sự thành đạt, phóng khoáng hay mức độ quan tâm, tình cảm đối với người được nhận.
Đối với nhiều gia đình không có điều kiện, lì xì thậm chí trở thành gánh nặng và nỗi ám ảnh ngày Tết vì mừng ít thì sợ bị đánh giá keo kiệt, mang tiếng là không rộng rãi. Còn mừng nhiều thì lại vượt quá khả tài chính của gia đình. Nếu lì xì trở thành một dịp để thể hiện bản thân hoặc "trả nợ" lẫn nhau hay vì bất cứ một tính toán nào khác thì nó đã đánh mất đi hoàn toàn ý nghĩa cao đẹp ban đầu vốn có".
Theo chuyên gia Tống Liên Anh, trẻ con như tờ giấy trắng, rất ngây thơ và trong sáng. Cách ứng xử của trẻ con phản ánh cách giáo dục hoặc hành xử của người lớn. Từ khi con còn rất nhỏ, bố mẹ nên dạy trẻ rằng lì xì là tượng trưng cho lời chúc may mắn đầu năm, ít hay nhiều đều chứa đựng giá trị tinh thần như nhau và đều phải được trân trọng. Cha mẹ nên dạy con nói lời cảm ơn và không mở tiền lì xì trước mặt người tặng cũng như vứt bao lì xì bừa bãi.
Bản thân chị Liên Anh cũng đôi lần gặp tình huống khá khó xử đầu năm. Có lần về thăm quê, chị chuẩn bị phong bao lì xì cho 3 đứa cháu họ, nhưng đúng lúc đang phát lì xì thì không hiểu ở đâu lại có một đoàn 4 cháu hàng xóm kéo sang. Thế là chị đành đưa đại diện cho 1 cháu lớn nhất và giao nhiệm vụ: "Đây là lì xì chung, sau Tết các con cùng nhau đi mua bim bim và chia nhau nhé". Một lần khác đi chúc Tết gia đình nhà bác, không hiểu thế nào mà chị lại cầm nhầm theo một tập lì xì không có ruột bên trong, may mà chị lại cẩn thận kiểm tra lại trước khi mừng tuổi.
"Các cụ có câu "Của cho không bằng cách cho", trẻ cũng sẽ nhìn cách bố mẹ lì xì cho mình, cho ông bà và các anh chị em trong gia đình, họ hàng để học và làm theo. Việc người lớn tặng phong bao lì xì cho trẻ với một thái độ ân cần kèm theo những lời chúc tốt đẹp, giàu tình cảm là một cách để trẻ hiểu và trân trọng món quà tinh thần mà mình được nhận. Vậy làm sao để lì xì giữ đúng được ý nghĩa tốt đẹp trọn vẹn của nó và mang lại niềm vui ngày đầu xuân cho cả người tặng và người nhận?
Những năm gần đây, tôi đã thay lì xì tiền cho cháu chắt trong nhà và con của bạn bè thân thiết thành lì xì bằng sách. Lì xì sách thì mất công sức, thời gian hơn nhiều, vì phải hiểu "gu sách" của từng cháu, đôi khi phải trực tiếp hỏi xem cháu có thích cuốn nào mà chưa kịp mua không… rồi đi mua, ghi lời chúc và bọc nơ thật đẹp. Tuy vậy, tôi rất yêu thích hoạt động này và đặc biệt là khi có cháu reo lên vui thích và "mở lì xì" ra đọc ngấu nghiến ngay khi được tặng.
Theo tôi không có mức lì xì nào được cho là hợp lý chung cho tất cả mọi người. Lì xì cần tuỳ vào điều kiện tài chính, đối tượng nhận cũng như mối quan hệ thân sơ của người tặng và người nhận… nhưng tiêu chí chung là giá trị tiền lì xì chỉ nên nhẹ nhàng, mang ý nghĩa tượng trưng là chính.
Dù là lì xì theo hình thức nào, nó cũng không nên là gánh nặng hay gây ra sự bối rối cho người tặng, mà nên là một dịp để người tặng và người nhận thể hiện tình cảm và trao gửi nhau những mong ước, lời chúc tốt lành nhất cho một năm mới hạnh phúc và bình an", chuyên gia Liên Anh chia sẻ.