Nhân lực ngành khoa học cơ bản: Bất cập từ nhiều phía

Thứ tư, ngày 18/01/2023 10:07 AM (GMT+7)
Vào mùa tuyển sinh, những ngành khoa học cơ bản luôn là băn khoăn của nhiều cơ sở giáo dục đại học cũng như của không ít SV khi lựa chọn...
Bình luận 0
Nhân lực ngành khoa học cơ bản: Bất cập từ nhiều phía - Ảnh 1.

Cần nâng cao vị trí của các môn khoa học cơ bản. Ảnh: Lan Anh

Mặc dù nhận được nhiều hỗ trợ, ưu đãi nhưng các ngành khoa học cơ bản vẫn gặp thách thức trong thu hút thí sinh. Tỷ lệ đăng ký thấp kéo theo thiếu hụt nhân lực chất lượng cao và đội ngũ giảng dạy kế cận.

Khó học, công việc mơ hồ

Nguyễn Thành Đạt - sinh viên năm nhất, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - cho biết: Những năm trước, em rất thích theo học ngành khoa học cơ bản như Toán, Vật lý tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội). Tuy nhiên sau khi tham khảo ý kiến của bạn bè, gia đình, em đã quyết định chuyển ngành học vì sau khi ra trường sẽ tìm kiếm được nhiều cơ hội việc làm hơn.

Nhìn vào kết quả mùa tuyển sinh năm 2022, có thể nhận thấy các ngành Báo chí, Truyền thông đa phương tiện, Quan hệ công chúng... vẫn là những ngành “hot”, có sức hút với đông đảo thí sinh khi điểm chuẩn gần “chạm trần”. Ngành sư phạm khởi sắc khi các trường đều có điểm chuẩn ở mức cao hoặc tăng so với năm 2021, trong khi đó, điểm chuẩn ngành y dược giảm sâu.

Đặc biệt, nhóm ngành khoa học cơ bản vẫn nằm trong tốp ngành có điểm chuẩn thấp nhất. Nhiều ngành liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp, nông nghiệp, quy hoạch, xây dựng, môi trường... có điểm chuẩn “chạm sàn”, chỉ khoảng 15 điểm/3 môn (tính cả điểm ưu tiên) nhưng vẫn không có người học.

Theo nhận định của GS.TS Nguyễn Văn Kim - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, các ngành có tính ứng dụng cao luôn thu hút nhiều thí sinh giỏi và chính điều này làm giảm sút nguồn thí sinh chất lượng cao vào các ngành khoa học cơ bản.

Ngoài ra, vị trí việc làm của sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học cơ bản chủ yếu trong cơ quan hành chính, sự nghiệp, cơ sở nghiên cứu của khu vực công nên thu nhập không cao, lộ trình nghề nghiệp tương đối dài, cần nhiều thời gian để thăng tiến và tăng thu nhập. Sự thiếu hụt thông tin trong xã hội, danh mục tuyển dụng của các cơ quan cũng tác động tới cơ hội việc làm của sinh viên.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến việc các ngành khoa học cơ bản kém hấp dẫn so với các ngành học khác, PGS.TS Nguyễn Đức Khoát, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, cho rằng, bên cạnh việc lựa chọn nghề nghiệp của thí sinh ngày càng thực tế, nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng này do nhận thức của xã hội chưa đúng so với tầm quan trọng của khối ngành khoa học cơ bản.

Chia sẻ quan điểm, TS Trần Khắc Thạc - Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Thủy lợi - đồng thời cho hay: Mặc dù, nhà trường có nhiều chính sách trao học bổng và cam kết về đầu ra, nhưng vẫn không thu hút được người học. Điều đáng buồn là thị trường rất “khát” nhân lực nhưng nhà trường không đủ khả năng đáp ứng.

Các chính sách về lương hay vị trí việc làm chưa hấp dẫn, khiến tính cạnh tranh trong thị trường lao động không cao. Thêm vào đó, đặc thù của những ngành này đòi hỏi sinh viên sau khi ra trường cần tiếp tục học lên cao hơn để khẳng định vị trí trong nghiên cứu chuyên sâu. Trong khi đó, cùng quãng thời gian ấy, sinh viên các ngành học khác ra trường đã có thể tham gia ngay vào thị trường lao động.

Phần lớn người học chưa thực sự mặn mà với các ngành nghề khoa học cơ bản là do chạy theo hiệu ứng “đám đông”, lựa chọn những ngành “hot”. Tiếp đến, nhận thức của xã hội chưa đúng so với tầm quan trọng của những khối ngành này.

Ông Trần Phương - Trưởng phòng Nghiên cứu và dự báo, Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực (Bộ GD&ĐT) - cho biết: Theo thống kê của Trung tâm, trong những mùa tuyển sinh vừa qua, nhiều ngành khoa học cơ bản có tỷ lệ nhập học thấp như: Khoa học tự nhiên, Nông lâm nghiệp và thủy sản, Dịch vụ xã hội, Khoa học và sự sống, Môi trường và bảo vệ môi trường.

Nhiều ngành “hot” không phải là thế mạnh của một số trường lại có mức điểm chuẩn cao, trong khi các ngành đặc thù chỉ 5, 6 điểm/môn đã đỗ đại học. Nguyên nhân do thí sinh không mặn mà với các ngành học khoa học cơ bản vì khó định hình công việc sau này. Cùng với đó, các em cũng e dè vì những ngành học này đòi hỏi phải có năng lực học tập tốt.

Khoảng trống nhân lực được báo trước

Tại Trường Đại học Giao thông Vận tải, kỳ tuyển sinh đại học năm 2022, các ngành đào tạo truyền thống vẫn èo uột. Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Chương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải, điều này khiến nhân lực phục vụ lĩnh vực liên quan đến cơ khí, xây dựng công trình, điện tử và quản lý trong lĩnh vực đường sắt đều thiếu. Giá thành và chi phí công trình vì thế bị đẩy lên cao, thậm chí nhiều công trình dở dang do quản lý kém.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải nhận định, một đất nước muốn phát triển thì hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông vận tải vô cùng quan trọng, đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, cần có giải pháp cho sự thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

Tương tự, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM, nhận định, nhiều ngành khoa học cơ bản từ năm 2017 đến nay không năm nào tuyển đủ chỉ tiêu dù điểm chuẩn thấp.

Tuyển sinh không đủ chỉ tiêu nên nhiều ngành khoa học cơ bản, nhất là khối khoa học xã hội đối mặt với tình trạng thiếu hụt giảng viên. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế của khối ngành khoa học xã hội tại cơ sở giáo dục đại học.

Còn GS.TS Lê Thanh Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐGQG Hà Nội - nhìn nhận, tại bất cứ quốc gia nào, các ngành khoa học cơ bản cũng là nền tảng cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Trong chiến lược dài hạn của nhiều quốc gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản. Điều này góp phần trang bị, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động. Do đó, khi các ngành khoa học cơ bản khó tuyển sinh sẽ kéo theo thiếu hụt nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu xã hội và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Nhắc lại nhận định tại Hội thảo cấp quốc gia “Khoa học cơ bản: Vai trò và định hướng phát triển trong đào tạo và nghiên cứu khoa học” được ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TPHCM tổ chức vào tháng 12/2022, GS.TS Lê Thanh Sơn cho hay: “Hàn lâm là nền tảng, hiện đại là xu hướng”. Tuy nhiên, đào tạo ngành khoa học cơ bản là không dễ dàng. “Quá trình đào tạo các ngành khoa học cơ bản mất nhiều thời gian và công sức. Lĩnh vực này cũng yêu cầu sinh viên phải có niềm đam mê để phát huy tốt năng lực, sức sáng tạo”, GS.TS Lê Thanh Sơn bày tỏ.

Lan Tú (giaoducthoidai.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem