Dân Việt

Nhiều trường vẫn dành phần lớn chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp

T.L 18/01/2023 11:43 GMT+7
Bên cạnh những trường đại học giảm chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 thì vẫn có nhiều trường dành đa phần chỉ tiêu cho phương thức này.

Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM dự kiến dành 50% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, tương tự năm 2022.

TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Công nghiệp TP.HCM cho biết, năm 2023, trường dự kiến tuyển hơn 8.000 sinh viên cho 45 ngành và nhóm ngành. 4 phương thức tuyển sinh là xét tuyển học bạ THPT, xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023, xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2023, xét tuyển thẳng theo uy chế tuyển sinh của Bộ GDĐT.

Nhiều trường vẫn dành phần lớn chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp - Ảnh 1.

Đến nay, các trường đại học chưa công bố đề án tuyển sinh chính thức do chờ quy chế tuyển sinh 2023. Tuy nhiên, nhiều trường đại học đã thông tin về các phương thức xét tuyển dự kiến, số chỉ tiêu... Ảnh minh họa: T.N

Trong đó, 50% chỉ tiêu nhà trường dự kiến dành cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp 2023. Chia sẻ với báo chí, TS Nguyễn Trung Nhân cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT có cơ sở tham chiếu tốt do được tổ chức trên quy mô cả nước. Trường tạo điều kiện cho các thí sinh vùng sâu, khó khăn - nhóm khó tiếp cận các phương thức thi riêng, xét tuyển chứng chỉ quốc tế…

Năm 2023, Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến tuyển 7.500 chỉ tiêu đại học chính quy cho 50 ngành/chương trình đào tạo. Về các phương thức tuyển sinh, Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết sẽ giữ ổn định 6 phương thức là xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GDĐT, xét tuyển thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố, thí sinh có chứng chỉ quốc tế (chỉ tiêu dự kiến 5%), xét kết quả thi tốt nghiệp THPT (chỉ tiêu dự kiến 65%), xét kết quả học tập ở bậc học THPT (chỉ tiêu dự kiến 15%), xét kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức (chỉ tiêu dự kiến 5%), và xét kết quả thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức (chỉ tiêu dự kiến 10%).

Đại học Y tế công cộng xét tuyển 805 chỉ tiêu theo 4 phương thức năm 2023 gồm: Xét tuyển thẳng (tất cả các ngành), xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023 (tất cả các ngành), xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT (tất cả các ngành) và xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2023 (ngành Khoa học dữ liệu). Hiện tại, trường chưa công bố số chỉ tiêu chi tiết cho từng phương thức tuy nhiên, năm 2022, cũng với 4 phương thức này thi chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhất.

Năm 2023, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định tuyển sinh 16 ngành đào tạo, áp dụng 3 phương thức xét tuyển: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, dự kiến với 50%, xét học bạ (40%) và xét điểm thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội (10%).

Theo số liệu thống kê của Bộ GDĐT, năm 2022 có 18 phương thức tuyển sinh đại học, trong đó có 2 phương thức chiếm tỉ lên cao nhập học/chỉ tiêu và tỉ lệ nhập học theo các phương thức. Đó là phương thức thi tốt nghiệp và xét kết quả học tập cấp THPT (học bạ).

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TP.HCM cho hay, xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT là phương thức chủ yếu được đa số các trường sử dụng và tỉ lệ nhập học bằng phương thức này cũng cao nhất. Điều đó chứng tỏ rằng kết quả của kỳ thi này rất quan trọng và có độ tin cậy cao, phổ thông hơn các phương thức khác.

Theo chỉ đạo của Bộ GDĐT, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cơ sở giáo dục đại học trong năm 2023 là khẩn trương hoàn thiện đề án tuyển sinh, trong đó lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi nhiều nhất cho thí sinh. Các cơ sở giáo dục đại học cũng cần xây dựng và sớm công bố định hướng công tác tuyển sinh cho năm 2023 và cho năm 2025 trở đi - khi có thí sinh tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Năm 2023, Bộ yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học rà soát các điều kiện bảo đảm chất lượng của ngành và chương trình đào tạo; tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư; phát triển các chương trình, dự án hợp tác có chất lượng với đối tác nước ngoài, rà soát các chương trình liên kết đào tạo...