Clip: Làng rèn hơn 100 tuổi ở Hà Tĩnh "đỏ lửa" ngày đêm cung ứng thị trường Tết Nguyên đán 2023.
Hiện nay, hơn 100 hộ dân và 6 cơ sở làm nghề rèn tại phường Trung Lương, TX Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh vẫn đang "đỏ lửa" ngày đêm tất bật tạo ra những con dao, dụng cụ bếp chất lượng để phục vụ thị trường Tết.
Đến với làng rèn Trung Lương thời điểm này, những tiếng nện sắt, tiếng búa đập choang choang được xem là bình thường khi các hộ dân tại đây đang " chạy đua với thời gian" để nhanh chóng sản xuất, cho ra thị trường những sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày tết của bà con.
Đang "luôn tay, luôn chân" làm dao để kịp đưa đến tay khách hàng, ông Nguyễn Quỳnh Vinh (51 tuổi), cho biết: "Công việc làm dao thủ công rất vất vã, chúng tôi phải dậy từ lúc sáng sớm làm đến khi trời tắt nắng mới xong việc. Nhiều công đoạn phải dùng sức, làm việc trong môi trường nóng bức nên rất ít người làm.
Ngoài thời gian đồng áng, công việc này đã giúp gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập khá. Những ngày cận Tết, đơn hàng nhiều nên tôi tranh thủ làm để kiếm thêm tiền, chi tiêu các khoản mua sắm Tết".
Theo các cụ cao niên tại phường Trung Lương cho biết, làng rèn đã có mặt tại đây khoảng hơn 100 năm, đây được xem như nghề truyền thống của bà con trong làng. Nghề rèn đã giúp nhiều gia đình có nguồn thu nhập khá, đủ trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học đầy đủ.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều sản phẩm công nghiệp có mẫu mã đẹp, giá thành rẻ nên làng nghề rất khó cạnh tranh. Thế hệ trẻ không còn mặn mà với nghề truyền thống. Tuy nhiên, nhiều gia đình trong làng vẫn còn giữ được "lửa nghề", miệt mài phục vụ nhu cầu của bà con vào những dịp tết đến xuân về.
Dù đã trải qua nhiều thăng trầm trong nghề, ông Trương Hữu Bình (54 tuổi) vẫn quyết tâm "đỏ lửa" giữ gìn nghề truyền thống của cha ông.
Ông Trương Hữu Bình, tâm sự: "Mỗi ngày hai ông bà làm được khoảng 16 con dao, thu nhập nói chung hai ông bà được khoảng ba trăm bạc. Giờ nói cho cùng nghề này thì nghề truyền thống, mà lớp trẻ giờ không ai theo nữa, giờ chỉ có lớp nhà tôi xong là coi như mai một. Nghề truyền thống rồi cũng mất đi thôi vì thu nhập thấp quá".