Nông dân Hà Tĩnh tăng tốc nuôi lợn rừng, thu nhung hươu bán kiếm Tết
Nông dân Hà Tĩnh tăng tốc nuôi lợn rừng, thu nhung hươu bán kiếm Tết
Tập Thỏa
Thứ hai, ngày 16/01/2023 10:30 AM (GMT+7)
Tại Hà Tĩnh, các sản phẩm liên quan đến nhung hươu, lợn rừng được xem là hàng xa xỉ, có giá thành cao, thị trường đón nhận nhiệt tình. Tuy nhiên, dù nhiều khách hàng tìm đến các cơ sở nhằm “đặt cọc” tiền để mua nhưng đều ngậm ngùi đi về vì hết hàng.
Nhiều trang trại chăn nuôi "đặc sản" rừng đón Tết
Xác định dịp Tết Nguyên đán là thị trường lớn nhất năm, mang về nguồn thu "khủng" nên các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh tại Hà Tĩnh đã hoạt động hết công xuất, nhiều nơi còn tuyển thêm nhân viên so với ngày thường. Tuy vậy, với nhu cầu khách hàng tăng, lượng mua quá đông khiến nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản tại Hà Tĩnh luôn trong tình trạng "cháy hàng".
Các sản phẩm từ nhung hươu, lợn rừng ở Hà Tĩnh luôn được xem là món ăn đặc sản vào những ngày Tết cổ truyền. Thời điểm này, các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh đã "kín" khách đặt hàng và gặp cảnh cung không đủ cầu.
Gần 10 năm nuôi lợn rừng, mỗi năm bán ra thị trường hơn 200 con lợn rừng, anh Trần Nam Giang (SN 1977 trú tại thôn 10, xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, gia đình anh xác định dịp Tết Nguyên đán là thị trường chính trong năm.
Nhờ áp dụng quy trình chăn nuôi khoa học, đầu tư hạ tầng bài bản, không dùng thức ăn công nghiệp mà cho lợn ăn hoàn toàn bằng thảo dược và các sản phẩm tự nhiên đã giúp sản phẩm lợn rừng của anh Giang được săn chắc, chất lượng thịt thơm ngon hơn.
Anh Trần Nam Giang cho biết: "Là loài vật sống hoang dã ngoài tự nhiên nên lợn rừng có sức đề kháng cao, khi nuôi tôi không cần tiêm phòng hay tốn một viên thuốc nào. Thức ăn của chúng hoàn toàn tự nhiên, chủ yếu là các rau, củ, quả và các loại thảo dược trồng được xung quanh vườn của gia đình.
Tôi thường cho lợn ăn cây chè khổng lồ để trị bệnh và hỗ trợ tốt đường tiêu hóa, thỉnh thoảng bổ xung thêm cá khô, cá tạp vào thức ăn để chúng có thêm chất đạm. Ngoài ra, trong quá trình lợn mẹ mang thai, tôi cho chúng ăn cây chè đắng giúp lợi sữa, tốt bụng cho cả mẹ và con".
Nhộn nhịp khách đặt hàng
Mỗi năm, gia đình anh Trần Nam Giang bán ra thị trường từ 200-250 con lợn rừng thương phẩm, trọng lượng đạt từ 30-40kg/con được bán với giá 350.000 đồng/kg. Trung bình mỗi tháng, gia đình anh Giang xuất bán ra thị trường 10 con lợn rừng, đặc biệt từ giữa tháng 11(al) đến rằm tháng Giêng năm sau anh Giang bán được gần 100 con/tháng; tăng gần 10 lần so với các tháng khác.
"Đến cuối tháng 11 (al) cơ bản số lợn rừng trong trang trại của tôi đã được mọi người đặt tiền trước; nhiều người thân trong gia đình, họ hàng vì đặt muộn nên tôi đã không có hàng bán cho họ. Một số người nhiều năm đã không mua được lợn rừng ăn Tết, họ đã quyết định đặt cọc tiền đầu năm để lấy thịt vào cuối năm. Vì diện tích nuôi có hạn, nên thay vì nâng cao số lượng thì tôi sẽ cố gắng hơn về chất lượng nhờ đó thịt lợn rừng của gia đình tôi sẽ không lo lắng phải cạnh tranh với ai", anh Trần Nam Giang tâm sự.
Sản phẩm thịt lợn rừng chất lượng được khách hàng đón nhận nhiệt tình, thường xuyên "cháy hàng" vào mỗi dịp Tết. Anh Trần Nam Giang đã xây dựng tổ hợp tác chăn nuôi lợn rừng Nam Giang nhằm chia sẻ kinh nghiệm nuôi lợn rừng sạch, an toàn; hỗ trợ con giống và tiêu thụ sản phẩm giúp bà con.
Năm 2021, sản phẩm thịt lợn rừng từ tổ hợp tác chăn nuôi lợn rừng Nam Giang đã được tỉnh Hà Tĩnh công nhận là sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao. Hiện nay, tổ hợp tác có 10 hộ thành viên, mỗi hộ cung ứng ra thị trường từ 30-100 con lợn rừng thương phẩm (trọng lượng từ 30-40kg/con) /năm.
Năm 2022, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) có tổng đàn hươu sao đạt hơn 36.000 con (chiếm hơn ½ cả nước), trong đó có hơn 7.000 cho thu hoạch nhung, với sản lượng đạt khoảng trên 15 tấn, giá bình quân 12 triệu đồng/kg, người nuôi hươu thu về khoảng 180 tỷ đồng.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ nhung hươu dịp Tết, trong những tháng cuối năm các cơ sở kinh doanh mặt hàng từ nhung hươu đã tăng cường sản xuất để kịp trả đơn hàng cho khách.
Bận rộn đóng gói hàng cuối năm, bà Chu Thị Hồng Hà - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân nhung hươu Thuận Hà, cho biết: "Các sản phẩm từ nhung hươu mang lại lợi ích lớn đối với sức khỏe, thích hợp để làm quà biếu tặng mỗi dịp "Tết đến, xuân về". Theo ước tính, các sản phẩm từ nhung hươu của chúng tôi vào dịp Tết Nguyên đán năm nay tăng từ 2-3 lần so với những tháng còn lại trong năm. Dù sản lượng tăng nhưng chúng tôi vẫn giữ cam kết với khách hàng là chất lượng đảm bảo".
Theo bà Chu Thị Hồng Hà các sản phẩm như: Nhung hươu khô tán bột, nhung hươu thái lát và rượu nhung hươu của doanh nghiệp bà được thị trường đón nhận nhiệt tình vào dịp cuối năm, những sản phẩm này đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Đối với sản phẩm rượu nhung hươu, các tháng cuối năm này gia đình bà bán được từ 300-500 chai (thể tích 500ml), trong khi các tháng khách trong năm chỉ bán được từ 100-200 chai/tháng.
"Với quan niệm hái lộc lấy may đầu xuân, nên dịp này có rất nhiều người đã đến trực tiếp đi thu hoạch và mua nhung hươu tươi với chúng tôi. Từ khoảng giữa tháng Chạp đến tháng 3 (al), chúng tôi bán được từ 250-300 cặp nhung hươu (trọng lượng đạt 0.7-1.2kg/cặp, giá bán khoảng 11 triệu đồng/kg)", bà Chu Thị Hồng Hà nói.
Bà Nguyễn Thu Hiền - Chủ cơ sở sản xuất kinh doanh nhung hươu Hiền Ngọc nói: "Từ giữa tháng 11 (al) đến nay, vợ chồng tôi cùng 5 nhân công khác đã làm việc hết công suất, nhiều hôm phải làm cả buổi tối để kịp đóng sản phẩm gửi tới tay khách hàng. Nhung hươu phục vụ tết năm nay của gia đình tôi tăng khoảng 50% sản lượng so với cùng kỳ các năm".
Hiện nay, toàn huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) có 17 sản phẩm chế biến từ nhung hươu đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao và OCOP 4 sao của tỉnh Hà Tĩnh. Các sản phẩm này luôn được thị trường đón nhận, đặc biệt trong dịp Tết cổ truyền, giúp bà con tăng thêm nguồn thu nhập.
Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Trần Huy Oánh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh, thông tin: "Hiện tại, Hà Tĩnh có 249 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, những sản phẩm này đạt chất lượng tốt, được thị trường đón nhận nên bán rất "chạy". Tại Hà Tĩnh có những sản phẩm đặc trưng, được khách hàng tin dùng như: Nhung hươu, lợn rừng, cu đơ, trầm, bánh đa nem, nước nắm".
"Những ngày sát Tết cổ truyền, các cơ sở phải hoạt động hết công xuất, lượt bán ra cao hơn nhiều lần so với những ngày thường, đặc biệt có những mặt hàng tăng từ 4-5 lần. Nhờ vậy, bà con không chỉ xóa đói giảm nghèo, nhiều hộ gia đình đã trở thành người giàu, có nguồn thu nhập cao", ông Trần Huy Oánh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh, thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.