Ngày đoàn viên
Tảo mộ là một trong những nét văn hóa đã ăn sâu vào bên trong từng con người Việt Nam. Tùy từng nơi, từng địa phương mà phong tục này được áp dụng riêng biệt, chẳng hạn có nơi tảo mộ được diễn ra vào tiết tháng 3, nhưng lại có nhiều nơi việc làm này được con cháu thực hiện trước Tết Nguyên đán.
Tại một số huyện ngoại thành Hà Nội, công việc tảo mộ hay còn gọi là mời gia tiên về ăn Tết được con cháu thực hiện từ khoảng rằm tháng giêng cho đến những ngày cận Tết Nguyên đán. Thông thường ở những vùng quê, công việc tảo mộ được đem ra bàn bạc và thực hiện tại nhà thờ mỗi dòng họ, hoặc ở những gia đình đăng cai việc họ.
Cởi bỏ đôi giầy, xắn chân quần cao lên tới đầu gối, tay cầm 3 nén nhang rồi lội xuống thửa ruộng ngập nước, ở giữa mảnh ruộng chính là ngôi mộ của ông nội anh Trịnh Tuấn Anh (Mỹ Đức, Hà Nội). Anh Tuấn Anh cho biết, dòng họ Trịnh nhà được chia thành nhiều chi khác nhau.
"Theo truyền thống thì công việc tảo mộ của dòng họ nhà tôi thường diễn ra vào những ngày khoảng từ 25 cho đến ngày 28 Tết. Các cụ có vai vế trong dòng họ sẽ quyết định cụ thể ngày nào, gia đình nhà nào sẽ đảm nhiệm công việc gánh việc họ", anh Tuấn Anh chia sẻ.
Anh Tuấn Anh chia sẻ thêm, mỗi năm việc họ sẽ diễn ra tại một gia đình trong dòng họ. Sau khi công việc đi mời gia tiên về nhà ăn Tết xong xuôi, tất cả các thành viên trong họ sẽ trở về nhà người gánh việc họ để cùng nhau ăn uống, chúc mừng năm mới.
Ông Trịnh Văn Vân năm nay 70 tuổi quê ở (Mỹ Đức, Hà Nội) chia sẻ: "Tảo mộ, gánh việc họ, hay mời gia tiên về ăn tết là một hoạt động văn hóa truyền thống vô cùng nghĩa. Bên cạnh việc nhắc nhở con cháu nhớ tới những người thân trong dòng họ đã qua đời thì đây còn là dịp để anh em con cháu, những người thường xuyên đi làm ăn xa nhà có cơ hội để gặp gỡ nhau, cùng nhau chia sẻ ngọt bùi".
Anh Trịnh Văn Xuân, con trai của ông Trịnh Văn Vân năm nay may mắn được các cụ trong dòng họ đặt lên vai nhiệm vụ cao cả, đó là gánh việc họ. Anh Xuân cho biết, chi họ nhà anh có khoảng hơn chục gia đình. Để chuẩn bị cho các thành viên trong họ đi mời gia tiền về nhà ăn tết, anh đã phải chuẩn bị nhang thơm, đồng thời mua một con lợn sạch hơn 1 tạ mổ để chuẩn bị cỗ bàn mời cả họ trong ngày tảo mộ.
"Trong ngày tảo mộ, dòng họ sẻ cử ra một số người thành thạo tay dao, tay thớt ở nhà để chuẩn bị cơm nước mà không phải đi ra đồng thắp nhang. Công việc hậu cần cũng rất quan trọng, mọi việc cơm nước phải chuẩn bị xong trước khi nhóm người đi tảo mộ về. Trưởng họ sẽ là người làm lễ thắp hương cúng ông bà tổ tiên, sau đó bữa cỗ trong ngày việc họ sẽ được diễn ra", anh Xuân chia sẻ.
Lễ tảo mộ được coi trọng bởi đây là lễ tạ thổ thần bổi bổ long mạch, xin rước vong linh gia tiên về nhà hoặc từ đường để đón năm mới (gọi là lễ Chạp). Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho sạch sẽ, dùng xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, nhổ hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ.
Khi tảo mộ, cần kiểm tra xem mộ có bị tổ mối xông hay bị các loại động vật nhỏ đục khoét hay không, nếu có cần giải quyết ngay vì đây thuộc trường hợp mộ kết, khá hung hiểm đối với phong thủy âm trạch.
Sau khi chuẩn bị đồ lễ, con cháu sẽ kính cẩn, mời người đã khuất về ăn Tết cùng gia đình. Song, tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của gia đình có thể soạn sửa lễ vật khác nhau, quan trọng nhất là thể hiện được tấm lòng thành, sự biết ơn của con cháu đối với tiên tổ.
Tảo mộ còn có ý nghĩa thể hiện lòng hiếu kính, sự biết ơn của con cháu với ông bà, tổ tiên, nhắc nhở con cháu về đạo lý "chim có tổ, người có tông".
Lâu dần, tảo mộ đã trở thành một nét đẹp truyền thống, đặc trưng riêng của người Việt mỗi khi Tết đến xuân về. Vì vậy dù có đi xa nhưng vào mỗi dịp Tết, người dân Việt Nam đều dành thời gian trở về quê hương để thăm viếng phần mộ của người đã khuất.