Dân Việt

Kể chuyện làng: Tết xa quê hương, nhung nhớ ký ức tuổi thơ

Hàng Minh Hiệp 21/01/2023 14:51 GMT+7
Một ngày cuối năm, bận rộn vô cùng nơi xứ người, tôi khẽ khàng thở dài nhìn tin nhắn của chị Hai trên điện thoại: "Tết này, em có về nhà không?".
Kể chuyện làng: Tết xa quê hương, nhung nhớ kí ức tuổi thơ - Ảnh 1.

Mai vàng đón xuân. Ảnh: Hàng Minh Hiệp

Dừng chân tại trạm xe buýt giữa trời đông giá rét, tôi đưa hai bàn tay ra mà cọ xát mong tìm lấy một chút hơi ấm thì bất chợt một giọng nói vang lên: "Lạnh quá em nhỉ! Sắp Tết rồi mà thời tiết ở Nhật vẫn lạnh quá!". Chỉ một chữ Tết vang lên mà khiến lòng tôi nao nao. Khẽ khàng gật đầu thay lời đáp, tôi lững thững rời bỏ trạm xe, chầm chậm đi bộ đến văn phòng. Nhịp sống tất bật ở Nhật đôi khi khiến bản thân không còn thời gian cho những nỗi nhớ. Dẫu thế, tự trong tâm thức tôi vẫn luôn khắc ghi khát vọng được trở về nhà. Cũng bởi, cảm giác đoàn viên cùng gia đình giữa những ngày Tết ngập tràn ánh nắng phương Nam, luôn là hạnh phúc trọn vẹn nhất trong lòng mỗi người xa xứ. Đáng buồn thay, kể từ ngày má mất, những ngày Xuân trong tôi, chỉ còn là ký ức trong tâm tưởng. 

Nhớ những ngày còn thơ, má hay níu tay hai chị em tôi rong ruổi khắp các phiên chợ mùa xuân ngập tràn nào mứt nào quả. Má cứ thế dẫn tay hai đứa nhỏ, nhẩn nha thử hết miếng bí, miếng khoai, miếng dừa, hạt sen... từ tay những người bán hàng đon đả mời chào. Chọn lựa chán chê, má thế nào cũng khệ nệ ôm về đủ loại bánh mứt. 

Kể chuyện làng: Tết xa quê hương, nhung nhớ kí ức tuổi thơ - Ảnh 2.

Ngôi nhà xưa. Ảnh: Hàng Minh Hiệp

Dù nhà neo người nhưng má vẫn thích mua thật nhiều bánh mứt để dành mời khách nhâm nhi những ngày Xuân. Cũng bởi, má bảo còn gì tuyệt vời hơn cảnh mọi người cùng đoàn viên tận hưởng cảm giác dịu ngọt nơi đầu lưỡi bên tách trà nóng, nhìn muôn hoa bừng nở ngoài hiên nhà. 

Chưa dừng lại ở bánh mứt, ba má còn dẫn chúng tôi đi chợ hoa ngày Tết. Tôi nhớ mãi góc chợ hoa xuân thời mình còn bé, dẫu không sạch sẽ, sang trọng hay lấp lánh ánh đèn như bây giờ nhưng tràn đầy không khí hân hoan, vui tươi hiếm có. Mọi người đi dạo chợ như đi trẩy hội, ai cũng bước chậm rãi, tranh thủ tìm cho mình một vài chậu hoa ưng ý. Nhớ có năm làm ăn khấm khá, ba má tôi hào phóng chọn một cặp tắc vàng ươm sai trĩu quả khiến tôi và nhỏ em út khệ nệ vừa bưng vừa ca thán: "Hai chậu này nặng quá ba má ơi, hư hết móng tay tụi con sơn rồi!". Má tôi cười ngất: "Giao thừa kêu chị Hai bây nó sơn lại cho. Tụi bây xí xọn quá nha!". Còn ba tôi vừa ôm mấy chậu hoa cúc to, vừa nói vọng lại: "Mua vừa vừa thôi, không hết chợ nha ba má con" rồi lời cô em út tôi lém lỉnh trả lời: "Chưa hết chợ nhưng hết tiền ba ơi!".

Những câu nói đùa xen cùng tiếng cười rộn rã dưới ánh nắng óng ánh vàng buổi chiều 27 Tết mãi là hình ảnh đẹp theo tôi đến tận bây giờ.

Ấm áp nhất là thời điểm cả quây quần bên nhau cùng chuẩn bị cho mâm cơm giao thừa đón năm mới. Tôi hay lặng lẽ ngồi một góc bếp, nhìn bàn tay ba thoăn thoắt buộc dây bánh chưng vuông vức chắc nịch. Má lại khéo léo vô cùng với đòn bánh tét thon dài. Cả nhà mải mê với đậu, nếp, thịt, dong cả buổi thì công đoạn gói bánh cũng hoàn tất. Nhà neo người nhưng má thường giữ thói quen gói nhiều bánh. Má nói Tết họ hàng, biếu hàng xóm ăn lấy thơm, lấy thảo. Tết khi đó dẫu có thiếu thốn nhưng tình nghĩa của bà con quê lại rất đong đầy.

Nhớ nhất những đêm cả nhà cùng thức để chờ bánh chín. Thoảng trong gió hương dong dịu nhẹ lan tỏa từng nhà. Ngon lửa đêm bập bùng âm ỉ cùng hương thơm ngát dịu ngọt vị Tết đầu xuân khiến ta nao lòng. Ba nhâm nhi tách trà nóng rồi râm ran lại chuyện cũ của cả năm dài. Bao giờ, má cũng hay nhắc chừng chị em: "Mấy đứa mai mốt lớn có đi đâu thì Tết cũng ráng về nhà nha con, đừng để hai thân già trông ngóng mà phải tội".

Kể chuyện làng: Tết xa quê hương, nhung nhớ kí ức tuổi thơ - Ảnh 3.

Cây mai vàng. Ảnh: Hàng Minh Hiệp

Thế mà chỉ vài năm sau đó, ba má đã lặng lẽ rời bỏ chúng tôi, để Tết giờ chỉ còn là một hoài niệm xa xôi. Dòng ký ức chợt tắt khi tuyết bên khung cửa sổ lại tiếp tục rơi, tôi chợt nhận ra mình thật lạc lõng giữa trời đông Tokyo. Tôi khẽ khàng rơi nước mắt. Tết với nhiều người là những cuộc hội ngộ để yêu thương, để nhìn ngắm thật chậm rãi khuôn mặt của người thân sau bao xa cách.

Còn với bản thân tôi, Tết ngỡ như thật gần mà lại xa xôi vô cùng trong tâm tưởng. Vắng ba má, Tết dường như cũng không về nữa.

Sáng mùng 1 Tết, khẽ khàng mở laptop nhìn tấm hình cây mai vàng trước nhà được chị Hai chụp gởi sang, mà lòng tôi nao nao buồn thương. Ba má đi rồi nhưng mai vàng vẫn khoe sắc thắm. Chợt thèm một ngày Tết được quay trở về ôm chặt tay ba, ôm chặt lấy má, cùng cúng mâm cơm giao thừa, để chúc ba chúc má một chữ phúc, để nhận bao lì xì đỏ rồi cười vang và chỉ để được ngồi bên cạnh nhau cho đúng nghĩa một chữ "nhà". Chỉ tiếc rằng, những mùa xuân hạnh phúc ấy chỉ còn trong tâm tưởng. Đường về nhà sao xa xôi, buồn vắng đến thế…