Trần Lê Minh Anh
Thứ tư, ngày 18/01/2023 07:56 AM (GMT+7)
Những ngày cuối tháng Chạp, khi đang mỏi mệt vì công việc, bất chợt nhận tin nhắn của em trai: "Chị có về quê cùng chúng em tảo mộ và dâng cơm lên bàn thờ bố mẹ vào dịp Tết không?". Mấy dòng đơn giản mà khiến tim tôi se sắt buồn thương.
Cũng bởi, đã gần mười năm kể từ ngày bố mẹ mất, tôi không quay về làng cũ. Bao hồi ức đẹp về một vùng quê thanh bình, nơi bản thân đã cùng bố mẹ và anh chị em đón biết bao cái Tết đầm ấm, hạnh phúc tưởng chừng đã bị lãng quên cứ dần hiện lên trong tâm tưởng tôi. Thế là từ biệt đô thị ồn ã, tôi cùng con gái trở về quê vào những ngày giáp Tết.
Nhà ga mùa cận Tết tấp nập không ngừng khiến lòng ai cũng nôn nao lạ kỳ. Tôi ngước nhìn vài ông bà lão, tuổi đã ngoài tám mươi, lom khom bước vội lên tàu về quê mà lòng nhớ bố mẹ da diết. Nhiều năm trước, khi bố mẹ còn sống, vẫn hay có thói quen mang theo ít quà quê, lên thăm nom con cháu, rồi tất tả quay trở về nhà giữa một buổi chiều muộn như thế này. Những lần đi tiễn bố mẹ, tôi thường lặng lẽ đứng dưới nắng chiều, nhìn theo bóng dáng của ông bà khuất sau cửa sổ toa tàu, thấy lòng nao nao khó tả. Chẳng thể tin được trong một ngày cuối tháng Chạp, tôi đã mất đi cả bố lẫn mẹ. Bố mẹ tôi mất vì tai nạn giao thông, sau chuyến thăm con cháu như thông lệ hằng năm. Ký ức đau buồn đó khiến tôi không dám quay trở về quê vào những ngày giáp Tết.
Giữa mông lung những suy nghĩ, con gái níu tay tôi hỏi nhỏ: "Mình về quê ăn Tết nhưng không còn ông bà thì ăn Tết như thế nào hả mẹ?". Tôi khẽ khàng xoa đầu con: "Ông bà vẫn luôn ở trong trái tim mẹ con mình. Chỉ cần con nghĩ như thế thì Tết năm nào, con cũng có thể cùng mẹ quay về quê đón Tết".
Ngày tôi quay trở về, trùng hợp thay, lại là một ngày mưa rơi lất phất. Bước chậm trên con đê làng lượn quanh ven sông, tôi thấy tâm hồn mình náo nức như thời con trẻ. Mưa lất phất không đủ làm ướt áo nhưng khiến không khí trong trẻo hơn. Đôi khi, một vài cơn gió còn lưu luyến cái mùa đông giá lạnh làm xao xác, thổi tung lên trời những cánh vàng của hàng cây xơ xác phía trong đê. Tôi hít thở một hơi thật sâu luồng không khí của quê nhà, nao nao nhớ những ngày xa xưa khi còn là một đứa trẻ nhảy chân sáo theo bố mẹ ra chợ phiên ngày Tết. Những ngày hạnh phúc ấy, đáng tiếc thay, giờ chỉ còn trong tâm tưởng.
Khẽ khàng dắt con gái sang phiên chợ Tết, khung cảnh vẫn tấp nập người buôn bán như trước đây. Dưới làn mưa xuân lất phất, các cô các chị vẫn tần tảo mưu sinh bên những gánh hàng nhỏ bán đủ mọi thứ từ hoa quả đến kim chỉ vải may. Tôi lặng lẽ đứng cạnh một gian hàng quen nhìn khắp khu chợ, hồi tưởng lại ký ức về mẹ. Cũng những ngày giáp Tết như thế này, tôi theo sau chân mẹ tất tả đi chợ cho kịp bữa cơm cúng ông bà ngày cuối năm. Bao giờ cũng thế, sau khi mua đầy đủ đồ ăn thức uống, mẹ thường ghé vào gian hàng bán quần áo mua cho tôi ít quần áo mới.
Với đứa trẻ con nhà nghèo như tôi khi ấy, được mua cho một chiếc áo hay đôi dép mới là niềm vui lạ kỳ. Suốt đường về, tôi cứ mải mân mê, hít hà mùi vải mới, háo hức chờ đến sáng mùng 1 Tết để được mặc đi chúc Tết. Thế nhưng, cũng có phiên chợ Tết, bản thân không giấu được sự tủi hờn khi bố mẹ không đủ tiền mua nổi một bộ quần áo mới cho các con. Mặc dù mẹ đã ra sức vỗ về, an ủi nhưng sự tủi hờn vẫn khiến tôi rưng rức khóc suốt chặng đường dài. Bản tính trẻ con khiến tôi vô tư bộc lộ cảm xúc mà có biết đâu bố mẹ còn đau xót hơn chính mình rất nhiều lần vì không lo cho các con được đủ đầy. Ký ức về những cái Tết nghèo, kì lạ thay lại cứ ám ảnh mãi trong kí ức tôi, khiến bản thân càng trưởng thành càng mong muốn chăm sóc và phụng dưỡng cho bố mẹ tốt hơn. Chỉ tiếc mong muốn ấy trong thời điểm hiện tại mãi mãi không thể thực hiện được.
Quay trở về ngôi nhà cũ của bố mẹ, tôi càng thêm xót xa khi nhớ đến những ngày giáp Tết thuở nào. Cũng bậc thềm ấy, bố mẹ đứng đón đứa con xa về thăm trong vòng tay ấm áp, đôi mắt rạng ngời hạnh phúc yêu thương. Buổi sáng mùa xuân, khi chậu hoa hướng dương bên hiên nhà bừng nở, tôi ngồi trò chuyện cùng bố mẹ bên tách trà sen vừa mới pha, cùng ngắm cảnh mọi người qua lại tất bật để chuẩn bị cho ngày Tết. Những giây phút đoàn viên hiếm hoi ấy, luôn khiến tôi tìm lại chính mình, cảm nhận được niềm hạnh phúc lan tỏa quanh đây mà khi đi xa không bao giờ có được.
Hai vợ chồng em trai giục tôi vào thắp hương cho bố mẹ. Tôi nhìn món bánh xèo trên bàn thờ mà thẫn thờ vài giây. Em dâu tôi thấy thế thì giải thích rằng: "Những ngày bố mẹ còn sinh thời rất thích ăn món bánh xèo. Mẹ bảo do chị ở xa nhà ít khi về nên mẹ phải thường xuyên đúc món bánh này, để khỏi bị xuống tay nghề". Mấy lời giản đơn mà khiến nước mắt tôi lăn dài trên má.
Tôi nhớ những ngày giáp Tết, trời mưa lất phất, biết tôi thèm món bánh xèo nên bố tất bật đi xay bột gạo rồi chuẩn bị các thứ để đúc bánh cho tôi ăn. Mẹ tỉ mỉ chuẩn bị nào bột, nào giá, nào hẹ, thịt heo, tôm mực. Bếp lò than đỏ rực được mẹ khệ nệ bê ra góc nhà. Tôi thích ngồi nhìn mẹ đúc từng bánh, nghe tiếng xèo xèo gợi về bao ký ức tuổi thơ. Kỳ lạ thay, món bánh mẹ đúc luôn ngon hơn những chiếc bánh được bày bán ngoài chợ, có lẽ vì trong ấy chan chứa tình thương yêu dành cho đứa con xa trở về. Món bánh giòn rụm chấm với nước mắm đục, bánh nóng hổi luôn là nỗi nhớ khó quên trong lòng tôi mỗi khi có dịp quay về nhà.
Ngày cuối cùng ở quê vào dịp Tết, hai mẹ con tôi ra thắp hương cho bố mẹ, rồi lặng lẽ đứng nhìn một hồi lâu về ngôi nhà cũ nằm nép sau rặng tre nhỏ. Ngôi nhà ấy đã từng là nơi chắt chiu, dành dụm biết bao hạnh phúc bố mẹ dành cho con cháu. Hai bậc sinh thành ngỡ rằng chẳng bao giờ rời xa, giờ đã trở thành trở thành người thiên cổ, bỏ lại chúng tôi bơ vơ giữa dòng đời. Để rồi đâu đó giữa mạch đời gắt gao, bản thân lại thèm được một lần quay về quê ăn Tết, nghe trong gió vấn vương bao nỗi nhớ thương.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.