Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2022, sắn và sản phẩm sắn là một trong số ít mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch tăng trưởng tốt so với năm 2021 nhờ sức mua tăng từ thị trường Trung Quốc.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 3,25 triệu tấn, trị giá 1,4 tỷ USD, tăng 13,3% về lượng và tăng 19,7% về trị giá so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam năm 2022 ở mức 432,7 USD/tấn, tăng 5,6% so với năm 2021.
Tính riêng mặt hàng sắn, năm 2022, xuất khẩu sắn đạt 760.290 tấn, trị giá 221,04 triệu USD, giảm 10,4% về lượng và giảm 0,3% về trị giá so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân sắn năm 2022 ở mức 290,7 USD/tấn, tăng 11,3% so với năm 2021.
Năm 2022, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 91,67% về lượng và chiếm 91,47% về kim ngạch trong tổng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước, với 2,98 triệu tấn, trị giá 1,28 tỷ USD, tăng 11% về lượng và tăng 17,2% về trị giá so với năm 2021.
Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2022 ở mức 356,8 USD/tấn, tăng 6,6% so với năm 2021.
Đáng chú ý, theo Cục Xuất nhập khẩu, đầu tháng 1/2023, giá sắn nguyên liệu tại một số tỉnh, thành phố tăng nhẹ so với cuối năm 2022.
Nguyên nhân là do lượng hàng tinh bột sắn giao dịch đã có tín hiệu tích cực do khách hàng Trung Quốc có nhu cầu mua để sản xuất sau khi Chính phủ nước này mở cửa sau dịch Covid-19.
Lượng hàng tinh bột sắn giao dịch qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc tăng do thủ tục nhập khẩu phía Trung Quốc thực hiện nhanh hơn.
Hiện nay đã có nhiều đơn vị mở kho thu mua sắn lát, giá thu mua khá cao so với mặt bằng giá xuất khẩu. Do đó, các đơn vị chủ yếu thu mua sắn lát nhập trữ kho và tập trung bán cho các nhà máy thức ăn chăn nuôi nội địa với giá cao hơn giá xuất khẩu.
Thực tế, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn nhiều nhất thế giới. Theo thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 11 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu sắn của Trung Quốc đạt 1,93 tỷ USD, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm 2021. Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia là các thị trường cung cấp sắn lớn nhất cho Trung Quốc trong 11 tháng năm 2022. Trong đó, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp sắn cho Trung Quốc trong 11 tháng năm 2022.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu sắn lát của Thái Lan, thị phần sắn của Thái Lan chiếm 91,05% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắn của Trung Quốc.
Đối với mặt hàng tinh bột sắn, trong 11 tháng năm 2022, nhập khẩu tinh bột sắn của Trung Quốc cũng có xu hướng tăng.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 11 tháng năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 3,9 triệu tấn tinh bột sắn, trị giá 2,01 tỷ USD, tăng 22,5% về lượng và tăng 32,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam, Lào và Campuchia.
Trừ Thái Lan, nhập khẩu tinh bột sắn từ các thị trường này đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Thái Lan vẫn là thị trường lớn nhất cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc.
Trong 11 tháng năm 2022, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc với 1,45 triệu tấn, trị giá 730,67 triệu USD, tăng tới 161,1% về lượng và tăng 183% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 37,07%, tăng mạnh so với mức 17,4% của 11 tháng năm 2021.