Dân Việt

Bài dự thi Tết đoàn viên: Nhớ ngày không có Tết

Nguyễn Thị Hồng 25/01/2023 13:00 GMT+7
Đầu tháng Chạp khi chưa phải mang cây thuốc lá đi trồng, cha thường chở chị em tôi đi chụp ảnh. Nhà tôi ở sâu trong rừng, để đến được chỗ ông thợ vườn chúng tôi phải đi tầm 5 cây số, qua cây cầu treo vắt vẻo ngang dòng suối lớn.

Cha xuống xe để bên này cầu rồi dắt chị em tôi cuốc bộ. Vậy là để có được vài tấm hình kỉ niệm, chúng tôi phải đi tầm hơn 1 tiếng mới tới nơi.                               

Đến Tết, cha tôi bận lắm, ông chỉ ở nhà với chúng tôi lúc giao thừa và sáng mồng 1. Đến trưa nắng gắt, nhiều khi cha phải đội nón ra đồng tưới cây thuốc non không nó héo khô chết hết. Thành ra từ đầu tháng khi chưa quá bận rộn, cha tranh thủ chở chúng tôi đi chụp sớm. Hồi ấy không có điện thoại như bây  giờ nên phải vài năm chúng tôi mới có một tấm hình kỉ niệm. Tôi thích nhất là tầm 25 trở đi, khi cái loa mắc trên cột điện sát bên hông nhà không còn phát bản tin " Đây là đài tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ..." đổi lại là vài khúc ca xuân tưng bừng rộn rã, chị em tôi cũng vui mừng hứng khởi, rậm rịch chờ Tết đến sát sau lưng.

Nhà tôi nghèo, gia tài vỏn vẹn vài sào đất màu cha mẹ thâm canh trồng cây thuốc lá. Năm nào cũng như năm ấy, giữa tháng chạp trở đi cha mẹ lại tất bật xuống giống cây con, có những ngày cha ở rịt ngoài bãi thuốc không có thời gian về nhà. Tháng chạp mà. Khi người ta mải miết lo sửa soạn nhà cửa, sắm sửa đón Tết thì nhà tôi vẫn còn trong guồng quay bộn bề, cha lo xuống cây, mẹ lo bảy ngày sau đi trồng dặm, thuốc lá tốn công chăm, cha mẹ tôi gần như không có cả thời gian nghỉ, kể cả tối đêm, cha tranh thủ chặt nứa mang về, cha chẻ nứa cho mẹ quấn thành từng cây kẹp dài để kẹp lá thuốc lúc hái về mang đi sấy. Những năm ấy dù bận rộn thế nhưng chí ít, mỗi khi gần 28 mẹ cũng cố gắng ở nhà một ngày để đưa chị em tôi đi sắm Tết và mua vài bộ quần áo mới. Năm nào tháng chạp đủ 30 ngày thì phải đến ngày 29 nhà tôi mới gói bánh chưng. Khỏi phải nói, điều làm chị em tôi hạnh phúc nhất thời thơ ấu có lẽ là những ngày cha mẹ gói bánh, cả gia đình tôi mới được ngồi bên nhau trọn vẹn hết một ngày. Chị em tôi rửa và lau khô lá, mẹ nấu đỗ xanh, cha chẻ lạt. Đêm đến, cha nhóm lửa nồi bánh ở góc sân, chúng tôi không đứa nào chịu đi ngủ mà mang chiếu ra gốc mai trải ngồi trông bánh cùng cha mẹ. Hai đứa tôi mỗi đứa nằm mỗi bên gối đầu lên đùi mẹ, cảm giác ngọt ngào như mật rải rác vào trong tim.

Bài dự thi Tết đoàn viên: Nhớ ngày không có Tết (Sáng M5) - Ảnh 1.

Hình cha đưa tôi đi chụp ảnh ngày còn bé xíu. Ảnh: Nguyễn Thị Hồng

Thế mà có một năm, nhà tôi thực sự không có Tết. Năm đó cha mẹ gom tất cả vốn liếng và cầm cố ngân hàng để xây lò sấy thuốc lá. Tháng 3, trời Tây Nguyên nắng lắm, nắng như thiêu như đốt.  Thuốc lá trong lò sấy đã gần khô chẳng hiểu nguyên cớ gì đột nhiên bén lửa và bốc cháy. Khi cha tôi còn đang và vội miếng cơm thì hàng xóm chạy đến báo lò cháy, cả nhà tôi nhớn nhác chạy ra thì không còn gì có thể cứu vãn được nữa. Tất cả số thuốc lá đã khô chẳng khác nào ném thêm bùi nhùi vào trong lửa, khiến ngọn lửa dữ tợn và hung hãn, thiêu đốt hết tất cả những gì có thể thiêu. Mẹ tôi khóc nấc, còn cha ngồi sụp xuống vò tay vào trong tóc, ánh mắt dại ra của cha lúc bấy giờ khiến lòng tôi đau nhói. Kể cả sau này mỗi khi nhớ lại, tôi chưa bao giờ thôi ám ảnh bởi ánh mắt khi ấy của cha.

Gia đình tôi trở nên xác xơ kiệt quệ sau biến cố ấy. Trắng tay không còn lại chút vốn liếng, nợ nần ngập ngụa xung quanh, mẹ tôi cứ thơ thẩn như người mất hồn chẳng thiết ăn thiết uống. Chẳng phải nói ngoa nhưng dạo đó, có thời điểm trong nhà tôi còn không có nổi một vò gạo để nấu, không khí u ám như đưa tang. Chị em tôi ăn chưa no lo chưa tới chẳng biết làm thế nào để đỡ đần cha mẹ chỉ biết lầm lũi nhìn nhau. Tôi nhớ mãi buổi chiều hôm ấy là 29 Tết, em trai tôi đi chơi nhà bạn về và ngây ngô hỏi mẹ sao Tết rồi mà mẹ không mua sắm gì như nhà các bạn. Mẹ không nói gì chỉ lặng lẽ quay đi. Chán, nó thôi không hỏi nữa, một mình nó ra góc sân còn chưa lát gạch dùng que vẽ những nét nguệch ngoạc trên đất. Tôi chẳng biết nó vẽ gì nhưng ánh mắt của nó lúc đó tôi không sao tả được. Trong hình dung của tôi, ánh mắt thẫn thờ ấy không hợp tuổi, không thuộc về cậu em trai hoạt bát và ưa náo nhiệt như em tôi.

Bài dự thi Tết đoàn viên: Nhớ ngày không có Tết (Sáng M5) - Ảnh 2.

Cha tôi (thứ 2 từ trái sang) chụp cùng bác và cô chú. Ảnh: Nguyễn Thị Hồng

Tết ấy, nhà tôi còn không có đủ 40 ngàn chỉ để mua một cân thịt. Cha tôi đi đâu đó tối mịt mới về mang cho hai chị em tôi đồng bánh chưng với một gói kẹo. Cha bảo "Các con chịu khó, qua năm cha cố gắng đi làm để lo cho các con đầy đủ hơn". Chị em tôi òa lên ôm cha khóc nấc, mẹ ngồi trong nhà cũng nước mắt ngắn dài theo. Lần đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi thấm thía trọn vẹn hương vị của Tết, cũng chua xót nhận ra rằng Tết nó cũng có cái mùi mặn mòi và đắng đót như thế.

Năm sau, cha đi biền biệt, đôi chân cha rong ruổi khắp ngõ ngách chốn thị thành. Ban ngày cha làm bảo vệ cho xí nghiệp, đêm về đổi ca cha kiêm luôn nghề bốc vác. Quãng thời gian cha không ở nhà đối với chúng tôi còn khó khăn hơn cả việc thiếu ăn thiếu mặc, cha ra đời kham khổ, chúng tôi không còn Tết nào phải thắt lưng buộc bụng. Nhưng cũng có đến vài cái Tết, tôi khắc khoải khóc nghẹn vì nỗi nhớ cha, thèm cảm giác có cha ở bên mẹ con tôi đến cồn cào gan ruột. Những năm đó, ước ao về một cái Tết sum họp, đoàn viên của gia đình tôi trở thành điều vô cùng xa xỉ. Tôi thèm, tôi nhớ, nhớ cả mùi mồ hôi khét lẹt trên vai áo cha mỗi khi cha vội vã ngoài đồng về nhà ngó nhìn chị em tôi trong giây lát. Sau này, dư âm Tết để lại trong tôi không chỉ có ngọt ngào bánh mứt mà nhiều hơn là nỗi cơ cực dày bịch theo những vết chai cọc cằn nơi gót chân cha.

Những năm này nhà đã khá hơn đôi chút, cha không còn phải miệt mài chạy đôn chạy đáo lo manh áo miếng cơm, chúng tôi cũng không cần đỏ mắt ngóng cha mỗi khi tháng Chạp cạn. Có chăng bây giờ, cha mẹ lại là người mong mỏi chúng tôi về từng giây từng phút. Có bận cha gọi điện dặn tôi về sớm cha đưa đi chụp hình. Tôi cười xòa " Bây giờ chứ có phải thời xưa nữa đâu cha, con thích chỉ 3 giây thôi là đã có tấm hình đẹp long lanh rồi". Cha ừ hử vài câu nhưng giọng nói cha buồn lắm. Tôi biết trong lòng cha, dù cho vật đổi sao giời cha vẫn không thôi nhớ về thiệt thòi của chúng tôi ngày nhỏ như một sự áy náy đến cắn rứt.

Tết này, tôi quyết định về sớm theo cha đi chụp hình.

Nhằm tạo cơ hội cho những người con từng phải đón Tết xa quê vì dịch bệnh, vì công cuộc mưu sinh… trải lòng về những cảm xúc, tâm tư, nỗi niềm được đoàn viên cùng gia đình trong dịp Tết Quý Mão và cả những câu chuyện mình trải qua hoặc chứng kiến về Tết đoàn viên, báo điện tử Dân Việt tổ chức cuộc thi viết "Tết đoàn viên". Với cuộc thi này, Ban Tổ chức sẽ nhận tất cả các bài viết thuộc các thể loại: phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào. Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, có kèm hình ảnh, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email banvhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 13 ngày, từ ngày 18/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 31/1 (tức mồng 10 Tết Nguyên đán Quý Mão), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.

Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Tết đoàn viên" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.

Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.

Thông tin thêm về thể lệ cuộc thi tại đây.