Bài dự thi Tết đoàn viên: Vườn quê nở những đóa xuân

Lữ Mai Thứ ba, ngày 24/01/2023 07:00 AM (GMT+7)
"Mua hoa đi cô, hoa đúng độ xuân đẹp lắm!" Tôi nhận ra người gánh hàng hoa ấy đã đi từ con phố mình ở ra tới Bờ Hồ rồi sẽ lại quanh co khắp "bàn cờ" phố cổ.
Bình luận 0
Bài dự thi Tết đoàn viên: Vườn quê nở những đóa xuân - Ảnh 1.

Hoa trong khu vườn của mẹ tôi. Ảnh: Lữ Mai

Từng ấy loài hoa trĩu gánh mới vợi đi chút ít. Sau tiếng chào mời hàng rong nhỏ nhẹ, nhạc từ chiếc loa nhỏ gắn trên cây vang lên ca từ của nhạc sĩ Hoàng Giác: "Cô hái hoa tươi, hãy dừng bước chân/ Trên đường thầm xa, tôi nhắn cô em đôi lời/ Lòng không lưu luyến, sao đành cô lãng quên…" Bên hồ, soi vào nước không chỉ dáng cây, dáng hoa, lại còn thêm những cặp đôi khiêu vũ, từng bước nhảy nhịp nhàng, nhón chân qua giá lạnh, rộn ràng khấp khởi đón xuân. Tôi mua một bó hoa thược dược, nhờ người bán hàng chọn lựa. Không phải cho mình mà tặng một mặt hồ bảng lảng sương, một mùa xuân đang trào dâng trong xanh, xuyên suốt. Và tha thiết hơn là cho nỗi nhớ quê đang đầy dâng, sóng sánh.

Trong khu vườn của mẹ tôi, không mùa xuân nào mà không sáng bừng thược dược, điểm xuyết là  Vi-ô-lét tím mong manh. Mẹ tôi thường bảo, chờ Tết mà không cắm thược dược thì nhạt cả hơi xuân. Củ, mầm, thân già… loài hoa đợi xuân được mẹ và các chị họ tôi chuẩn bị từ nhiều ngày tháng trước đó, tính toán kỹ lưỡng để khi ươm xuống, trổ bông thì Tết đến là vừa. Tròn đầy, cân đối nhất phải kể tới giống hoa thược dược tía, cánh có pha chút sắc trắng. Thược dược đỏ rực rỡ màu pháo nhưng bông nhỏ hơn. Thược dược vàng là giống hơi "khó ưa", theo lời mẹ tôi thì tỉ lệ ươm mười củ may ra được vài ba khóm. Khi cắm thược dược và violet vào lộc bình, mẹ thường ngồi bên bể nước cắt tỉa kỹ càng. Mùa xuân nào mà thiếu thược dược vàng thì lọ hoa không bừng lên được. Màu tím xen sắc tía, sắc đỏ… vẫn như thiếu tia nắng non mùa xuân.

Bài dự thi Tết đoàn viên: Vườn quê nở những đóa xuân - Ảnh 2.

Hoa trong khu vườn của mẹ tôi. Ảnh: Lữ Mai

Từ khu vườn xôn xao, nhắm mắt lại mà tưởng tượng, chợt thấy mình được trở về vòm trời ấu thơ, trong tiếng chim non ríu rít, trong hương thơm dịu nhẹ thanh tao từ khu vườn mùa xuân đang rộng mở như một vòng tay. Cảm giác mướt mát, tươi non, nồng ấm… cứ dâng ngập, bao bọc đến cả làn da, dấu chân, giọng nói. Tôi nhớ thời thơ nhỏ, gần Tết, đám trẻ lăng xăng từ nhà chạy túa ra đường, sương từ dãy đồi sau làng tràn cả xuống cánh đồng trơ gốc rạ, bò lan lên con đường cỏ đã úa và hoa xuyến chi tim tím nở bừng. Rồi cứ thế, bước chân trẻ chạy tới đâu, sương như tan loãng dần, nắng mơ màng chiếu rọi. Từng tia sáng dịu dàng, dè dặt. Mỗi khi nghĩ về những tia sáng ấy, tôi thường nhớ mẹ. Khi chúng tôi hỏi mẹ: "Khi nào xuân về?" Mẹ luôn nói: "Mùa xuân đợi sẵn đằng kia, chừng nào tán cây gạo đầu làng gọi về đàn sáo, nghĩa là xuân đến thật rồi". Đợi Tết, có những buổi lạnh trời và hanh hao đến héo hắt. Mẹ tôi ngồi xếp lại tủ quần áo cho cả nhà, phân loại ra, cái đem vắt sổ lại, cái cắt thành khăn, cái gấp ngay ngắn cho vào chiếc rương kỷ niệm... Cũng có khi, mẹ xay bột nếp, hong khô, từng nong từng mẹt tròn xoe bày kín khoảng sân hút gió. Lũ trẻ chúng tôi vẫn cứ mê mải với những con đường đất. Đường ruộng kẻ dọc, kẻ ngang như bàn cờ, cỏ ba lá ken dày, lên bông mảnh mai gầy guộc. Đường đê lồng lộng mà mỗi khi chạy chơi hoặc ngồi yên nhìn dòng sông mùa cạn, bao nhiêu tưởng tượng ùa về. Bên kia sông, chỉ cách một chuyến đò, mà xa tít tắp. Bác gái tôi lấy chồng bên ấy, tôi còn được mẹ chỉ cho chiếc nhà ngói nâu bé tin hin cũng nép dưới bờ đê. Nhà bác đó, tôi khôn nguôi tưởng tượng, bác sống thế nào, các chị có đang chạy chơi như tôi, đường đê bên ấy có nhiều lỗ dế, châu chấu voi và đàn bươm bướm trắng rập rờn bay nương theo gió.

Bài dự thi Tết đoàn viên: Vườn quê nở những đóa xuân - Ảnh 3.

Mẹ tôi chăm chút những đóa xuân. Ảnh: Lữ Mai

Có một khu vườn kỳ diệu in sâu trong trí nhớ tôi. Không biết ở những ngôi làng khác có khu vườn này không, và họ có cách gọi thế nào, nhưng Vườn Thiêng trong mắt tôi đến tận bây giờ vẫn chất chứa bao điều bí mật và gợi mở. Khu vườn ấy chia đất làng thành hai thế giới âm - dương. Bên này làng mạc, ruộng đồng, bên kia ngập tràn cỏ hoa, sườn đồi là nơi an nghỉ của người đã khuất. Mùa xuân, lũ trẻ làng rất thích đến khu vườn ấy, thơ thẩn chơi đùa. Mẹ tôi kể chuyện, nơi ấy không chỉ có người làng nằm lại, mà thời chiến tranh, các chú bộ đội vào chiến trường chưa qua được bờ bên kia sông Mã đã gặp đạn bom, nằm mãi nơi này. Dưới tận sâu lòng đất, có phải bởi thanh xuân, nguồn sống vẫn bừng lên, mà cỏ hoa Vườn Thiêng càng rực rỡ, nồng nàn.

"Nghĩ gì thẫn người ra vậy cô, có cành đào nở sớm, cô có mở lòng lấy luôn cho tôi được thì tốt". Giọng người bán hàng từ tốn kéo tôi ra khỏi bầu ký ức. Tiếng "mở lòng" sao thân thương, lành hiền mà lắng sâu đến thế. Hỏi ra, người bán hàng từng sinh ra và lớn lên giữa lòng phố cổ, sau chuyển ra ngoại thành. Lần lượt những mùa hoa theo chân bà về lại phố quen. Tha thiết nhất, khắc khoải nhất là vườn xuân chộn rộn. Có thể bà cũng như tôi, đứng bên hồ mà nhớ mãi khu vườn tuổi nhỏ, mà khát khao được trở về đoàn viên, sum họp.

Nhằm tạo cơ hội cho những người con từng phải đón Tết xa quê vì dịch bệnh, vì công cuộc mưu sinh… trải lòng về những cảm xúc, tâm tư, nỗi niềm được đoàn viên cùng gia đình trong dịp Tết Quý Mão và cả những câu chuyện mình trải qua hoặc chứng kiến về Tết đoàn viên, báo điện tử Dân Việt tổ chức cuộc thi viết "Tết đoàn viên". Với cuộc thi này, Ban Tổ chức sẽ nhận tất cả các bài viết thuộc các thể loại: phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào. Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, có kèm hình ảnh, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email banvhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 13 ngày, từ ngày 18/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 31/1 (tức mồng 10 Tết Nguyên đán Quý Mão), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.

Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Tết đoàn viên" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.

Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.

Thông tin thêm về thể lệ cuộc thi tại đây.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem