Bài dự thi Tết đoàn viên: Gửi nỗi nhớ tới Osaka xa xôi

Nguyễn Anh Tuấn Thứ hai, ngày 23/01/2023 10:30 AM (GMT+7)
Tôi là người rất ghét Tết. Xin lỗi những ai yêu Tết vì sự thẳng thắn có phần hơi phũ phàng này. Thú thật mà nói, nếu không vì Tết là dịp có thêm vài đồng tiền thưởng để trang trải cho gia đình, thì có lẽ, tôi đã ủng hộ đề xuất bỏ Tết Nguyên Đán của Gs. Võ Tòng Xuân.
Bình luận 0

Phải công nhận, khi còn nhỏ, tôi cũng giống như những đứa trẻ khác, đều rất háo hức đón chờ Tết, vì được mặc quần áo mới, được nhận tiền lì xì mừng tuổi…nhưng khi dần lớn, bắt đầu hiểu chuyện một chút, tôi lại cực kỳ ghét Tết. Gia đình tôi không khá giả, thu nhập chủ yếu từ đồng lương viên chức khiêm tốn của ba tôi cùng với đàn lợn và nồi rượu của mẹ tôi. Thế nên, mỗi khi những cơn gió xuân thổi về, ba mẹ tôi lại phải tất tả, bộn bề và thậm chí là mệt mỏi để lo cho anh em chúng tôi một cái Tết no đủ. Khi bốn con người ở trong một căn nhà chật hẹp, lúc nào muộn phiền vì chuyện cơm áo bủa vây thì Tết là một cơn ác mộng.

Chính vì nhận thức được sự khó khăn của gia đình, anh em tôi đều sớm hiểu chuyện, ít đòi hỏi. Tôi tốt nghiệp đại học Luật nhưng quyết định từ bỏ giấc mơ trở thành một luật sư, từ bỏ lý tưởng của đời mình là đem kiến thức pháp luật đi tranh đấu, bảo vệ cho những người yếu thế trong xã hội để trở thành một viên chức nhà nước, sớm chấp nhận hai từ "ổn định". 

Hoàn cảnh nhà tôi khi đó không cho phép người con cả có một "cuộc phiêu lưu" khi mà cả nước mỗi năm có cả ngàn sinh viên ra trường thất nghiệp. Nhưng em trai tôi lại khác. Nó không chấp cuộc đời mình sẽ chỉ là những chuỗi ngày sống cho người ta chấm công. Sau khi ra trường với tấm bằng đại học chuyên ngành môi trường, nó gạt phăng định hướng của ba tôi về việc ở lại Quảng Bình, chờ một suất viên chức tự trang trải nào đó. Em trai tôi xách ba lô và Nam tiến. Hơn 1 năm lăn lộn ở đất Sài Gòn, làm đủ nghề để sống nhưng số phận không mỉm cười với nó. 

Từ một thanh niên cao to, trắng trẻo, đẹp trai, nó bị nắng gió Sài Thành nhuộm lên một làn da sạm đen, hốc hác. Ngày em trai về nhà ăn Tết, mẹ ôm chầm lấy nó mà oà khóc, kêu đừng đi nữa, ở lại cho gần nhà gần cửa, gần mẹ gần con. Nhưng nó vẫn lắc đầu. Nó xem 1 năm ở miền Nam là trải nghiệm nhưng vẫn quyết không ở lại quê nhà lập nghiệp. Lần này, nó quyết định đi Nhật khoảng 3 năm để kiếm vốn làm ăn. Tính thằng em tôi đã quyết thì có trời mà cản.

Ngày 01 tháng 3 năm 2020, tôi cùng ba tiễn em ra sân bay Đà Nẵng để đi Osaka, Nhật Bản. Mẹ tôi gọi vào, nghẹn ngào không thành tiếng:

- Em…đã bay…chưa con?

- Dạ chưa mẹ, nó đang làm thủ tục.

- ... mẹ thương em lắm...răng (sao) mà số em con lại khổ rứa (thế)...

Qua điện thoại, tôi nghe được tiếng khóc nức nở của mẹ, cũng giống như lần mẹ tiễn tôi đi học đại học. Những giọt nước mắt xé lòng của người mẹ khi chứng kiến những đứa con phải rời xa mình để đến những nơi xa lạ.

Bài dự thi Tết đoàn viên: Gửi nỗi nhớ tới Osaka xa xôi - Ảnh 1.

Em trai tôi (áo trắng, đeo ba lo đen) đang chờ làm thủ tục check-in tại sân bay Đà Nẵng.

Trái ngược với cảm xúc của mẹ, ba tôi tỏ ra bình thường. Đó cũng là thời điểm dịch Covid 19 bùng phát, những nơi đông người như sân bay, chúng tôi đều phải đeo khẩu trang phòng dịch. Mặc dù khuôn mặt ba tôi bị che gần hết bởi chiếc khẩu trang màu trắng, nhưng qua cặp mắt ẩn sau lớp kính đeo, tôi nhìn thấy được sự bình thản của ông. Sau khoảng 20 phút làm thủ tục, em trai tôi vẫy tay chào rồi hòa mình vào dòng người ra đường băng đi Nhật. Hai hôm sau, các cô chú ghé qua nhà chơi. Khi làm được vài ly, ba tôi chia sẻ về chuyện của em tôi, bất giác nghẹn ngào.

Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in những lời ông nói:

"Hôm tiễn thằng Tú sang Nhật, lòng anh...đau xót lắm...cả đời anh phấn đấu, cống hiến...nhưng...chẳng thể lo…cho con mình....được như con người ta...để nó phải tha hương nơi xứ người..."

Đó lần đầu tiên tôi thấy ba tôi như vậy.

Năm ấy, gia đình tôi tạm xa một thành viên là em trai tôi và đón thêm một thành viên mới là cu Đô, con trai đầu lòng của tôi. Tết Tân Sửu (2021) là cái Tết đầu tiên xa nhà của em tôi. Ngày 29 Tết, tôi mới có mặt ở nhà để giúp ba mẹ gói bánh. Việc gói bánh ngày Tết trước đây được giao cho anh em tôi. Mà chủ yếu là em tôi, nó chịu trách nhiệm lựa lá, đổ khuôn, rắc nhân, gói lại cho vuôn vắn, còn tôi chỉ phụ nó khâu cuối cùng là buộc lạt và … chụp ảnh khoe Facebook.
Tết này không có nó, tôi phải xoay xở với các công đoạn trước đây mình chưa từng làm. Cuối cùng đành phải gọi video qua cầu cứu thằng em. Từ màn hình video, nó vừa hướng dẫn vừa cười tôi ngặt nghẽo. Cũng may là tôi tiếp thu nhanh nên sau 2 cặp bánh đầu méo xẹo, lồi lõm thì sang đến cặp thứ 3 đã ra dáng cái bánh chưng ngày Tết hơn. Vừa gói bánh, tôi lại nhớ về những cái Tết khi thằng em tôi còn ở nhà. Càng nhớ em tôi bao nhiêu thì lại thấy mình thật ngớ ngẩn bấy nhiêu khi đã không nhận ra cái giá trị đoàn viên sum vầy mà Tết mang lại cho mỗi gia đình.

Bài dự thi Tết đoàn viên: Gửi nỗi nhớ tới Osaka xa xôi - Ảnh 2.

Tôi (áo vàng) và em trai (áo xanh) bên chồng bánh chưng hồi còn trẻ "trâu".

Kể từ đấy, tôi mong Tết đến từng ngày.

Sang cái Tết thứ 2 thằng em tôi xa nhà, nỗi nhớ cậu út cũng được khuây khỏa phần nào bởi cu Đô đã lớn gần 2 tuổi. Thằng bé nghịch ngợm, hiếu động nhưng cũng đáng yêu lắm, cái miệng lau bau cả ngày. Tết Canh Dần (2022), tôi chủ động về nhà sớm hơn để giúp gia đình. Giữa cái sân sau bếp, cả nhà tôi quay quần gói bánh. Ba tôi gói bánh tày, tôi thì gói bánh chưng, mẹ tôi thì lau lá, chuẩn bị lạt rồi gạo, đậu xanh, thịt làm nhân bánh, vợ tôi thì phải trông "ông giặc nhỏ" của nhà. Lâu lâu, cu cậu lại chạy ra nghịch, bốc lá, bốc gạo lên ném tùm lum, bị ông nạt cho mà cứ nhe răng ra cười.

Bài dự thi Tết đoàn viên: Gửi nỗi nhớ tới Osaka xa xôi - Ảnh 3.

Màn gói bánh ngày Tết của ba thế hệ.

Ba tôi đặc biệt làm cho cu Đô một cái bánh tày có buộc dây để đeo ngang cổ, nói là lễ vật để cho Đô…đi hỏi vợ. Thằng bé đeo cái bánh trước ngực thì lại tiếp tục toét miệng cười, khoe hàm răng sưa của mình.

Bài dự thi Tết đoàn viên: Gửi nỗi nhớ tới Osaka xa xôi - Ảnh 4.

Chiếc bánh đặc biệt mà ông gói cho cu Đô.

Nhìn mấy cặp bánh chưng được gói vuông vắn hơn năm ngoái, tôi lại nhớ đến thằng em tôi. Mấy hôm nó gọi điện thoại, chia sẻ với tôi những mệt mỏi về công việc, cuộc sống nơi xứ người, rồi chuyện nó bật lại tay người Nhật vì xúc phạm người Việt mình, chuyện đồng Yên giảm làm những tính toán cho tương lai sau khi về nước của nó bị xáo trộn…tôi lắng nghe tất cả, chỉ biết động viên nó cố gắng. Nó dặn, em chia sẻ thế thôi, đừng nói cho ba mẹ biết, đặc biệt là mẹ chỉ thêm lo.

Bài dự thi Tết đoàn viên: Gửi nỗi nhớ tới Osaka xa xôi - Ảnh 5.

Tết năm nay, em tôi tiếp tục xa nhà.

Tết năm nay, em tôi tiếp tục xa nhà. Gác lại một năm với bao buồn vui, chúng tôi lại chuẩn bị cho một cái Tết sắp đến. Không ai bảo ai, nhưng tôi biết, cả nhà vẫn hướng về Osaka xa xôi, đợi chờ ngày em trai tôi trở về. Ngày đoàn viên ấy, có ba mẹ, có vợ chồng tôi, có cu Đô và có cả chú Tú đẹp trai.

Sẽ nhanh thôi.

Quảng Bình, ngày 29 Tết Quý Mão (2023).

Nhằm tạo cơ hội cho những người con từng phải đón Tết xa quê vì dịch bệnh, vì công cuộc mưu sinh… trải lòng về những cảm xúc, tâm tư, nỗi niềm được đoàn viên cùng gia đình trong dịp Tết Quý Mão và cả những câu chuyện mình trải qua hoặc chứng kiến về Tết đoàn viên, báo điện tử Dân Việt tổ chức cuộc thi viết "Tết đoàn viên". Với cuộc thi này, Ban Tổ chức sẽ nhận tất cả các bài viết thuộc các thể loại: phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào. Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, có kèm hình ảnh, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email banvhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 13 ngày, từ ngày 18/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 31/1 (tức mồng 10 Tết Nguyên đán Quý Mão), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.

Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Tết đoàn viên" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.

Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.

Thông tin thêm về thể lệ cuộc thi tại đây.


 

 

 

 

                       

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem