Dân Việt

Bài dự thi Tết đoàn viên: Luống rau ngày Tết mẹ trồng

Nguyễn Tuấn Khang 27/01/2023 06:30 GMT+7
Những ngày cuối năm, khi chạy xe đi công tác ở tỉnh, bất chợt nhìn ngang đường thấy vô số luống cải xanh non dưới ánh nắng ban mai khiến tôi nhớ mẹ vô cùng.

Cũng bởi mẹ đã dành hết nửa đời người để chăm chút vườn rau, gánh gồng từng luống rau để trang trải kiếm tiền nuôi các con ăn học. Trong tâm thức những đứa trẻ nhà nghèo như chúng tôi ngày ấy thì thấy rau là thấy Tết. Sực nhớ mấy lời hỏi han của mẹ vài ngày trước đây: "Sắp Tết rồi, con trai út có về nhà không con? Mẹ đang trồng rau đợt cuối để dành ăn Tết. Cả nhà đều chờ con về ăn Tết", trong phút chốc khiến lòng tôi nao nao buồn thương.

Bài dự thi Tết đoàn viên: Luống rau ngày Tết mẹ trồng (chiều M5) - Ảnh 1.

Vườn rau của mẹ. Ảnh: Nguyễn Tuấn Khang

Tết trong suy nghĩ của những người phụ nữ ở nông thôn như mẹ tôi trước hết khởi nguồn từ chuyện lo cái ăn cái mặc cho các con. Cũng chính vì thế, mẹ tôi chuẩn bị Tết từ rất sớm. Độ chừng nửa năm trước, mẹ đã nhắm chừng nuôi gà, nuôi vịt cho kịp Tết. Vừa thu hái xong mùa, chưa đến tháng Chạp, mẹ đã vội làm đất lên luống trồng rau, rồi tất bật chuẩn bị phân chuồng ủ cho hoai, trộn với đất xới nhỏ. Vốn khéo léo nên mẹ tôi gieo trồng đủ loại rau như xà lách, tần ô, cải xanh, hành, ngò... để tranh thủ kiếm thêm tiền lo lắng cho các con.

Quê tôi vốn là một vùng thuần nông nghèo của mảnh đất Quảng Nam quanh năm khô hạn. Suốt một năm dài dằng dặc, để gia đình có cái ăn, anh em tôi được đến trường, mẹ tôi phải quần quật với ngọn rau, gốc lúa và bươn chải nơi phố chợ để kiếm từng đồng bạc lẻ. Những ngày giáp Tết, trong khi nhiều bà con nông dân đã tranh thủ nghỉ ngơi, mẹ tôi vẫn bận rộn chăm chút, nâng niu vườn rau thật tỉ mỉ. Ngày nào mẹ cũng tranh thủ tưới ngày hai lượt, nhổ cỏ, tỉa thưa cây.

Lúc còn bé, theo chân mẹ đi chăm vườn, tôi thường lặng lẽ ngắm nhìn vóc dáng gầy gò, đôi bàn tay chai sạn tất bật chăm sóc những mầm non nhú lên của mẹ mà thấy xót xa trong tim. Cũng bởi, tôi biết mỗi lá rau tươi xanh mướt mắt kia là biết bao nỗ lực của mẹ trong những ngày cuối năm. May mắn thay, có lẽ do thời tiết lạnh và tiết trời cuối năm khô ráo nên rau mùa Tết bao giờ cũng tươi xanh và mơn mởn. Với tôi, tín hiệu báo hiệu mùa Xuân về là khi trời trở những cơn gió lạnh, mấy luống rau của mẹ tươi non khiến lòng ai cũng hân hoan, mừng vui.

Bài dự thi Tết đoàn viên: Luống rau ngày Tết mẹ trồng (chiều M5) - Ảnh 2.

Bánh tét mẹ gói. Ảnh: Nguyễn Tuấn Khang

Nhưng Tết dường như là một khái niệm xa xôi với mẹ tôi. Vì tận đến chiều 30 Tết, mẹ vẫn còn khàn giọng ở phiên chợ quê cuối năm, mời người ta mua những bó rau, cây cải cuối cùng để có thêm vài đồng sắm sửa cho Tết. Đêm 30 Tết, trong khi bố con tôi ngồi ăn cơm cuối năm thì mẹ vẫn lo tranh thủ gói bánh tét. Tôi nhớ mẹ thích gói bánh tét kết hợp nhiều màu sắc, thêm cả hạt sen và trứng muối và thịt mỡ vào nhân, để tạo sự phong phú. Xong xuôi, mẹ dọn dẹp góc bếp đơn sơ, chuẩn bị cho mâm cỗ cúng khai niên ngày mùng 1 Tết, lo ngồi đếm lại những đồng bạc lẻ cuối cùng của năm vừa tranh thủ kiếm được ở buổi chợ chiều. Và trong sự mỏi mệt của cả một năm dài, mẹ thường ngủ thiếp đi trước khi mọi người đón giao thừa.

Buổi sáng đầu năm, điều đầu tiên mẹ làm là lì xì cho anh em tôi mỗi đứa vài đồng lấy hên. Rồi sau khi nấu nướng để cúng đầu năm xong, trên chiếc xe đạp cà tàng đùm thêm vài đòn bánh tét, mẹ đèo tôi về quê ngoại thắp hương cũng như thăm hỏi bà con xóm giềng thân thuộc. Tôi nhớ mẹ thường đứng lặng lẽ rất lâu trước mộ ông bà ngoại. Ông bà ngoại tôi qua đời sau một cơn bạo bệnh, từ khi mẹ còn nhỏ nên hoài niệm về những ngày Tết quây quần cùng gia đình, với mẹ chỉ là một ký ức mờ nhạt. Dù thế, khi một mình quay trở về nhà, nhìn khói hương lảng bảng trong gió, mẹ tôi vẫn chạnh lòng, rơi nước mắt buồn thương. Tôi bối rối chẳng biết làm gì, ngoài việc nắm tay mẹ thật chặt, khẽ khàng nói: "Mẹ nhớ phải sống thật lâu, để ở mãi bên con những mùa Xuân về, mẹ nhé!". Mẹ vỗ vai tôi, dịu dàng trả lời: "Mẹ nhớ mà. Chỉ sợ con lớn lên, lo chuyện này chuyện nọ, sẽ quên mất mẹ mà thôi".

Buổi sáng mùng 1 Tết cứ thế vội vã qua nhanh. Trưa đến, mẹ lại phải quay về nhà lo chuyện bếp núc. Thế là hết một cái Tết của mẹ tôi. Chiều mồng 1 Tết, theo thói quen, mẹ lại ra đồng nhổ cỏ, bắt sâu cho những luống cải mới cấy, lo chăm cho luống rau vừa ra lá non. Lặng lẽ, âm thầm, mẹ một mình cặm cụi giữa cánh đồng rau với nắng chiều và gió xuân. Rồi mẹ lại tranh thủ nhổ cải, bó rau để sáng sớm mùng 2 kịp buổi chợ Tết.

Bài dự thi Tết đoàn viên: Luống rau ngày Tết mẹ trồng (chiều M5) - Ảnh 3.

Nồi gói bánh tét. Ảnh: Nguyễn Tuấn Khang

Cứ thế, năm nào Tết của mẹ tôi cũng chỉ là nửa ngày mùng 1. Nửa ngày của những phút nghỉ ngơi, những thời khắc hiếm hoi tay chân được thoải mái, đầu óc bớt lo toan. Người ta có thể dành tận 10 ngày để chơi Tết, nửa tháng vẫn còn than là chưa hết vui Xuân. Vậy mà Tết của mẹ chưa có năm nào kéo dài quá giữa trưa ngày mùng 1.

Chắt chiu cả từ những chút thời gian đáng ra được ngơi nghỉ, mẹ một đời hi sinh để mong anh em tôi được có cơm ăn áo mặc, được học hành bằng bạn bằng bè. Năm tháng cứ qua đi, mùa Xuân hờ hững xuôi trên mái đầu đã bạc quá nửa mái đầu. Chưa một lời than thở hay tiếc nuối, mẹ tôi vẫn lặng lẽ trải qua những ngày Tết chỉ vỏn vẹn nửa ngày mùng 1 Tết ngắn ngủi. Còn chúng tôi, mỗi người một ngả, chẳng ai thèm quan tâm đến nỗi cô đơn của mẹ khi tuổi đã xế chiều.

Mùa Xuân năm nay, sau khi gửi đơn xin nghỉ cho cơ quan, tôi tranh thủ về nhà với mẹ. Sáng mùng 1 Tết, tôi đứng trước sân hít sâu làn không khí êm dịu, nghe từng hơi xuân mát lạnh trôi vào hồn. Trong nhà, mẹ tôi đã bày biện xong mâm cỗ chuẩn bị cúng gia tiên. Nghe tiếng mẹ giục, tôi bước khẽ vào nhà, thắp hương lên bàn thờ ông bà nội và bố. Chờ khi nén hương tàn, tôi mỉm cười, nắm chặt tay mẹ và nói: "Năm nay, con đã xin nghỉ việc ở thành phố, dọn hẳn về nhà ở cùng mẹ. Xin phép mẹ cho con được thay bố và các anh chăm sóc mẹ và cả vườn rau của mẹ. Con mong mẹ sẽ được ăn đầy đủ ba ngày Tết hoặc nhiều hơn nữa chứ không chỉ vỏn vẹn nửa ngày như trước đây. Con tin bố ở trên trời cũng mong muốn như thế".

Khẽ gạt nước mắt lăn dài trên má, mẹ tôi gật đầu. Các anh trai cũng lặng lẽ quay lưng, giấu vội nỗi xúc động dâng trào. Thoáng trong gió xuân, mấy luống rau mẹ trồng sau nhà, lấp lánh màu xanh mơn mởn.

Nhằm tạo cơ hội cho những người con từng phải đón Tết xa quê vì dịch bệnh, vì công cuộc mưu sinh… trải lòng về những cảm xúc, tâm tư, nỗi niềm được đoàn viên cùng gia đình trong dịp Tết Quý Mão và cả những câu chuyện mình trải qua hoặc chứng kiến về Tết đoàn viên, báo điện tử Dân Việt tổ chức cuộc thi viết "Tết đoàn viên". Với cuộc thi này, Ban Tổ chức sẽ nhận tất cả các bài viết thuộc các thể loại: phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào. Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, có kèm hình ảnh, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email banvhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 13 ngày, từ ngày 18/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 31/1 (tức mồng 10 Tết Nguyên đán Quý Mão), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.

Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Tết đoàn viên" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.

Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.

Thông tin thêm về thể lệ cuộc thi tại đây.