Mặc dù giờ đây đã qua tuổi huy hoàng nhất của đời nghệ sĩ, chị vẫn giữ cho mình một thân hình chuẩn của người mẫu, nét mặt quý phái và khả năng hóa thân ngày càng thăng hoa. Bỏ qua điều đó, ở chị vẫn có một điều cần nhắc đến và nên nhắc đến nhiều lần, đó là tinh thần tương thân tương ái dành cho nghệ sĩ nghèo và người nghèo.
Bây giờ, NSƯT Trịnh Kim Chi là Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu TP.HCM. Nhiều người cho rằng từ ngày giữ cương vị này, chị hăng hái trong công tác chăm lo cho nghệ sĩ nghèo. Chẳng hạn như vào đầu tháng chạp 2022, chị đã tiến hành kêu gọi anh chị em nghệ sĩ thân thiết góp sức tu bổ Chùa Nghệ Sĩ hay còn có tên gọi là Nhựt Quang Tự tọa lạc tại quận Gò Vấp, TP.HCM do NSND Phùng Há sáng lập. Trong chùa còn có nghĩa trang chôn cất rất nhiều nghệ sĩ lừng danh qua nhiều thế hệ.
NSƯT Trịnh Kim Chi bỏ tiền túi, cùng với gia đình nghệ sĩ Lý Hùng – Lý Hương, Đại Nghĩa, Bá Thắng – Hòa Hiệp, Kiều Tiên và Quỹ của Ban Ái hữu Hội nghệ sĩ sân khấu, các nhà hảo tâm khác đóng góp được 200 triệu đồng. Với số tiền đó, chị đã tiến hành xây mới nhiều chức năng, và nâng cấp, sơn phết mới toàn bộ từ trong ra ngoài khuôn viên chùa.
NSƯT Trịnh Kim Chi cho biết: "Nhiều năm qua, Chùa Nghệ Sĩ và nghĩa trang nghệ sĩ trong khuôn viên chùa đã bị xuống cấp nghiêm trọng mà chưa được duy tu. Trước tình trạng này, tôi mời một số anh em nghệ sĩ thân thiết, các Mạnh Thường Quân cùng Ban Ái Hữu hội nghệ sĩ Sân Khấu tu sửa lại một phần nào đó cho chùa và khu nghĩa trang nghệ sĩ khang trang đón Tết. Tuy nhiên, vì thời gian hạn hẹp và kinh phí chỉ đủ tu sửa một phần. Dự tính là sang năm, chúng tôi tìm kiếm kinh phí hoàn tất các phần còn lại".
Ngoài ra, Trịnh Kim Chi cho biết thêm: "Chúng tôi làm mới sân khấu biểu diễn, nơi thỉnh các đoàn về diễn dịp giỗ tổ. Khu chánh điện xuống cấp nghiêm trọng đã được chống thấm trần nhà và không gian thờ đã được sơn lại, tường rào đã được gia cố và sơn mới, cây cối được phát quang thông thoáng. Ngoài ra, chúng tôi xây thêm phần nhà quàng tại một không gian trống trong chùa. Chúng tôi sẽ dùng nơi đây làm nơi cúng đám ma cho nghệ sĩ nghèo không đủ khả năng làm tang lễ. Chúng tôi làm mới nhà vệ sinh, nhà tắm đã quá mục nát".
Sau đó, NSƯT Trịnh Kim Chi vận động được 250 phần quà Tết cho nghệ sĩ nghèo, nhân viên hậu đài và người dân nghèo quanh khu vực chùa Nghệ sĩ và Viện dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM. Buổi trao quà diễn ra rất trân trọng, ấm áp, đầy đủ tinh thần kính lão đắt thọ, tôn trọng tiền bối. Thực ra, chị đã dấn thân vào con đường thiện nguyện từ khi còn ở độ tuổi đôi mươi, vừa bước chân vào nghệ thuật. Nhờ cơ hội được đi nhiều nơi, chị chứng kiến nhiều phận người bi ai, chị thấy mình may mắn nhận được nhiều ơn phước. Từ đó, chị dành dụm tiền giúp đỡ người nghèo một cách âm thầm, lặng lẽ.
Về sau này, càng nổi tiếng có thêm nhiều thu nhập, NSƯT Trịnh Kim Chi đã tự tăng mức độ đóng góp cho cộng đồng xã hội với tư cách cá nhân. Đồng thời, chị sẵn sàng tham gia những chuyến thiện nguyện do Thành đoàn hoặc cá nhân tổ chức. Chị tham gia trong tâm thái an vui, trong sự ấm áp và hạnh phúc từ bên trong mình. Duy tâm một chút, khi ông xã chị góp sức đồng hành công việc mang chút niềm vui đến người nghèo, hoạt động kinh doanh của công ty đạt hiệu quả tốt hơn. Điều đó có tác động không nhỏ về mặt tâm lý với chị.
Đối tượng cần giúp đỡ mà NSƯT Trịnh Kim Chi quan tâm nhất chính là nghệ sĩ nghèo. Bởi vì, chị đồng cảm với thân phận nghệ sĩ. Chị luôn tự hỏi mình rằng vì sao có những nghệ sĩ lừng danh một thời, được công chúng vinh danh, sống trong sự giàu sang mà về nhà lại lủi thủi một mình trong căn nhà thuê, hay là căn phòng hẹp của viện dưỡng lão. Những thân phận ấy khiến trái tim chị thổn thức về sự thăng trầm của kiếp người. Chị là một ngôi sao nổi tiếng, chị hiểu được một nghệ sĩ tiền bối từng là ngôi sao ngày xưa, giờ danh tiếng lụi tàn thì nỗi buồn và nỗi đau lớn đến mức nào. Từ đó, chị tự nguyện góp phần nhỏ nhoi để mang đến ngọn lửa nhỏ sưởi ấm tâm hồn họ.
Suốt mùa dịch bệnh Covid-19 hoành hành ở Sài Gòn, chị đã lao ra ngoài đến với tuyến đầu. Chị vận động thuốc các loại, vốn là thứ thiết yếu trong thời điểm thành phố bị ngưng tất cả hoạt động. Bên cạnh việc cứu trợ thuốc, chị còn vận động lương thực bền bĩ như thế suốt gần 1 năm. Sau cùng, chị cũng nhiễm covid-19 nhưng nhờ thể chất tốt sẵn, cùng tinh thần mạnh mẽ, chị đã vượt qua nhẹ nhàng. Đó là lúc chị đã dốc sức dựng vở kịch ghi lại một phần sự hy sinh của các thiên thần áo trắng ở tuyến đầu, vở " Blouse Trắng" đã lấy nước mắt khán giả vì chạm vào cảm xúc rất thời sự.
Trịnh Kim Chi cân bằng giữa việc làm từ thiện và hoạt động nghệ thuật. Đó là hai thứ khiến cho chị hạnh phúc. Dẫu vậy, không phải lúc nào chị cũng được ủng hộ dù công việc thiện nguyện không mưu cầu được đánh bóng tên tuổi, hay tư lợi cá nhân. Với những khoảng đóng góp từ các khán giả, chị công bố chi tiết rõ ràng trên trang cá nhân. Ấy vậy mà, một nghệ sĩ đàn anh gặp bế tắc cùng cực, được chị kêu gọi giúp đỡ, quay sang tố cáo chị khuất tất. Thay vì tranh cãi, chị giữ thái độ im lặng và công bố chi tiết từng khoản. Công chúng hiểu được chị bị hàm oan. Có người thúc chị làm lớn chuyện, nhưng chị vẫn tôn trọng tình đồng nghiệp và muốn giữ sự bình an.
Sau sự kiện đó, có lúc chị suy xét việc có nên hay không nên giúp người khó khan vì đôi khi lòng tốt bị nghi ngờ. Sau cùng, chị thấy rằng nếu ai cũng sợ bị thị phi mà không làm gì cả, thì người nghèo sẽ thiếu đi những bữa ăn đủ đầy. Chị quay lại, tiếp tục theo một cách còn minh bạch hơn trước. Và cứ thế, chị miệt mài đóng phim, miệt mài với sân khấu trong vai trò bà bầu lẫn người thầy, và vẫn còn được mời trình diễn thời trang hoặc làm giám khảo các cuộc thi sắc đẹp. Lúc phù hợp, chị hát ca bềnh bồng vì giọng hát của chị cũng đẹp không thua các ca sĩ thành danh. Vậy mà chị còn thi vào cao học nghệ thuật để nâng cấp kiến thức của mình lên.
Nếu như ngày xưa, nhìn vào một Trịnh Kim Chi Á hậu với đôi chân dài và gương mặt trái xoan giàu nữ tính, ai đó sẽ nói rằng cô ấy thật may mắn được trời cho nhan sắc. Thì về sau này, nếu chứng kiến hành trình sống và làm nghệ thuật của chị, nhiều người còn nhận ra Trịnh Kim Chi còn là một nghệ sĩ yêu nghề, một long hướng về nghiệp tổ và có tình thương rộng lớn với người nghèo. Nhiều người vẫn còn nhớ chị được mời vào vai vợ Đức Ông Tả Quân Lê Văn Duyệt trong vở kịch Tả quân Lê Văn Duyệt. Trong đêm diễn tại Lăng Ông, nhiều diễn viên trong đoàn phải cần nhắc thoại thì chị thuộc thoại làu làu, ăn mặc chỉn chu rất nghiêm cẩn, diễn đầy thần thái. Thái độ tôn trọng tổ nghiệp và tinh thần làm nghề chuyên nghiệp ấy đã trở thành một ký ức đẹp trong tim nhiều khán giả.