Các nhà khoa học và chuyên gia hôm 24/1 đã đặt Đồng hồ Tận thế ở thời điểm 90 giây trước nửa đêm. Đây là mức cận kề nhất với thời điểm diệt vong của loài người kể từ khi chiếc đồng hồ này được tạo ra vào năm 1947, theo Reuters.
Đồng hồ Tận thế là thiết bị mang tính tượng trưng, giúp công chúng hiểu được thế giới đang ở gần thời điểm diệt vong đến mức nào. Thời điểm nửa đêm trên mặt đồng hồ đánh dấu sự kết thúc của loài người.
Những yếu tố tác động đến quyết định đặt mốc thời gian trên đồng hồ của các nhà khoa học bao gồm căng thẳng địa chính trị, nguy cơ nổ ra xung đột sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, sự phát triển của công nghệ, tình trạng biến đổi khí hậu và sự bùng phát của đại dịch.
Nhóm chuyên gia sẽ đặt đồng hồ ở xa hơn hoặc gần hơn thời điểm nửa đêm sau khi đánh giá những mối đe dọa đến sự tồn vong của loài người ở từng thời điểm.
Một tổ chức phi lợi nhuận ở thành phố Chicago, Mỹ có tên Bulletin of the Atomic Scientists chịu trách nhiệm cập nhật thời gian trên Đồng hồ Tận thế mỗi năm dựa trên những mối đe dọa hiện hành đối với sự tồn vong của loài người và Trái Đất.
Nhóm nhà khoa học chịu trách nhiệm đặt thời gian trên đồng hồ cũng có các chuyên gia trong những lĩnh vực như công nghệ hạt nhân và khoa học khí hậu. Nhóm chuyên gia, bao gồm 13 nhà khoa học đạt giải Nobel, sẽ đánh giá mức độ nghiêm trọng của các sự kiện lớn trên thế giới để quyết định vị trí đặt các kim trên Đồng hồ Tận thế.
Chiếc đồng hồ này được tạo ra vào năm 1947 bởi một nhóm nhà khoa học nguyên tử, trong đó có Albert Einstein, người từng làm việc trong dự án Manhattan vào Thế chiến II. Kết quả của dự án này là các quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới.
Ban đầu, nhóm Bulletin chỉ điều chỉnh đồng hồ tận thế dựa trên đe dọa về hạt nhân. Nhưng từ 2007, Bulletin quyết định bổ sung biến đổi khí hậu vào các yếu tố để đánh giá hiểm họa với Trái Đất.
Với 90 giây trước khi tới nửa đêm, Đồng hồ Tận thế đang ở thời điểm gần nhất với sự diệt vong của loài người kể từ khi thiết bị này được giới thiệu với công chúng. Đây là lần đầu tiên thời gian trên đồng hồ thay đổi kể từ khi được đặt ở mức 100 giây trước nửa đêm vào năm 2020.
Quyết định đặt đồng hồ ở mức 90 giây trước nửa đêm phản ánh tình trạng căng thẳng trên thế giới khi nhiều quốc gia lo sợ về nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân. Các nhà khoa học cho biết xung đột tại Ukraine là một nguyên nhân lớn nhưng không phải lý do duy nhất khiến thời gian trên đồng hồ tiến gần hơn tới thời điểm nửa đêm.
Theo Guardian, các hiểm họa với Trái Đất và loài người như tình trạng biến đổi khí hậu và sự lây lan của đại dịch Covid-19 cũng là những nguyên nhân dẫn tới quyết định đẩy thời gian trên Đồng hồ Tận thế tiền gần hơn tới thời điểm nửa đêm.
"Chúng ta đang sống trong thời kỳ nguy hiểm chưa từng có tiền lệ, Đồng hồ Tận thế phản ánh thực tế đó. Quyết định của các chuyên gia không thể bị xem nhẹ. Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo xem xét mọi lựa chọn trong khả năng của họ để đảo ngược đồng hồ", Rachel Bronson, CEO của Bulletin, nói.
Hơn 75 năm trước, Đồng hồ Tận thế lần đầu được đặt ở thời điểm 7 phút trước nửa đêm.
Ở thời điểm xa nhất cho tới sự diệt vong của loài người, chiếc đồng hồ được đặt ở mốc 17 phút trước nửa đêm vào năm 1991. Đây là năm đánh dấu sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh khi Liên Xô và Mỹ ký kết Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược, giảm thiểu số lượng vũ khí hạt nhân trong biên chế của 2 nước.