Đây là bài toán khó cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực là điện thoại, vi tính, máy móc, dệt may, gỗ, giày dép và thuỷ sản, bất chấp năm 2022 họ có một năm bội thu, sức tăng trưởng vượt dự toán.
Nhiều chuyên gia cho hay, dù mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2023 là 6% thấp hơn nhiều so với giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng Việt Nam năm 2022 là 10,5%, song đây cũng là thách thức lớn cho Việt Nam, trong bối cảnh đầy rẫy khó khăn từ kinh tế toàn cầu và Việt Nam. Mục tiêu 6% là khả thi đối với kinh tế Việt Nam, nhưng cũng phải rất cố gắng mới hoàn thành được.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đạt trên 371,3 tỷ USD, sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu giúp nền kinh tế xuất siêu hơn 12,4 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu tiên cán mốc 730,2 tỷ USD, gấp gần 2 lần so với quy mô nền kinh tế.
Dữ liệu cho thấy sự hồi phục nhanh và mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam sau 2 năm bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, năm 2023 được nhận định là năm kinh tế Việt Nam đón nhận nhiều hơn những khó khăn, và đáng lo ngại hơn khi tác động đó sẽ ngày càng mạnh mẽ, rõ rệt hơn khi độ mở nền kinh tế Việt Nam (cả đầu tư và thương mại) hiện vào khoảng 200% so với GDP, đứng thứ 5 ở châu Á.
Thực tế, từ cuối năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam đã đối diện với nhiều khó khăn hơn do ảnh hưởng từ lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn, nhu cầu tiêu dùng suy giảm, đứt gãy đơn hàng và tình trạng tín dụng thắt chặt.
Năm 2022, số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD dự kiến đạt 39 mặt hàng (tăng 04 mặt hàng so với năm 2021), trong đó có 09 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD (tăng hơn 01 mặt hàng so với năm 2021).
Theo một chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM), nếu năm 2022 doanh nghiệp mới gặp khó khăn về vốn thì năm 2023 sẽ có nhiều khó khăn lớn hơn về đơn hàng và tín dụng. Nhiều doanh nghiệp gia công dệt may, da giày và điện tử đang thiếu đơn hàng trầm trọng, phải cắt giảm lao động. Trong khi đó, những doanh nghiệp có đơn hàng nhưng lại khó khăn về vốn, đặc biệt là ngoại tệ để nhập khẩu linh phụ kiện.
"Quý III và đầu quý IV, rất nhiều doanh nghiệp phải chạy vạy mới lo được ngoại tệ để nhập khẩu linh phụ kiện cho sản xuất, rất khó khăn để chạy đơn hàng", đại diện CIEM cho hay.
Theo Tổng cục Thống kê, từ tháng 9/2022 chỉ số sử dụng lao động bắt đầu giảm mạnh, nguyên nhân chính là sự sụt giảm về đơn hàng ở thị trường xuất khẩu. Chỉ số này giảm xuống ở hầu hết các ngành nhưng giảm mạnh nhất là ngành chế biến chế tạo, từ 25,1% tháng 8/2022 xuống còn 6,3% vào tháng 11/2022.
Tình trạng doanh nghiệp mất đơn hàng chưa ảnh hưởng trực tiếp sản xuất doanh nghiệp mà nó gián tiếp ảnh hưởng đến chu kỳ sản xuất trong tương lai. Nguyên nhân chính là do lạm phát toàn cầu gia tăng, đặc biệt là ở châu Âu (EU) và Mỹ - hai thị trường xuất siêu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), xung đột Nga - Ukraine và nguy cơ suy thoái kinh tế làm suy yếu dòng chảy thương mại năm 2023 được cho là ảnh hưởng đến tâm lý các nhà mua hàng, doanh nghiệp lớn và các quỹ đầu tư xuyên quốc gia…
Ông Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann (FNF) tại Việt Nam, tiếp cận vốn vay hiện nay cũng khá thách thức đối với doanh nghiệp khi lãi suất ngày càng tăng, các ngân hàng thương mại hạn chế tín dụng và việc dùng bất động sản làm tài sản thế chấp khó khăn hơn trước.
Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, năm 2023 thị trường gỗ từ Mỹ và EU khó khăn do lạm phát cao, khiến tiêu dùng gỗ và các sản phẩm gỗ suy giảm. Theo kế hoạch năm 2023 kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ dự kiến đạt trên 7%, tương ứng 18 tỷ USD (tăng 2 tỷ USD)so với cùng kỳ 2022. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này đòi hỏi doanh nghiệp phải rất cố gắng về đơn hàng, tiết giảm chi phí, tìm kiếm thị trường và đặc biệt là chủ động đơn hàng dài hạn.
Còn theo đại diện Hiệp hội dệt may Việt Nam, trong năm 2023 áp lực về nguyên liệu sẽ giảm bớt do Trung Quốc mở cửa trở lại, song đơn hàng gia công và xuất khẩu trực tiếp vẫn là nỗi khó khăn cho doanh nghiệp do tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng còn nhiều khó khăn, trở ngại.
Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, hiện Việt Nam có khoảng 15 FTAs thế hệ mới nhưng doanh nghiệp Việt vẫn chủ yếu tập trung vào các thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, các thị trường khác dù có nhu cầu hàng hoá Việt Nam rất lớn, đa dạng song doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác tốt.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết, khó khăn lớn nhất doanh nghiệp Việt ở thị trường mới là thị hiếu tiêu dùng, thanh toán, tập quán thương mại và chi phí. Vận chuyển hàng rời sẽ tốn nhiều chi phí hơn, trong khi đó thoả thuận thanh toán đơn hàng của mỗi thị trường khác nhau nên các doanh nghiệp thường chọn "an toàn".
Về triển vọng, theo đại diện Hiệp hội dệt may, thị trường xuất khẩu Việt Nam năm 2023 sẽ khó khăn do tác động kép của lạm phát toàn cầu, suy thoái của các nền kinh tế lớn, sự tăng giá của đồng USD và khó khăn về tín dụng khi doanh nghiệp chật vật với thế chấp tài sản là bất động sản thì việc tiếp cận tín dụng từ ngân hàng sẽ là thách thức lớn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.