Dân Việt

Người đối đầu với tỷ phú giàu nhất châu Á

Minh An 28/01/2023 12:09 GMT+7
Công ty bán khống Hindenburg của Nathan Anderson cáo buộc tập đoàn của tỷ phú giàu nhất châu Á “thao túng cổ phiếu trắng trợn và âm mưu gian lận kế toán trong nhiều thập kỷ”.
 Người đối đầu với tỷ phú giàu nhất châu Á - Ảnh 1.

Ông Nathan Anderson. Ảnh: Redux.

Trong vài năm qua, Nathan Anderson đã tạo nên tên tuổi với những phân tích khiến cổ phiếu của một số công ty chìm nghỉm. Lúc này đây, bộ óc đứng sau Hindenburg Research tiếp tục theo đuổi "trò chơi lớn" của mình.

Mục tiêu ông Anderson nhắm đến lần này là tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani, nhân vật thậm chí còn giàu hơn cả Bill Gates hay Warren Buffett, với tài sản ròng trị giá 113,4 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.

Phát súng khai hỏa

Trong báo cáo mới được công bố sau 2 năm điều tra, Hindenburg cáo buộc đà thăng tiến vượt bậc của đế chế trong tay tỷ phú Adani là “vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp”.

Cụ thể, hôm 24/1, Hindenburg Research công bố kết quả điều tra vào tập đoàn Adani Group của vị tỷ phú Ấn Độ, cáo buộc tập đoàn này “thao túng cổ phiếu trắng trợn và âm mưu gian lận kế toán trong suốt nhiều thập kỷ”, CNN đưa tin.

“Các công ty trong mạng lưới của tập đoàn Adani nhìn chung đều rất chán, tăng trưởng thấp, nhưng chỉ số định giá của những công ty niêm yết lại có thể sánh ngang các công ty công nghệ tăng trưởng mạnh nhất”, Hindenburg cho hay.

Báo cáo trên - vốn bị tập đoàn Adani sau đó chỉ trích là "ác ý" - đã thổi bay hơn 51 tỷ USD giá trị thị trường khỏi đế chế doanh nghiệp của tỷ phú Adani, Bloomberg đưa tin ngày 27/1.

Trong bối cảnh đó, tập đoàn Adani cho biết họ đang chuẩn bị các hành động pháp lý.

 Người đối đầu với tỷ phú giàu nhất châu Á - Ảnh 2.

Tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani. Ảnh: Reuters.

Hindenburg, trong một tuyên bố hôm 26/1, cho hay họ “hoan nghênh” động thái này.

“Chúng tôi tin rằng bất kỳ hành động pháp lý nào chống lại chúng tôi sẽ là vô căn cứ”, công ty bán khống tuyên bố.

Đây được xem là một bước ngoặt đáng chú ý đối với Anderson, người từng thu hút sự chú ý của Phố Wall với lịch sử hạ gục các doanh nghiệp như Nikola, một nhà sản xuất xe điện.

Giờ đây, câu hỏi đặt ra là liệu các nhà đầu tư khác có chú ý đến những lời cảnh báo của Hindenburg về đế chế của ông Adani, người có khối tài sản khổng lồ có thể tác động đến đời sống kinh tế và chính trị của Ấn Độ, hay không.

Nhà bán khống đối đầu với người giàu nhất châu Á là ai?

Bloomberg nhận định đây là cuộc đối đầu giữa hai bên có sự chênh lệch lớn.

Tỷ phú Gautam Adani đã dành 4 thập kỷ để xây dựng đế chế kinh doanh bao gồm năng lượng, nông nghiệp, bất động sản, truyền thông, cùng nhiều lĩnh vực khác.

Năm 2022, trong khi phần lớn tỷ phú khác mất tiền, ông Adani kiếm được 40 tỷ USD và là người có tài sản tăng mạnh nhất thế giới. Việc phát triển các mảng kinh doanh phù hợp với định hướng của đất nước cũng được cho là yếu tố giúp đế chế của ông Adani ăn nên làm ra.

Trong khi đó, Hindenburg Research có trụ sở tại New York của Anderson - về lý thuyết là công ty nghiên cứu và giao dịch, không phải quỹ đầu tư nhận tiền từ nhà đầu tư bên ngoài - mới mở chưa đầy 5 năm và phải mạo hiểm tiền của chính mình. Ngay trong giới tài chính của Manhattan, Anderson cũng vốn không phải tên tuổi lớn.

Tuy nhiên, công ty bán khống do Anderson sáng lập đã tạo được dấu ấn trong thời gian gần đây, bằng cách nhắm mục tiêu vào những công ty mà ông cho là được định giá quá cao và có tài chính đáng ngờ.

Hindenburg, được đặt tên theo chiếc khinh khí cầu của Đức nổ tung vào năm 1937, đã nhắm mục tiêu vào khoảng 30 công ty kể từ năm 2020. Trung bình, cổ phiếu của những công ty này thường giảm khoảng 15% một ngày sau báo cáo của Hindeburg và giảm 26% trong 6 tháng sau, theo tính toán của Bloomberg.

Cách thức hoạt động của Hindenburg rất đơn giản: Anderson và đội ngũ của ông sẽ đào sâu tìm kiếm hành vi sai trái của các công ty.

Một ví dụ điển hình là nhà sản xuất xe điện Nikola. Anderson cáo buộc công ty này được xây dựng trên "hàng chục lời nói dối" và gọi đây là vụ lừa đảo phức tạp”.

Cổ phiếu của công ty Nikola đã lao dốc mạnh. Vào tháng 10/2022, người sáng lập Nikola, Trevor Milton, bị kết tội lừa đảo nhà đầu tư.

Dù vậy, một số người cũng cáo buộc Hindenburg cố gắng đẩy giá cổ phiếu xuống thấp hơn bằng các báo cáo của mình để kiếm lợi nhuận.

Báo cáo của Hindenburg được đưa ra ngay khi công ty kinh doanh than đá lớn nhất Ấn Độ Adani Enterprises - công ty con của Adani Group - đang mở đợt bán cổ phần trị giá 2,5 tỷ USD cho các nhà đầu tư.

"Báo cáo này 100% là không có căn cứ", AFP dẫn lời chuyên viên phân tích thị trường Arun Kejriwal. Ông Kejriwal khẳng định Hindenburg đang tìm cách "kiếm tiền" từ việc bán khống.

"Nó chỉ là tổng hợp các bản tin cũ được đưa ra đúng thời điểm gây thiệt hại nhiều nhất", ông Kejriwal nói. "Họ làm báo cáo đó ra vẻ bê bối bao nhiêu, thiệt hại càng lớn bấy nhiêu".

Người kín tiếng

Thế nhưng, sau tất cả ồn ào mà Hindenburg tạo ra, bản thân Anderson lại xuất hiện rất ít trước công chúng. Ông lớn lên ở một thị trấn nhỏ ở Connecticut và lấy bằng kinh doanh ở Đại học Connecticut (Mỹ).

Trong khi học đại học, Anderson sống một thời gian ở Israel, vừa làm nhân viên y tế trong khi tham gia lớp học tại Đại học Hebrew. Sau đó, ông làm việc cho một công ty phân tích tài chính trước khi nhận công việc kiểm tra các giao dịch tiềm năng cho công ty đầu tư của những gia đình giàu có.

Anderson cho biết niềm đam mê của ông là “tìm ra những trò gian lận”. Thời gian đầu, ông dành thời gian điều tra những tổ chức bị nghi thực hiện lừa đảo kiểu Ponzi và đôi khi cũng hợp sức với kế toán viên pháp y Harry Markopolos. Ông Markopolos từng lên tiếng cảnh báo nhà chức trách về siêu lừa Bernie Madoff.

Theo Bloomberg, ngay cả khi tập đoàn Adani vượt qua sóng gió và đánh bại Hindenburg trong vụ việc này, Anderson vẫn không thiếu việc phải làm.

“Vẫn còn rất nhiều vụ gian lận ngoài kia”, Anderson nói với tờ New York Times vào tháng 10/2022. “Nếu một lúc nào đó tôi cảm thấy hầu hết gian lận doanh nghiệp ở Mỹ đã bị loại bỏ, thì có lẽ tôi sẽ tuyên bố đi trồng cà chua, hay làm gì đó tương tự”.