Công an tỉnh Hải Dương cho biết đã bắt giữ Nguyễn Nam Trượng (SN 1972, trú xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc), nghi phạm nổ súng và dùng dao chém khiến 2 người tử vong đêm 30 Tết.
Trước đó, khoảng 21 giờ ngày 21/1 (30 Tết), Lê Ngọc Đ. (SN 1990) cùng vợ là Lê Thị Ngọc L. (SN 1984) và Phạm Thanh S. (SN 1984, cùng trú phường Quang Trung, TP Hải Dương) đến nhà Nguyễn Nam Trượng, ở thôn Cao Dương, xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc để đòi tiền.
Gần đến thời khắc giao thừa, 2 bên xảy ra mâu thuẫn, Trượng lên tầng 2 lấy dao bầu, súng tự chế chuẩn bị từ trước bắn 2 phát vào người chị Lê Thị Ngọc L.
Sau đó, Trượng dùng dao đâm 2 nhát vào người anh Phạm Thanh S. và chém anh Lê Ngọc Đ.
Sự việc khiến anh Phạm Thanh S. tử vong tại chỗ, chị Lê Thị Ngọc L. tử vong tại bệnh viện. Người còn lại bị thương được điều trị tại bệnh viện.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng, đây là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng có nguyên nhân từ việc mâu thuẫn trong quá trình giải quyết nợ nần.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của các bên liên quan để xác định tính chất của vụ án, làm căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Ông Cường phân tích, việc vay nợ là quan hệ dân sự, hai bên có thỏa thuận với nhau về số tiền cho vay, thời hạn trả nợ, mức lãi suất và các vấn đề khác có liên quan.
Khi đến hạn trả nợ, bên vay tiền có nghĩa vụ phải trả nợ theo thỏa thuận, bên cho vay cũng có quyền nhắc nợ, đòi nợ, có quyền khởi kiện đến tòa án hoặc đưa sự việc ra cơ quan chức năng để được xem xét giải quyết nếu có tranh chấp về việc đòi nợ.
Pháp luật chỉ nghiêm cấm việc đòi nợ bằng hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần của con nợ, việc nhắc nợ không quá 5 lần trên một ngày và không được đòi nợ trước 7 giờ sáng và sau 21 giờ tối.
Pháp luật Việt Nam hiện nay cũng nghiêm cấm hành vi đòi nợ thuê, hay nói cách khác là dịch vụ đòi nợ không được phép hoạt động.
Bởi vậy trong quá trình làm rõ nguyên nhân sự việc, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ quan hệ vay mượn tài sản được xác lập như thế nào, nạn nhân trong vụ án này có phải là chủ nợ hay không và việc đòi nợ có phù hợp với quy định của pháp luật hay không.
Theo ông Cường, trong trường hợp việc đòi nợ là không phù hợp với quy định của pháp luật, hành vi này có đến mức gây ức chế khiến tinh thần của đối tượng bị kích động mạnh hay không là yếu tố quan trọng để xác định tội danh cũng như làm cơ sở để quyết định mức hình phạt.
Trong trường hợp hành vi đòi nợ là trái pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người vay nợ và gia đình họ khiến tinh thần họ bị kích động mạnh dẫn đến hành vi sát hại người khác thì có thể xem xét xử lý về tội Giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh theo quy định tại Điều 125 Bộ luật hình sự.
Xử lý về tội danh này thì hình phạt đối với người gây án có thể tới 7 năm tù. Tuy nhiên, để xác định tinh thần người gây án có bị kích động mạnh hay không phải căn cứ vào nhiều yếu tố.
Trong đó, đặc biệt là yếu tố về hành vi của nạn nhân có phải là hành vi trái pháp luật hay không, có dẫn đến tinh thần của đối tượng gây án và những người khác hiển nhiên sẽ bị kích động mạnh hay không.
'Trường hợp việc đòi nợ, nhắc nợ là phù hợp với quy định của pháp luật. Người đòi nợ không có hành vi nào đe dọa uy hiếp tinh thần của người vay nợ, cũng không có hành vi nào gây kích động tinh thần của người vay nợ.
Tình huống này, hành vi giết người là có tính chất côn đồ, giết nhiều người nên hình phạt mà người này sẽ có thể đối mặt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự" – vị chuyên gia nhấn mạnh.