Chật vật tìm việc sau Tết

Theo Lao động Thứ bảy, ngày 28/01/2023 11:28 AM (GMT+7)
Sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023, nhiều người lao động bắt đầu rải CV (Curriculum Vitae) - nộp đơn xin việc khắp nơi để tìm kiếm một công việc phù hợp.
Bình luận 0

Lê Thị Bé My (SN 2001, quê Thanh Hóa) vừa hoàn thành chương trình đại học vào cuối năm 2022. Bé My chia sẻ: "Tôi đã hoàn thành tất cả chương trình học và chứng chỉ đầu ra sớm hơn so với các bạn cùng khóa. Tuy nhiên, quá trình xét duyệt cấp bằng tốt nghiệp tạm thời lại khá mất thời gian. Việc thiếu đi bằng đại học khiến tôi khó khăn để tìm kiếm một công việc phù hợp, khi mà hiện nay ở bất kỳ vị trí nào trong các công ty, doanh nghiệp lớn đều yêu cầu bằng cấp trong hồ sơ".

Do chưa có kế hoạch ở lại Hà Nội cụ thể trong thời gian chờ bằng, Bé My đã trả lại phòng trọ để giảm thiểu chi phí. Việc di chuyển từ Thanh Hóa ra Hà Nội để phỏng vấn càng trở nên bất tiện hơn. Trong khi đó, lại rất ít công ty trong lĩnh vực tân cử nhân này tìm kiếm hỗ trợ phỏng vấn qua hình thức trực tuyến.

Chật vật tìm việc sau Tết - Ảnh 1.

Thiếu bằng đại học trong hồ sơ khiến Bé My chật vật khi tìm kiếm công việc. Ảnh: Bé My

Nói thêm về khó khăn trong việc tìm kiếm công việc, Bé My tâm sự: "Tôi cũng đã gửi CV - sơ yếu lý lịch của mình cho 6-7 công ty khác nhau, tuy nhiên đều không được gọi đi phỏng vấn. Những nơi không yêu cầu bằng cấp thì mức lương khá thấp chỉ từ 4-5 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập như vậy, việc chi tiêu sinh hoạt ở Hà Nội cũng đã là một áp lực rất lớn".

Dự tính trong thời gian tới, Bé My vẫn chấp nhận đi làm với mức thu nhập trung bình. Đây xem như là cơ hội để nữ sinh tích lũy kinh nghiệm. Trải nghiệm ở những vị trí, công việc khác nhau sẽ giúp Bé My có những định hướng, kinh nghiệm làm việc tốt hơn cho sau này.

Rơi vào tình trạng bị cho nghỉ việc trong khi chỉ cách giao thừa vài ngày, chị Lê Hà My (Lào Cai) đang loay hoay tìm một công việc mới.

"Lúc đầu, tôi dự tính sẽ cho mình thời gian nghỉ ngơi ít nhất 1 tháng sau Tết. Nhưng khi thấy mọi người kết thúc kỳ nghỉ Tết, quay trở lại công việc hàng ngày tôi lại thấy sốt ruột" - chị My tâm sự.

Cú sốc bị cho nghỉ việc, không có thưởng cận Tết Nguyên đán 2023 vừa qua đã khiến chị My thận trọng hơn trong tìm kiếm công ty, doanh nghiệp tuyển dụng lao động vào đầu năm 2023. Theo chị My, ngoài tính chất công việc phù hợp, cần phải xem xét thật kỹ các chế độ lương, thưởng... để đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người lao động ngay cả khi phía công ty, doanh nghiệp đột ngột yêu cầu nhân viên nghỉ việc.

Trước đó, dự báo về cung cầu lao động trong năm 2023, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - kỳ vọng nửa đầu năm 2023 kinh tế sẽ còn những khó khăn nhưng cuối năm tình hình sẽ khởi sắc. Vì thế, thị trường lao động sớm có những chuyển biến tích cực.

Chật vật tìm việc sau Tết - Ảnh 2.

Dự báo tình hình lao động cuối năm 2023 sẽ khởi sắc. Ảnh minh họa: Lương Hạnh

Những ngành có tiềm năng là ngành thế mạnh dẫn dắt nền kinh tế vẫn sẽ chiếm lợi thế và duy trì đà tăng trưởng tốt. Với ngành nghề liên quan vấn đề hội nhập như: Sản xuất chế biến gỗ, da giày, may mặc... dù chịu tác động của khủng hoảng nhưng cũng sẽ sớm tạo sự phục hồi thậm chí bứt phá mạnh mẽ vào cuối năm 2023.

"Tôi cho rằng ưu tiên hiện nay là duy trì một thị trường lao động linh hoạt, bền vững. Để các lao động mất việc, giãn việc có thể tìm kiếm việc làm ở khu vực việc làm không chính thức, sau đó, khi thị trường lao động khởi sắc, doanh nghiệp phục hồi thì lao động lại quay trở lại làm việc" - ông Quảng nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem