Bà nội tôi bảo, bếp lửa chính là trái tim của mỗi ngôi nhà. Càng đi xa, càng tha thiết nhớ ngọn lửa ấm trong góc bếp thân thương, nhất là những ngày giáp Tết...
Nhúm nhau thai của lũ trẻ bản tôi thường được chôn trong đống tro sau khóe bếp. Bởi vậy mà bếp lửa luôn có sự kết nối thiêng liêng, kỳ diệu với tâm hồn mỗi người. Nhớ những chiều tất niên, tưởng như có bao nhiêu sự rực rỡ của hoa gạo, sự tươi tắn của hoa chuối rừng, sự nhiệt huyết của hoa lềnh si, sự rạng ngời của hoa pa bát đã pha thành màu lửa đỏ dịu đằm.
Hơi ấm bếp lửa xua tan bóng tối và giá lạnh, xua tan xui xẻo và muộn phiền năm cũ để sắp sửa đón chào một năm mới khởi sắc hơn. Lửa đánh thức rổ rá, xoong nồi, vại chum... tỉnh giấc, cùng tấu lên khúc nhạc Tết rộn ràng.
Thời xưa, nhóm bếp lửa là tiêu chí đầu tiên để các bậc phụ huynh tuyển chọn dâu hiền. Bếp lửa sẽ thành thật đánh giá một cô gái vụng về hay tháo vát. Mẹ tôi là dân phố huyện, đã quen với cuộc sống đầy đủ tiện nghi. Mẹ đến ra mắt nhà bố vào một ngày đầu xuân, vần vò, loay hoay mãi mà mấy khúc củi mục không bắt lửa. Bà nội tôi khẽ lắc đầu. Bữa cơm gặp mặt bớt vui. Nhưng bố yêu mẹ vô điều kiện. Mẹ về làm dâu, cơm bữa nhão, bữa sống, có năm luộc bánh chưng gù quá lửa, cháy bục tận đáy nồi, mất luôn cả Tết. Những rạn nứt cứ lan ra âm thầm, chằng chịt...
Cuối cùng, bố mẹ bỏ nhau, chị em tôi sống với bà nội trong căn nhà nhỏ lợp mái fibro xi măng thấp lè tè, dưới chân núi Pú Piếng. Nhà nghèo, nên cái Tết cũng thật đơn sơ. Hai mươi chín Tết, cả nhà cùng quây quần bên ánh lửa bập bùng, gói dăm cặp bánh chưng gù, chục khúc lạp xưởng treo gác bếp. Củi lách tách lưu luyến núi đồi. Lửa run rẩy nhen lên vị Tết. Ngoài ô cửa sổ, gió loạt soạt như muốn ghé vào xin nương nhờ hơi ấm. Mùi gạo nếp, đỗ xanh, thịt mỡ, dưa hành, củi quế và cả mùi của những chùm bồ hóng lâu ngày đung đưa trên vách đất quyện vào nhau xốn xang, thổn thức.
Cuộc đời bà tôi chỉ loanh quanh từ nhà ra nương ngô nhưng tâm hồn bà là cả một kho tàng cổ tích. Ngồi nũng nịu bên bà, khơi bếp lửa hồng, nghe bà thủ thỉ bao sự tích ngày Tết hòa cùng tiếng nồi bánh chưng gù sôi lục khục, chợt thấy lòng bình yên và nhẹ nhõm tựa cánh hoa đào nở nghiêng trong gió. Bà dặn chị tôi, sau này làm vợ phải biết chăm chút cho gian bếp nhà mình. Lửa sẽ giúp người vợ giữ chân chồng. Lửa nhắc nhớ đàn con về bên mẹ. Nếu để tro tàn, than nguội thì tổ ấm gia đình cũng trở nên lạnh nhạt, tách rời. Lời bà dạy thấm thía và ấm nồng như những hòn than hồng ủ nhiệt...
Người dân bản tôi tin rằng, vào dịp năm mới, lửa nhà ai càng đỏ, càng đượm thì gia đình ấy càng hạnh phúc, may mắn. Thuở ấu thơ, chị em tôi vẫn thường thay phiên nhau canh bếp lửa, gửi vào lửa những ước mong nhỏ nhoi, thầm kín. Một ngày nào đó, khi đàn chim nộc khua ríu rít rủ nhau đắp tổ, bố mẹ tôi sẽ trở về giữa tiết xuân nắng ấm. Vậy mà, bao nhiêu cái Tết mòn mỏi trôi qua, niềm hi vọng ấy cứ vời xa như mây phủ trên đỉnh Pú Piếng mịt mờ, lam tím. Rồi bỗng nhận ra, bà đã già lắm. Chị em tôi cũng đủ lớn để biết sợ những cái Tết đang gần...
Thế rồi, chị tôi cũng rời xa bà cháu tôi, rời xa bếp lửa, xuống thành phố trọ học. Lửa của bếp gas, bếp từ hiện đại đã níu chân chị ở lại chốn phồn hoa, náo nhiệt. Năm kia, vợ chồng chị lên đây chơi Tết. Chị chê lạp xưởng bụi bặm mất vệ sinh, chê bánh chưng gù quê mùa, nhạt nhẽo. Chị biếu bà nội hộp bánh pizza và mấy gói xúc xích công nghiệp. Nhóm chưa kịp đượm bếp lửa, chị đã vội về xuôi. Đợi chiếc xe ô tô nhà chị đi khuất sau con dốc, bà lẳng lặng chất củi khô vào bếp lửa. Những tàn lửa bay lây rây rồi chìm vào bóng tối. Có phải tại khói mà mắt bà hoe đỏ?
Tết đi, đúng hẹn, Tết lại gõ cửa. Chỉ có bố, mẹ và chị tôi biền biệt mỗi người một nơi, không nhớ nổi đường về. Hay vì cái thung lũng hình hoa đào này quá quạnh quẽ, u buồn? Năm hết, Tết đến, bà cháu tôi vẫn ngồi gói bánh chưng gù bên bếp lửa hồng đượm rực. Đôi tay tong teo, gầy guộc của bà không còn buộc chặt được sợi lạt mỏng nữa rồi. Những giọt nước mắt tôi rơi trên rổ nếp nương trắng đến khắc khoải. Tôi chất thêm bao nhiêu củi vào bếp lửa đang cháy mà căn nhà vẫn trống trải nhói lòng. Tôi ôm chầm lấy bà, thầm mong thời gian cứ ngưng lại khoảnh khắc này mãi mãi...
Tết năm nay, như thể linh cảm trước một điều gì đó, bà dặn tôi gói thêm bánh chưng gù và trữ thêm củi khô trong góc bếp. Đêm Ba mươi Tết, gió lạnh không ngừng quăng quờ, rú rít, tôi nghe một tiếng khóc thút thít bên ngoài cửa sổ. Mở cửa soi đèn, chị tôi đang ngồi co ro bên gốc đào già, ôm chặt chiếc ba lô rách nát, giữa tiết trời lún phún mưa phùn. Bà nấu một nồi nước bồ kết đượm màu cánh gián, tỉ mẩn gội đầu cho chị như hồi còn thơ bé. Rồi bà hong quần áo chị bên ngọn lửa dậy mùi củi quế. Ba bà cháu chụm quanh bếp lửa, lặng yên nghe lửa rủ rỉ tâm tình...
Trái tim của ngôi nhà chính là bếp lửa. Đời suối chảy xuôi, kiếp người trôi ngược, khi cuộc đời nhuốm mặn nỗi cô đơn, khi giấc mơ đắm chìm trong bóng tối, khi đôi chân lỡ lầm đường, lạc lối, nhớ nương theo ánh lửa để trở về. Có bao nhiêu đau buồn, hãy chất hết vào bừng bừng bếp lửa. Và đêm nay, trong phút giây đoàn viên, lửa nhắc chúng tôi rằng, Tết đã về trong góc bếp!
Nhằm tạo cơ hội cho những người con từng phải đón Tết xa quê vì dịch bệnh, vì công cuộc mưu sinh… trải lòng về những cảm xúc, tâm tư, nỗi niềm được đoàn viên cùng gia đình trong dịp Tết Quý Mão và cả những câu chuyện mình trải qua hoặc chứng kiến về Tết đoàn viên, báo điện tử Dân Việt tổ chức cuộc thi viết "Tết đoàn viên". Với cuộc thi này, Ban Tổ chức sẽ nhận tất cả các bài viết thuộc các thể loại: phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào. Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, có kèm hình ảnh, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email banvhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 13 ngày, từ ngày 18/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 31/1 (tức mồng 10 Tết Nguyên đán Quý Mão), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.
Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Tết đoàn viên" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.
Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.
Thông tin thêm về thể lệ cuộc thi tại đây.